Ý kiến bạn đọc

Vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về tổ chức, cán bộ đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ

(Dân trí) - Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ, một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ đối với các đơn vị sự nghiệp (đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn bộ) rất cần được hướng dẫn, quy định cụ thể


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 43), các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã triển khai có hiệu quả việc tự chủ trên các mặt nhằm nâng cao hiệu suất công tác và quản lý nguồn ngân sách đảm bảo tiết kiệm, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động trực thuộc. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay đó là một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ đối với các đơn vị sự nghiệp (đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn bộ) rất cần được hướng dẫn, quy định cụ thể:

Thứ nhất: việc phân định rõ công chức, viên chức đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức (Nghị định 06) thì công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là " Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện". Như vậy, chúng ta có thể hiểu người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí thì là công chức. Tuy nhiên, không phải đơn vị sự nghiệp công lập nào củng được "ngân sách Nhà nước cấp kinh phí". Theo quy định tại khoản 1, điều 9, Nghị định số 43 về phân loại đơn vị sự nghiệp thì: "Căn cứ vào nguồn thu sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp được phân loại để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính như sau:a) Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động); b) Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động); c) Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động)". Vậy, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động hay còn gọi là tự chủ (Nhà nước không cấp ngân sách) thì được xem là công chức hay không?. Đây là vướng mắc rất cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn. Bởi lẽ, việc xác định là công chức hay viên chức rất quan trọng trong các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ như: khen thưởng, kỷ luật, nâng lương, phụ cấp…Đồng thời, việc xác định rõ là công chức hay viên chức còn nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ liên quan đến từng loại chức danh có liên quan. Thiết nghĩ, nên quy định những đối tượng này là công chức, bởi lẽ họ giữ chức vụ lãnh đạo, thủ trưởng của đơn vị sự nghiệp (mặc dù không sử dụng ngân sách Nhà nước) và là người có thẩm quyền quyết định những vẫn đề quan trọng của đơn vị sự nghiệp tự chủ. Đồng thời, những chức danh này được cơ quan cấp trên có thẩm quyền (cấp trên trực tiếp hoặc Lãnh đạo Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức… theo quy định hiện hành. Như thế sẽ phù hợp hơn.

Thứ hai: việc bổ nhiệm các chức danh đối với các đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Theo quy định tại khoản 1, điều 7, Nghị định số 43 quy định về biên chế thì : " 1. Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động, được tự quyết định biên chế...". Theo đó, chúng ta có thể hiểu, các đơn vị sự nghiệp tự chủ được quyền quyết định biên chế, biên chế ở đây được hiểu là số lượng người làm việc được hợp đồng làm việc theo vị trí việc làm của các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, biên chế ở đây không phải là chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm theo chỉ tiêu, kế hoạch. Bởi lẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp nói chung được cấp có thẩm quyền giao hàng năm (hoặc bổ sung) cho các đơn vị cấp trên quản lý trực tiếp để phân bổ cho các đơn vị sự nghiệp (ví dụ biên chế của các Phòng Công chứng được cấp có thẩm quyền giao cho Sở Tư pháp để phân bổ cho đơn vị này). Mặt khác, hiện nay các đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn bộ về kinh phí và hoạt động lại không được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế (hoặc không được cấp có thẩm quyền giao bổ sung biên chế). Như vậy, việc tạo nguồn để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức trực thuộc các đơn vị sự nghiệp tự chủ được thực hiện như thế nào?. Căn cứ Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo thì " bổ nhiệm là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền raquyết định cử cán bộ, công chức giữ một chức vụ lãnh đạo có thời hạn trong cơquan, đơn vị". Đồng thời, theo Luật cán bộ, công chức năm 2008 thì " Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật" và Luật Viên chức năm 2010 thì: " Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý". Hay nói cách khác, những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ sẽ không có chỉ tiêu biên chế (hoặc chỉ những chỉ tiêu biên chế có từ trước khi đơn vị được cấp có thẩm quyền giao quyết định tự chủ) và những lao động được hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thì không được xem là công chức, củng không phải là viên chức (hay nói cách khác là không trong biên chế được cấp có thẩm quyền giao, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước...) như vậy thì không thể có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để xem xét, quyết định việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo tại các đơn vị trực thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập đối với những trường hợp này. Đây là vấn đề vướng mắc đang phát sinh, rất cần sự hướng dẫn kịp thời của các cơ quan có chức năng để việc triển khai thực hiện trên thực tế được phù hợp, đúng với quy định của pháp luật. Thiết nghĩ, cần phải có mộ văn bản pháp quy quy định cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề này, trong đó, cần quy định cụ thể về địa vị của những người làm việc tại các đơn vị này (có thể được xem như là viên chức, chứ không thể xem là người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc); đồng thời, quy định cụ thể hơn về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, trách nhiệm, nghĩa vụ của những người giữ các chức danh lãnh đạo tại các đơn vị trực thuộc của đơn vị sự nghiệp công lập (củng có thể được quy định tương tự như đối với các viên chức quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập).

Nguyễn Xuân Viễn

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum