Bạn đọc viết
Về Đức Thượng, ăn tiệc canh bầu trôi nước
Lễ hội ở mỗi vùng miền có nét độc đáo riêng. “Canh bầu, trôi nước” của xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức - Hà Nội) trong lễ hội với món ăn dân dã này vốn gắn với truyền thuyết lịch sử tôn vinh anh hùng bảo vệ đất nước.
Xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức - Hà Nội) nằm ở phía Tây của thủ đô Hà Nội. Xã có 8 thôn, trong đó thôn Chiền là nơi có đến 3 di tích lịch sử (đình, đền, chùa) gắn với công đức của tướng quân Dương Quốc Công, cùng tiệc canh bầu trôi nước. Vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, cùng với Tết Hàn thực (ăn đồ nguội), người dân nơi đây lại mở hội và không quên tổ chức tiệc canh bầu, trôi nước dâng lên cúng Thành hoàng làng.
Các cụ cao niên kể lại rằng: tương truyền từ xa xưa, tướng quân Dương Quốc Công đi đánh trận về đến đầu làng, bà hàng nước dâng lên một bát canh bầu và một đĩa bánh trôi nước. Sau khi dùng xong hai món ăn dân dã ấy, ngài đã “hóa” và được nhân dân nơi đây lập làm Thành hoàng làng. Từ đó đến nay, trong bữa tiệc tháng ba âm lịch, dù cỗ to đến đâu, vẫn không thể thiếu bát canh bầu, đĩa bánh trôi nước để tỏ lòng biết ơn vị tướng đã có công dẹp giặc cứu dân.
Tôi đến thôn Chiền đúng vào những ngày làng mở tiệc canh bầu trôi nước. Năm nay người dân phấn khởi hơn, bởi đúng vào dịp lễ hội này, thôn Chiền lại được đón nhận danh hiệu “Làng văn hóa” lần thứ tư.
Ông Nguyễn Huy Sơn – Trưởng thôn - cho biết: Thôn Chiền có diện tích đất tự nhiên hơn 43 ha, dân số 1.600 nhân khẩu với 413 hộ dân. Kinh tế chủ yếu là trồng trọt chăn nuôi cùng với một số ngành nghề phụ khác. Được sự giúp đỡ của Đảng ủy, HĐND, UBND xã cùng với sự quyết tâm của nhân dân trong thôn, đã hoàn thành19 tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm qua, năng suất lúa đạt 12 tấn/ ha/năm. Các ngành nghề dịch vụ phát triển: Trong thôn có 3 hộ làm lò ấp trứng, 5 xưởng cơ khí, 15 tổ thợ xây, 3 tổ lắp điện nước, một số gia đình làm dịch vụ thương mại và buôn bán nhỏ để tăng thêm thu nhập. 100% số hộ có nhà ổn định, không có nhà dột nát, 40 % số hộ có nhà từ 3 tầng trở lên. 100% số hộ dân có phương tiện nghe nhìn, 35 hộ có ô tô các loại, 3 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, 90% số hộ có mức số ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/ người/ năm…
Cụ Nguyễn Văn Lưu - thay mặt cho các cụ già cao tuổi trong thôn trao đổi thêm: Đời sống tinh thần của nhân dân lành mạnh phong phú. Các cuộc vận động “Tang văn minh, cưới tiết kiệm”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” – nay là “cuộc vận động xây dựng nông thôn mới” được nhân dân hưởng ứng. Công tác chính sách tín ngưỡng tôn giáo được chú trọng. Thôn có 3 di tích lịch sử được xếp hạng, đó là Đình và Đền thôn Chiền, chùa Viên Dương Quán. Các công trình này đều được tu bổ thường xuyên từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Các câu lạc bộ dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền… luôn hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nhà văn hóa thôn là nơi tổ chức các cuộc họp, tổ chức các kỳ cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho nhân dân. 100% các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Làng cũng thành lập Hội khuyến học, kinh phí chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Hàng năm thưởng cho các cháu đỗ đại học, đạt học sinh giỏi các cấp. Để có cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, thôn cử ra một đội vận chuyển thu gom rác hàng ngày. Hệ thống đèn chiếu sáng được duy trì, đảm bảo cho việc đi lại của nhân dân. Các ban ngành đoàn thể như Ban công tác mặt trận, Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…đều hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.
Có một điều đặc biệt khi đến thôn Chiền: Nhà nào cũng có giàn bầu tươi tốt, trĩu quả. Các cụ cao niên thường truyền dạy con cháu: phải giữ lấy nề nếp xưa, trong đó trồng bầu để dâng thánh dịp mùng 3 tháng 3 là một việc làm thường niên của các gia đình trong thôn.
Năm nay, tiệc canh bầu trôi nước được tổ chức đúng vào dịp thôn Chiền đón nhận danh hiệu Làng văn hóa lần thứ tư. Bên cạnh những nghi lễ thường thấy như tế Thành hoàng làng, dâng canh bầu, trôi nước, có thêm rất nhiều hoạt động khác như thổi cơm thi, hát quan họ, tổ chức các trò chơi dân gian khác. Xóm ngõ nào cũng chăng đèn kết hoa, sắm lễ tố hảo rước ra đình làng dâng thánh, mong phù hộ cho dân ấm no hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.
Tiệc canh bầu trôi nước của Thôn Chiền (xã Đức Thượng - Hoài Đức - Hà Nội) là một nét đặc sắc mang đậm chất văn hóa của làng quê xứ Đoài.
Nguyễn Thị Diệp
Hiệu trưởng THCS Đức Thượng – Hoài Đức - Hà Nội