“Vua sáng chế” của nông dân miền núi Bình Định

Cái máu mày mò sáng tạo hình thành từ những ngày anh lẽo đẽo xách đồ nghề đi theo bố sửa chữa máy móc, sau hơn 30 năm, tài sản lớn nhất của “vua sáng chế” Lê Văn Thành là sự tin tưởng, nể phục không chỉ của bà con ở huyện miền núi Tây Sơn mà của những người nông dân Bình Định.


Những sáng chế của anh Thành được bà con miền núi Tây Sơn tin tưởng sử dụng. Ảnh: N.T

Những sáng chế của anh Thành được bà con miền núi Tây Sơn tin tưởng sử dụng. Ảnh: N.T

Bỏ học đi làm nghề

Nghiệp sáng chế của anh Lê Văn Thành (40 tuổi, trú thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu từ năm 15 tuổi. Khi đó, anh phải theo gia đình vào Bình Định lập nghiệp, vì bố làm nghề sửa chữa máy móc nên anh cũng mon men tập tành làm thợ phụ, lâu rồi ham nghề, lơ là việc học. Đến hết lớp 5, anh Thành quyết định nghỉ học, hễ bố đi sửa chữa máy móc ở đâu thì đi theo học nghề.

“Bố tui hành nghề sửa chữa các loại xe và máy móc nông cụ cho dân làng, chắc vì thế nên tôi cũng thừa hưởng ít “tinh hoa” của ông. Ngoài ra, do sống gần bà con dân tộc Bana nên tôi kết giao được với rất nhiều anh em người bản địa. Mỗi khi có vấn đề gì liên quan đến máy móc, người Bana liền tìm xuống tiệm sửa của tôi để nhờ giúp đỡ nên từ đó tay nghề của tôi ngày một nâng lên” - anh Thành nhớ lại.

Thành kể, cuối năm 2014, khi Thành đến nhà người bạn dân tộc Bana tên Đinh An (trưởng thôn Kon Giọt 2, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn), lúc đó người bạn than thở về việc nhiều đám ruộng bị sình lầy, lún đến nửa chân trâu làm mất thời gian cày đất. “Nếu dùng trâu cày đất thì phải cần 2 người làm, nhưng phải làm nhiều ngày mới xong, rất tốn thời gian và công sức”.

Câu chuyện với người bạn làm Thành rất trăn trở, về nhà, anh lặn ngụp trong mớ thông tin từ sách vở, internet... rồi nhanh chóng “xắn tay” bắt đầu sáng chế cỗ máy cày đầu tiên. “Lúc đầu mình không hình dung được là phải làm như thế nào, mất cả tháng chỉ để mày mò, nghiên cứu nguyên lý hoạt động của máy cày. Rồi phải “tháo tung” các loại máy móc khác để tìm hiểu, dựa vào đó chế tạo ra cỗ máy làm đất hoàn hảo nhất. Sau đó, tôi phải mất thêm mấy tuần nữa để thử nghiệm, kiểm tra xem lúc hoạt động có trục trặc gì không” - Thành nhớ lại.

Sau khi “đứa con đầu lòng” hoàn thiện, anh nhanh chóng gọi điện thoại cho người bạn trưởng thôn để đưa máy về dùng thử. Chỉ sau 2 giờ, cỗ máy đã cày xong đám ruộng sình lầy mà trước đó dân bản phải mất nhiều ngày mới làm xong. “Thấy máy hoạt động “ngon” trưởng thôn gom tiền chạy đến nhà và ngỏ lời mua cho bằng được cỗ máy này. Bạn tôi còn khoe người dân trong thôn rất vui mừng. Về sau, tôi sáng chế thêm 7 cỗ máy khác thích ứng với tất cả các loại địa hình, nhưng chủ yếu phục vụ người miền núi”- anh Thành tươi cười nói.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến nhà anh để mua máy. Có lần, một người Bana đến tìm anh Thành đặt hàng cỗ máy bơm nước lên rẫy cao, với điều kiện máy không to, giá rẻ và phải đủ sức đưa nước từ hồ lên núi cao. Sau gần 1 tháng “quên ăn bỏ ngủ”, cuối cùng anh Thành đã biến chiếc máy bơm nước cũ kỹ trở thành một máy bơm hiện đại. Máy chạy bằng xăng, phù hợp để sử dụng ở các vùng đồi núi nên được người dân đón nhận nhiệt tình. Từ đó, anh Thành được bà con nông dân miền núi Tây Sơn tin yêu, quý trọng.

“Gần đây nhất, trong năm 2017, tôi trình làng thêm 3 cỗ máy làm nông nghiệp rất hữu ích và gần gũi với bà con nông dân là máy băm chuối đa năng, máy tách hạt ngô và xe chở hàng nông sản” - anh Thành tự hào khoe.

Không đủ sức để làm thêm nhiều máy móc

Liên tiếp năm 2014, 2016, 2017, được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Tây Sơn, anh Lê Văn Thành gửi những công trình sáng chế của mình đến nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Số bằng khen anh được tặng về thành tích ứng dụng sáng chế có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ngày một nhiều lên.

Tuy nhiên, “vua sáng chế” máy móc nông nghiệp vẫn tiếc nuối: “Dân bản khen các loại máy của tôi sáng chế có giá cả phù hợp, đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp rất cao. Nhưng tôi không đủ sức để làm, cũng không có vốn lớn đầu tư mua nguyên vật liệu và mở rộng nhà xưởng nên đành phải từ chối nhiều đơn hàng”.

Trao đổi về ông “Vua sáng chế” nhận được sự tin yêu của bà con đồng bào Bana, ông Đoàn Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn - cho biết, cuộc sống của đồng bào Bana trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, bà con chưa có điều kiện tiếp cận cơ giới hóa nên chỉ dựa vào sức người, sức của trâu bò để làm nông nghiệp là chính.

Cũng theo ông Trung, trong thời gian sắp tới, lãnh đạo huyện sẽ tạo điều kiện để anh Thành mở rộng quy mô nhà xưởng, liên kết trong việc nghiên cứu sáng chế và áp dụng vào sản xuất để mang lại nhiều công trình hữu ích hơn nữa. Đồng thời, thúc đẩy nền nông nghiệp của địa phương đi lên.

“Dù chỉ học hết lớp 5, nhưng đến nay những sáng chế của anh Thành đã hỗ trợ cơ giới hóa cho nông dân trong và ngoài địa phương. Những sáng chế của anh đã đi vào thực tế, giúp nông dân giải phóng được sức lao động, phù hợp điều kiện đồi núi của huyện”- ông Trung nói thêm.

Theo Nguyễn Trí

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm