Vụ án nâng điểm: Dấu hiệu lọt người lọt tội khá rõ

(Dân trí) - Có hay không việc bỏ lọt tội phạm về tội danh đưa và nhận hối lộ ở Hà Giang? Mặt khác, chưa nói đến vợ một số ông lãnh đạo tỉnh lũng đoạn kỳ thi, chỉ với trách nhiệm của người đứng đầu, để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, lẽ nào các ông nguyên Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang lại vô can?

Vụ án nâng điểm: Dấu hiệu lọt người lọt tội khá rõ - 1

Hai bị cáo Hoài (phải) và Lương là những nhân vật trực tiếp sửa bài cho các thí sinh và bị VKS đề nghị mức án cao nhất trong các bị cáo.

Các vụ án nâng điểm ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình được dư luận rất quan tâm hơn năm qua, trong đó vụ án Hà Giang khiến dư luận dậy sóng nhất. Bởi lẽ, đây là địa phương sớm phát hiện nhất, có số thí sinh, số bài được sửa và nâng điểm nhiều nhất, nhưng cũng là địa phương công bố hình thức kỷ luật các vị phụ huynh có con được nâng điểm muộn nhất và “hài hước” nhất. Điều đó khiến dư luận nghi vấn, phải chăng xử lý sai phạm ở Hà Giang “lúng túng như gà mắc tóc” bởi  Bí thư tỉnh ủy cũng có con gái được nâng điểm?

Trước khi phiên tòa diễn ra, dư luận nổi sóng cách xử lý kỷ luật ở Hà Giang bởi nó chẳng khác gì bỡn cợt dư luận. Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (vợ ông Bí thư Triệu Tài Vinh) bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì để "em chồng tác động nâng điểm thi cho con". Điều coi thường dư luận là với những người có con được nâng điểm thi, phần lớn chỉ bị khiển trách, vốn đã gây bức xúc dư luận vì quá nhẹ nhàng so với hành vi phạm tội, nhưng riêng bà Hà lại chỉ bị nghiêm túc rút kinh nghiệm!? Mặt khác, bởi đã né cho cựu Bí thư tỉnh ủy, thì Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy không thể không né cho người khác, trong đó có bà Vương Ngọc Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, cũng có con được nâng điểm. Tương tự trường hợp Bí thư Triệu Tài Vinh,  việc tác động nâng điểm ấy theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy: Do mẹ đẻ bà Hà (!?).

Điều đó cho thấy nhằm bao che trách nhiệm cho cán bộ có trọng trách ở Hà Giang, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang đã bất chấp pháp luật, đưa ra những hình thức kỷ luật không thể nói khác là đùa bỡn pháp luật. Câu hỏi cần đặt ra, những người ra quyết định kỷ luật kiểu này có còn coi pháp luật là thượng tôn?

Đến khi phiên tòa xét xử vụ nâng điểm ở Hà Giang diễn ra, dư luận biết thêm nhiều thông tin quá bất ngờ: Nhiều lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tác động đến những cán bộ có trách nhiệm của Hội đồng thi để nâng điểm cho con cháu mình. Trong bài này, người viết không nhắc lại hàng ngũ Giám đốc, Phó giám đốc một số sở, ban, ngành của tỉnh (hơi bị nhiều) dính đến vụ án, việc HĐXX công bố công khai một số tin nhắn và lời khai của các bị cáo, nhân chứng, nhờ đó dư luận biết thêm tên của một số vị thuộc hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hà Giang.

Bất ngờ nhất có lẽ là bà Nga, có nhiều tin nhắn nhờ bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc sở GD & ĐT Hà Giang) can thiệp nâng điểm cho cháu. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khẳng định, những tin nhắn “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”. Vậy bà Nga là ai? Đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Chính tiết lộ, bà Nguyễn Thị Nga là vợ của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Do đó, dù bà Nga chỉ là  chuyên viên Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp Sở Tài chính Hà Giang nhưng được bà Phó giám đốc Sở GD ĐT Triệu Tài Chính trả lời tin nhắn rất “ngoan”. Cụ thể, vì bị cáo Chính chối tội, vị công tố công bố bút lục trước tòa: “... đến 8 giờ 54 phút ngày 1.7.2018, bà Nga tiếp tục gửi tin: “Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét, giúp được đến đâu hay đến đó. Chị biết mà” và bị cáo Chính nhắn trả lời: “Dạ em cảm ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng”. Nhưng điều lạ là không chỉ việc bà Hà không bị khởi tố mà còn không có tên trong danh sách những nhân chứng khi trong lúc tranh tụng, cả VKS lẫn HĐXX đặt vấn đề làm rõ bà Nga là ai, thân nhân như thế nào và xin nâng điểm cho ai?

Nếu như mối quan hệ của thí sinh được nhờ nâng điểm với bà Nga chưa được làm rõ thì với một số vị lãnh đạo khác lại rất rõ ràng. Đó bà Chúng Thị Chiên (Phó chủ tịch HĐND), Trần Đức Quý (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi) đều nhắn tin nhờ “xem điểm” cho con nhưng lại được các bị cáo “nâng điểm”. Bởi “há miệng mắc quai”, ông Trần Đức Quý đã Ok khi bị cáo Huynh nhắn tin cầu cứu trước nguy cơ bị lộ. Dù các tin nhắn rất rõ trong các bút lục như vậy, đặc biệt là ông Quý vẫn “bình chân như vại” thì quá phi lý. Vậy mà trong khi vụ án sơ thẩm xét xử vụ nâng điểm thi ở Sơn La tuyên  trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung tội đưa và nhận hối lộ, thì phiên tòa ở Hà Giang vẫn đang tiếp diễn.

Vậy có hay không việc bỏ lọt tội phạm về tội danh đưa và nhận hối lộ ở Hà Giang? Mặt khác, chưa nói đến vợ một số vị lãnh đạo tỉnh lũng đoạn kỳ thi, chỉ với trách nhiệm của người đứng đầu, để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Giang, lẽ nào các ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư tỉnh ủy) và ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch UBND tỉnh) lại vô can?

Sẽ rõ hơn mức độ nghiêm trọng của vụ án, nếu báo chí điều tra làm rõ: Trong các vị lãnh đạo ở Hà Giang có con trong thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, liệu có ai không bị dính vào vụ án này?

 Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm