Góc nhìn luật sư
Vụ Huỳnh Văn Nén qua góc nhìn luật sư
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén được trả tự do sau 17 năm giam giữ, vụ án gây chấn động này được đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước quan tâm, để bạn đọc hiểu rõ hơn về vụ án Báo xin đăng tải bài viết của Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội phản ánh quan điểm về vụ án này.
Quá trình giải quyết vụ án trước đây có nhiều bất cập thiếu sót. Được biết sau khi ông Nén bị kết án thì ngày 02/9/2000 anh Nguyễn Phúc Thành đã có đơn tố cáo Nguyễn Thọ (là bạn của anh Thành) là người giết bà Bông chứ không phải ông Nén. Sau đó Công an tỉnh Bình Thuận đã có công văn trả lời không có căn cứ cho rằng Nguyễn Thọ không phải là người giết bà Bông, vì Thọ đã đi khỏi địa phương trước khi bà Bông bị giết khoảng 01 tháng trước đó. Tuy nhiên, theo xác minh của VKSND tối cao thì vào thời điểm trước, trong và sau khi bà Bông bị giết Nguyễn Thọ vẫn đang có mặt tại địa phương không đúng như công văn trả lời của Công an tỉnh Bình Thuận và sau vài ngày bà Bông bị giết Nguyễn Thọ mới đi biệt tích đến nay. Và từ đó đến nay Công an tỉnh Bình Thuận vẫn chưa tập trung điều tra làm rõ những chứng cứ, kiến nghị này của bản án giám đốc thẩm là một thiếu sót nghiêm trọng.
Khi xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo là chứng cứ kết tội bị cáo, trong khi các lời khai nhận tội của bị cáo liên tục thay đổi, có nhiều mâu thuẫn là không phù hợp với quy định của pháp luật về chứng cứ buộc tội…đó là hai trong nhiều thiếu sót khi giải quyết vụ án này.
Trước tết nguyên đán Kỷ Mùi 2015 gia đình ông Huỳnh Văn Nén đã có đơn xin bảo lĩnh, Các Luật sư bào chữa Nguyễn Văn Quynh, Trần Vũ Hải, Phạm Công Út… kiến nghị cho ông Nén được tại ngoại điều tra, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra trả lời bằng văn bản từ chối đề xuất, nên đã kéo dài thời hạn tạm giam cho đến tháng 10/2015 đã phản ánh sự chậm trễ và lúng túng của các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án này. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy phần nào diễn biến tiếp theo qua quyết định trả tự do cho ông Huỳnh Văn Nén ở thời điểm này, có lẽ các CQTHTT đã thấy rõ oan sai sau khi điều tra lại, nên đã trả tự do sớm cho ông Nén trước khi kết luận điều tra để tránh gây thiệt hại lớn.
Trong quá trình điều tra lại vụ án này, cũng cần phải thấy cái khó của các CQTHTT địa phương hiện nay khi hiện trường vụ án nay đã 17 năm không còn dấu vết để khám nghiệm, thực nghiệm điều tra và những vết tích trên thân thể nạn nhân…hơn nữa những người cầm cân nảy mực hiện nay là những người mới trong khi những người có trách nhiệm chính đã nghỉ hưu hay chuyển ngành.
Vừa qua, tôi trở lại Từ Sơn để bắt đầu quá trình điều tra lại vụ án “Chiếc Dùi đục tưởng tượng” Điều tra viên trước đây là “sếp” của ĐTV hiện nay. Nhận thấy rất nhiều điều bất cập khi điều tra lại các vụ án nói chung, nhất là các vụ án có dấu hiệu oan sai như vụ án trên hay các vụ Hàn Đức Long, Vườn Mít, Huỳnh Văn Nén...
Theo trình tự điều tra lại hay điều tra bổ sung thì chính cơ quan ĐT trước đó sẽ là cơ quan tiến hành ĐT lại vụ án và VKSND cùng cấp sẽ là cơ quan giám sát quá trình điều tra. Trong trường hợp vụ án được làm sáng tỏ theo hướng oan sai thì các CQTHTT ở cấp đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí một số cá nhân có nguy cơ bị truy cứu TNHS. Trong trường hợp sự oan sai được làm sáng tỏ trong quá trình điều tra lại thì hành vi đó của ĐTV, KSV đã chống lại đồng đội mình, việc đó chẳng khác nào “tự sát”.
Bất cập ở chỗ, theo quy đinh về Thẩm quyền điều tra (Điều 110) thì: “Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.” Như vậy, thẩm quyền điều tra hoàn toàn thuộc về CQĐT ngành CA mà không có cơ chế để ngành khác tiến hành điều tra hay điều tra độc lập những vụ án nhạy cảm, ngay cả khi chuyển cấp điều tra cũng vẫn thuộc ngành này. Quả là bất cập vì chẳng ai tự cầm dao chặt tay mình.
Thiết nghĩ, trong các vụ án có dấu hiệu oan sai, những vụ án nhạy cảm thì cần phải có sự tham gia giám sát của các cơ quan trung ương. Hiện nay Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” và Đoàn giám sát được mời đại diện một số cơ quan hữu quan tham gia hoạt động của Đoàn; mời một số chuyên gia giúp Đoàn trong công tác giám sát. Do đó QH cần chỉ đạo các Đoàn công tác này tham gia giám sát chặt chẽ quá trình điều tra lại các vụ án có dấu hiệu oan sai, nhất là vụ án Huỳnh Văn Nén.
Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) bị xiết cổ chết.
Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam Huỳnh Văn Nén (sinh năm 1962, quê Cà Mau, trú tại thôn 2, Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) vì nghi ông Nén là thủ phạm giết bà Bông.
Trong tù, Huỳnh Văn Nén khai nhận tội giết bà Bông để cướp chiếc nhẫn 1 chỉ vàng, rồi khai đã cùng nhiều người của gia đình vợ giết bà Dương Thị Mỹ ở cùng thôn, đêm 18/5/1993. Từ lời khai này, ngày 2/12/1998 cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết, khởi tố Huỳnh Văn Nén, vợ ông ta là Nguyễn Thị Cẩm, mẹ vợ ông ta là Nguyễn Thị Lâm và 7 người con, cháu của bà Lâm, tổng cộng 10 người. Vụ án đó, sau này nổi tiếng với tên gọi “Vụ án vườn điều”.
Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm vụ án bà Bông bị giết. Tòa nhận định, bị cáo Huỳnh Văn Nén là tội phạm cực kỳ nguy hiểm, mối hiểm họa cho lương dân, tuy nhiên bị cáo đã có công khai báo về vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tòa tuyên phạt Huỳnh Văn Nén mức án tù chung thân về tội giết người.
Luật sư Trương Anh Tú