Vì sao nông sản rớt giá thảm hại cứ dài lê thê?

Đã đến lúc, không thể đổ lỗi cho nông dân về sự rớt giá thảm hại này. Phải thấy, rất cần thấy, trách nhiệm chính phải là các cơ quan quản lý nhà nước.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Những năm gần đây, dư luận luôn được nghe điệp khúc giải cứu cho đủ loại nông sản từ dưa hấu, chuối, hành tím, ổi, hành tây đến thanh long, cà chua…Nay, đến lượt giá thịt lợn tụt dốc không phanh cũng vì cung lớn hơn cầu. Nhìn bộ trưởng Bộ NN – PTNT chạy long đong khắp nơi kêu gọi chung tay giải cứu khá cảm động, nhưng nhiều hơn là … buồn và lo.

Nhớ lại, hơn chục năm trước, các địa phương luôn trăn trở với câu hỏi: “Trồng cây gì, nuôi con gì?”. Mấy ai nghĩ rằng, những năm gần đây, người dân bất kể ở nông thôn hay thành thị phải lo lắng, sốt ruột khi nghe hết sản vật này đến sản vật khác bị rớt giá thảm hại, đến mức, người nông dân không buồn thu hoạch. Phải nói rằng, thấy hoa quả nào đang có giá, bà con nông dân tăng diện tích sản vật đó. Đó là câu chuyện rất bình thường của người nông dân chỉ quanh quẩn với ruộng đồng. Vậy, vì đâu nên nỗi?

Vấn đề cần đặt ra lúc này là, các cơ quan chức năng, mà cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính là Bộ NN – PTNT, Bộ Công thương đã làm gì để một loạt nông sản rớt giá thảm hại như vậy?

Có thể, chúng ta đã đọc, đã thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã cố gắng hết mình, không chỉ gửi các công văn hỏa tốc đến các bộ, ngành, địa phương, mà còn mở hết hội nghị này đến hội nghị khác để kêu gọi, từ doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đến cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tìm cách giải cứu những đàn lợn đang thoi thóp sống vì nông dân không còn tiền để mua thức ăn mà cũng không thể bán vì quá rẻ mạt. Không còn gì cảm động hơn khi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn đến cả Tổ hợp Samsung Bắc Ninh để kêu gọi hỗ trợ ngành chăn nuôi heo.

Vậy nhưng, dư luận không chỉ lo lắng, mà phải nói là bức xúc trước tình trạng rớt giá thảm hại lặp di lặp lại hết năm này đến năm khác của nông sản. Họ có quyền đặt câu hỏi: Các bộ ngành liên quan, trong đó có bộ NN – PTNT và Bộ Công thương đã làm tròn chức năng quản lý vĩ mô của mình chưa? Đây mới là nơi thể hiện năng lực, tư duy, sáng tạo của các bộ chủ quản trong phạm vị mà mình có trách nhiệm quản lý.

Đã đến lúc, không thể đổ lỗi cho nông dân về sự rớt giá thảm hại này. Phải thấy, rất cần thấy, trách nhiệm chính phải là các cơ quan quản lý nhà nước. Có nhìn nhận nghiêm túc như vậy, chúng ta mới hy vọng đưa ra được biện pháp ngăn đà rớt giá thảm hại nông sản hiện nay.

Chúng ta đều biết, các sản vật nông nghiệp của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Vậy mà, vì sao hết năm nay đến năm khác, hết hoa quả này đến hoa quả khác khóc ròng ở cửa khẩu vì sự “đỏng đảnh” của thị trường rộng lớn này? Tại sao, khi bạn hàng Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn của chúng ta với số lượng rất lớn với điều kiện lợn cấp đông, thì chúng ta mới giật mình, không có nhà máy giết mổ khép kín đến khâu cấp đông để đáp ứng yêu cầu này?...

Tất nhiên, những câu hỏi này không dễ giải bởi còn nhiều yếu tố liên quan. Nhưng, cũng chính vì những cái rất khó của một nước đang phát triển, nền sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, mới cần có sự quản lý nhà nước, cần đến sự tài thao lược của các bộ chủ quản.

Những năm qua cho thấy, chưa cần bộ chủ quản kêu gọi, mỗi chúng ta đã và đang giải cứu nông sản của bà con nông dân, đó là tình làng, nghĩa xóm, là những giải pháp tình thế. Bộ chủ quản, lúc cần, tất nhiên cũng phải dùng giải pháp tình thế, nhưng hết năm này đến năm khác luôn phải dùng đến nó thì thật bất an. Với người dân, họ cần vai trò bộ chủ quản hơn thế. Bộ chủ quản không thể là anh lính cứu hỏa, mà cần đưa ra những giải pháp tổng thể để phát triển và phòng ngừa.

Vương Hà