Về đi anh, về ngay với mẹ đi anh

(Dân trí) - Và tôi những năm qua trong ký ức vẫn hằn rõ hình ảnh đẹp về cái dáng đi của anh khi đi về với mẹ, thực sự cảm động khi chiêm ngưỡng một người đã 70 tuổi, đi liêu xiêu, tất tả khi về với mẹ của mình đã hơn 90 tuổi.

co-me-15441425807942020974180.jpg

Nhân ngày 8/3, tôi xin kể câu chuyện không thể nào quên, đó là một hôm họp mặt bè bạn mấy mươi năm trước cùng học phổ thông, khi xong chương trình và nội dung họp mặt, mọi người vào bàn tiệc, mới nâng cốc bia, uống một, hai ngụm thì một trong những bạn tôi nhìn đồng hồ rồi đứng dậy, cáo lỗi bạn bè phải về để chăm sóc mẹ bữa ăn trưa.

Có người thấy vậy, bảo:

- Ôi trời, bữa ăn thôi mà, để ôsin chăm sóc cụ cũng được chứ sao?

Còn tôi nghe lý do ra về của bạn mình, bèn giục:

- Về đi, anh hãy về đi, về ngay đi, đừng nấn ná nữa. Anh thật hạnh phúc vì có mẹ còn sống để được chăm sóc, trong khi chúng tôi đang ngồi ở đây, nhiều người bố mẹ đã mất cả rồi, muốn được chăm sóc cũng không thể có cơ hội nữa.

Nhìn dáng đi tất tả của anh khi đi về với mẹ, nhìn một người đã hơn 70 tuổi, lưng đã hơi còng còng vì gánh nặng thời gian, tất tả về với người mẹ đã hơn 90 tuổi, tôi thực sự xúc động và đọc cho mọi người trong cuộc họp mặt nghe bài thơ của tác giả Hai Danh viết trên mạng về một người con sau khi mẹ anh ta mất, nhân một lần dọn dẹp nhà cửa, thấy cuốn nhật ký của người mẹ. Bài thơ như sau:

Hắn là người thành đạt 
Gia cảnh rất đuề huề 
Có con ngoan, vợ đẹp 
Cuộc sống vạn người mê.
Cứ mỗi lần giỗ mẹ 
Hắn thết cỗ linh đình 
Nào sơn hào, hải vị...
Để chứng tỏ cái tình.
Trong một lần dọn dẹp 
Đem vứt bớt đồ thừa 
Hắn thấy pho nhật ký 
Của mẹ mình năm xưa.
Tò mò nên hắn đọc
Những con chữ quay cuồng 
Bởi những trang nhật ký 
Là những câu chuyện buồn:
Ngày... tháng... năm... mẹ tủi
Con mắng mẹ: Già rồi 
Sao còn như con nít 
Làm cơm vãi khắp nơi!
Ừ! Bởi vì tuổi lắm 
Nên mắt kém, tay run
Có làm rơi ít hột 
Âu cũng chỉ chuyện thường!
Khi con còn nhỏ dại
Cũng làm vãi khắp nơi 
Mẹ quét, lau, gom lại...
Đâu trách mắng nửa lời?
Ngày... tháng... năm... mẹ tủi
Con mắng mẹ: Mặc đồ
Sao lóng nga lóng ngóng 
Y hệt nhành cây khô!
Ừ! Tuổi già xương cứng 
Gân cũng chẳng dẻo dai 
Khó xở xoay, quay trở 
Sao cứ mắng mẹ hoài?
Khi con còn nhỏ dại 
Cứ hiếu động chân tay
Mẹ mặc hoài mới được 
Đâu trách mắng nọ này?
Ngày... tháng... năm... mẹ tủi
Con mắng mẹ: Điếc à?
Trả lời rồi vẫn hỏi 
Cứ như trúng phải tà!
Ừ! Già nên nghễnh ngãng 
Nghe lúc được, lúc không 
Mẹ mới đi hỏi lại 
Mắng chi để tủi lòng?
Khi con còn nhỏ dại
Hỏi đủ chuyện trên đời 
Mẹ kiên trì đáp lại 
Đâu mắng mỏ một lời?
Ngày... tháng... năm... mẹ tủi
Con mắng mẹ: Bực mình!
Cả đêm ho sù sụ 
Mất ngủ cả gia đình!
Ừ! Tuổi nhiều bệnh lắm 
Quy luật của tự nhiên 
Mẹ đâu mong như thế 
Mắng chi để tủi phiền?
Nhớ khi con nhỏ dại
Đủ thứ bệnh mang vào 
Hàng năm trời khóc quấy
Mẹ đâu trách câu nào?
Ngày... tháng... năm... mẹ tủi
Cứ mỗi bận ăn cơm 
Mẹ phải ngồi góc khuất 
Bởi người mẹ không thơm.
Ừ! Kiếp này ta sống 
Con nít đến hai lần 
Mẹ già không tự liệu 
Tất cả cậy con làm!
Nhớ khi con nhỏ dại
Tè, ị bậy khắp nơi... 
Mẹ lau chùi, tắm rửa 
Có bao giờ chê hôi?
Ngày... tháng... năm... 
Ngày... tháng... năm... mẹ yếu
Chắc chẳng thể... nữa rồi 
Những dòng này mẹ viết 
Là sau cuối trong đời:
Dù cho con lạnh nhạt 
Hay gắt gỏng bấc, chì
Mẹ chỉ buồn đôi chút 
Chứ không trách cứ gì!
Con vẫn là con mẹ
Bé bỏng và đáng yêu 
Dù cho theo năm tháng 
Con đã đổi thay nhiều...!
Hắn thẫn thờ nét mặt 
Nhìn lên phía bàn thờ:
Ánh mắt bà âu yếm 
Qua lớp khói hương mờ!
Hắn nấc lên từng chặp:
Con bất hiếu mẹ ơi 
Con muốn xin lỗi mẹ 
Nhưng đã quá muộn rồi!
* Những ai còn Cha- Mẹ 
Hãy thức tỉnh kịp thời 
Đừng để thành quá muộn 
Ôm hối hận cả đời!
Mâm cao ngày cúng họ
Cũng chẳng ý nghĩa chi
Nếu khi cha mẹ sống 
Đối xử chẳng ra gì!

Tôi lại kể thêm cho các bạn tôi nghe tình cảm sâu sắc của người con đối với cha của mình trong truyện của người xưa, trái ngược lại với người con trong bài thơ kia: “Một hôm, những người qua đường thấy một ông già 70 tuổi đang ngồi ở bậu cửa ra vào nhà, ôm mặt khóc. Hỏi lý do, ông ta trả lời: Tôi khóc vì bố tôi vừa đánh tôi. Hỏi: Cụ đánh đau lắm phải không? Đáp: Không, bố tôi đánh tôi không đau như những lần trước, vì vậy tôi giật mình biết là bố tôi sức khỏe đã yếu rồi, nghĩ thương bố tôi, lo cho sức khỏe của bố tôi quá nên tôi ngồi khóc”.

Cuộc họp mặt đồng môn hôm đó liền tập trung vào chủ đề: Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, những ai còn bố mẹ thì đó là trời còn ban cho ân huệ vô giá, hãy hết lòng phụng dưỡng bố mẹ để khỏi hối tiếc sau này.

Và tôi những năm qua trong ký ức vẫn hằn rõ hình ảnh đẹp về cái dáng đi của anh khi đi về với mẹ, thực sự cảm động khi chiêm ngưỡng một người đã 70 tuổi, đi liêu xiêu, tất tả khi về với mẹ của mình đã hơn 90 tuổi. Bố mẹ tôi đã mất cả rồi, không bao giờ tôi còn được gặp lại, ngay cả mong ước được gặp lại bố mẹ chỉ trong giấc ngủ mơ thôi cũng khó, nên tôi thấy anh ấy thật hạnh phúc khi mẹ còn sống để mà hàng ngày về ngồi dưới chân mẹ trò chuyện, để được chăm sóc mẹ.

Về đi, những người còn bố mẹ hãy về đi, về ngay với bố mẹ của mình đi, các cụ đều cao tuổi cả rồi, cơ hội được chăm sóc bố mẹ không còn nhiều thời gian, vậy thì đừng nấn ná nữa...

Nguyễn Đoàn