Vấn nạn buôn bán quân phục, sắc phục xử lý thế nào? ​

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh sĩ quan công an, quân đội.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh sĩ quan công an, quân đội.

Nếu lên mạng tìm kiếm cụm từ “giả danh công an lừa đảo” sẽ lập tức cho gần 2000 kết quả; “giả danh sĩ quan quân đội lừa đảo” cho khoẳng 3000 kết quả liên quan. Thậm chí chỉ bằng vài cú click chuột là chúng ta hoàn toàn có thể tìm mua được những bộ cảnh phục, quân phục hay là những mặt hàng thuộc chế độ cấp phát của lực lượng công an, quân đội, mặc dù không phải là cán bộ ngành.Tất cả những điều đó cho thấy, vấn nạn trên đang thực sự ở tình trạng báo động.

Trong vấn đề này, nếu để ý chúng ta sẽ thấy mấu chốt vấn đề nằm ở những bộ quân phục, sắc phục – tức là công cụ để các đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo. Vậy tội buôn bán mặt hàng đặc biệt trên bị xử lý thế nào dưới góc độ pháp lý? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội).


Tang vật trong một vụ án giả danh người trong ngành để thực hiện hành vi bất chính. Ảnh: cand.com.vn

Tang vật trong một vụ án giả danh người trong ngành để thực hiện hành vi bất chính. Ảnh: cand.com.vn

Phóng viên (PV): Xin chào Luật sư Lê Ngọc Hoàng, như chúng tôi vừa đưa ra vấn đề, dù không là cán bộ ngành CAND, QDND nhưng chúng tôi vẫn có thể mua được những bộ quần áo ngành hay những vật dụng khác. Ông có suy nghĩ như thế nào dưới góc độ pháp luật?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Quân trang, thiết bị Công an, Quân đội nói chung là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang...Và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ, công chức sử dụng khi thi hành công vụ. Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang thiết bị này.

Do vậy việc mua, bán, lưu thông, sử dụng những bộ cảnh phục, thiết bị chuyên dùng này với các đối tượng không phải trong lực lượng CAND thực chất là mua, bán “Hàng cấm” và đã vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định 29/2016/NĐ-CP. Nội dung điều khoản này qui định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Thực tế, tình trạng này không phải thời gian gần đây mới có mà đã diễn ra từ nhiều năm trước như vụ việc: Ngày 5/6/2013, Công an quận Ngũ Hành Sơn- TP. Đà Nẵng đã tạm giữ hình sự nghi can Bùi Văn Tiến (SN 1987, trú xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), khi đối tượng đang mang sắc phục Cảnh sát hình sự với quân hàm thiếu tá, cùng một khẩu súng bắn đạn bi, nhiều giấy tờ giả mạo thẻ ngành Công an để thực hiện hành vi bất chính.

Và hiện nay lại có vẻ “Bùng phát” nhiều hơn khi các đối tượng còn “Giả mạo CSGT” chặn đường xe lưu thông để “Cưỡng đoạt tài sản” tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM…

Đây là vấn nạn đáng lên án và đã đến lúc phải có biện pháp giải quyết triệt nhằm kiểm soát tình trạng gia tăng tội phạm nói chung và làm giảm uy tín, lòng tin của người dân đối với ngành công an, quân đội nói riêng vì người dân không biết đâu là “Công an thật hay Công an giả, Bộ đội thật hay bộ đội giả”.

PV: Theo quy định thì không được phép bán tự do đồ dùng của ngành CAND, QĐND ra thị trường, thế nhưng tình trạng này vẫn xảy ra, theo ông nguyên chính do đâu?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Như đã nói theo Quy định pháp luật việc mua bán tự do đồ dùng của ngành CAND, QĐND trên thị trường là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc vi phạm này đã và đang diễn ra không có chiều hướng thuyên giảm xuất phát từ các nguyên nhận sau đây:

Do nắm được “Tâm lý tin tưởng, tính thuyết phục cao khi của đại bộ phận nhân dân” của các đối tượng xấu giả danh nhằm trục lợi tạo ra “Thị trường Cung cầu đối với các mặt hàng cấm buôn bán này”;

Do việc “Quản lý lỏng lẻo” trong khâu sản xuất, cấp phát cảnh phục, thiết bị của một số đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất trong ngành CAND;

Do lợi nhuận lớn thu được nên có một số tư nhân còn thực hiện “Sản xuất hàng giả/Hàng nhái như thật” đối với chính mặt hàng quân trang, thiết bị chuyên dùng này;

Do mức độ xử phạt đối với hành vi vi phạm nói chung còn chưa mang tính răn đe mạnh đối với các đối tượng, hành vi vi phạm.

Do lực lượng quản lý thị trường chưa thực sự làm tốt công tác xử lý việc mua bán hàng giả, hàng cấm.


Luật sư Lê Ngọc Hoàng

Luật sư Lê Ngọc Hoàng

PV: Những người vi phạm như vậy thì sẽ phải chịu mức xử lý của pháp luật như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Liên quan đến đề tài trao đổi thì có thể phân ra 3 nhóm đối tượng/Chủ thể vi phạm pháp luật sau đây: (1) Cán bộ trong Ngành/Cán bộ làm việc trong các Công ty sản xuất trang phục của Ngành có hành vi “móc nối” tuồn hàng “cấm buôn bán” ra bên ngoài; (2) Cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, mua bán vận chuyển hàng giả, hàng cấm quân trang, thiết bị CAND; (3) Cá nhân, tổ chức sử dụng quân trang, thiết bị bất hợp pháp để vi phạm pháp luật.

Và tương ứng với hành vi vi phạm cụ thể của các Đối tượng/Chủ thể vi phạm nêu trên thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu chế tài xử lý về pháp luật hình sự như sau:

1/. Về xử phạt hành chính: Được quy định tại Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), cụ thể:

Với hành vi buôn bán quân phục, thiết bị của CAND có giá trị từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100 triệu triệu đồng;

Với hành vi sản xuất ra quân phục, thiết bị đó có thể bị xử phạt hành chính số tiền gấp đôi mức phạt trên.

Ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị xử lý các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả bao gồm:

Tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ, máy móc sản xuất, phương tiện vận tải đối với hành vi và hàng hóa i phạm.

Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

Buộc tiêu hủy tang vật;

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm;

Buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường;

2/. Ngoài ra các Chủ thể/Đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý về Hình sự:

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” và Điều 192 “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” của BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

PV: Trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lí Nhà nước trong việc này như thế nào?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Thứ nhất: Trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường từ cấp TƯ đến địa phương giám sát, phát hiện, xử lý vấn nạn mua bán tự do quân phụ, thiết bị của ngành CAND là chưa hiệu quả mặc dù Luật đã quy định cấm hành vi này.

Thứ hai: Sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an và cơ quan Quản lý thị trường chưa hiệu quả. Tôi cho rằng nếu cơ quan Công an tìm cách phát hiện “Từ gốc” cơ sở sản xuất hàng giả hoặc đối tượng tuồn hàng quân phục, thiết bị CAND ra ngoài sẽ giảm giúp cho cơ quan Quản lý thị trường “Xử lý vi phạm nhanh chóng, dễ dàng hơn”.

Thứ ba: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần tăng cường công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ (nhất là các Học viện, Trường CAND) việc nghiêm cấm mua bán, cho, tặng trang phục, thiết bị CAND, trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm. Đồng thời, cần yêu cầu Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật CAND thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị sản xuất, cung ứng trang phục – thiết bị CAND.

Thứ tư: Cần tăng mức xử phạt hành chính và chế tài hình sự đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép và đặc biệt là sản xuất hàng giả/hàng nhái đối với quân phục-thiết bị của ngành CAND, QĐND do lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng vi phạm cứ “Cố tình làm liều vi phạm pháp luật./.

Theo Kim Chiến

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam