Ước mơ xa vời về khoảng không thoáng đãng

(Dân trí) - Vẫn biết thế “khó bó khôn” của chủ nhân “kính thưa các loại dây” đang ngày đêm hành hạ các cột điện. Nhưng mỗi lần phải chứng kiến cảnh khoảng không gian bị giăng màn kín mít, người dân lại không thể cứ lặng im để cảm thông, để chờ không biết đến bao giờ.

Đường dây tại khu tập thể Văn Chương (chùm ảnh của Hữu Nghị)
Đường dây tại khu tập thể Văn Chương (chùm ảnh của Hữu Nghị)

 

Dây dăng như lũy, như thành
 

Ngay đoạn mở đầu lời chú giải cho chùm ảnh “Rối ren trời Hà Nội”, tác giả Hữu nghị cũng đã nêu rõ: Thời nay, chiếm phần lớn đám dây rợ lõng thõng là các loại cáp internet, truyền hình, điện thoại… đè lên những cái cột ngả nghiêng quá tải. Đã xảy ra những cái chết thương tâm, những tai họa trời giáng mà nguyên nhân cũng từ những búi dây lùng nhùng ấy mà ra...

 

Vậy nên với những lời nhắc nhở cho ngành Điện như của Tran Duc Tung tranductung1981vbhp@gmail.com có lẽ khiến nhiều người lại phải kêu lên: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

 

“Nếu xét đúng nghĩa thì là cột điện, dây điện. Nhưng mọi người thử xem xét lại: từ cột điện thì đúng rồi, do ngành điện dùng để phục vụ việc cung cấp điện cho nhân dân sử dụng. Vậy để nhìn nhận đúng thực chất thì ngành điện đang bị xâm hại một cách trầm trọng bởi các ngành cung cấp dịch vụ khác như cáp viễn thông, thông tin, truyền hình..... Các loại cáp khác bấu víu lên, vì lẽ đó mà ngành điện mang tai tiếng trong con mắt của mọi người. Vì thế mọi người hãy xem xét kỹ lỗi do bên nào gây nên?”

 

Cũng tỏ ra có phần thông cảm, nhưng Nguyễn Thanh Sơn thanhson_online92@yahoo.com.vn nêu rõ:

 

“Ở một số nước khác cũng có hiện tượng đó, chỉ có điều nó chưa đến mức tệ như ở VN  thôi. Đây là 1 ‘kỳ quan nhân tạo’ để khách nước ngoài ‘ngắm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp’ ở VN…. Hà Nội có những kiến trúc sư giỏi, nên nghiên cứu các giải pháp làm cho thủ đô xanh - sạch - đẹp thực sự. Mà ngành Điện lực cũng cần tiết kiệm. Nếu muốn thay đổi thật sự, hãy có những thay đổi như thế ngay từ bây giờ!”

 

Tô Văn Dực ductovan@yahoo.com.vn khẳng định:

 

“Hậu quả do không có ai quản lý. Trên các cột đó, tôi tin chắc phải tới 30% số dây không được dùng. Chỉ có mắc lên mà không tháo gỡ khi thay thế”.

 

Cao Duc caodangduc@yahoo.com đi thẳng vào vấn đề:

 

“Trong cái mớ dây hỗn loạn đó, có bao nhiêu dây được sử dụng? Theo tôi, chính những người thợ lắp dây cáp nghiệp dư đã tạo ra mớ hỗn loạn đó. Mỗi lần thay dây mới, họ cứ để nguyên dây cũ đó và căng thêm dây mới, ngày qua ngày càng thêm lưu cữu những mớ dây vô dụng. Với họ có lẽ chỉ cần kết nối được là xong, không cần biết đường dây đó có ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố hay không? Hãy phạt mạnh tay những công ty cung cấp dịch vụ cáp tryền hình và internet làm việc kiểu đó, buộc họ phải làm sao cho gọn gàng những mớ dây lại”.

 
Một cột điện với các đường dây trên phố Khâm Thiên
 
Một cột điện với các đường dây trên phố Khâm Thiên
 

Nhức nhối tầm mắt
 
Cùng chung quan điểm “cần thay đổi ngay”, bạn đọc nhấn mạnh những điểm cốt lõi cần chú trọng. Kế được hiến có thể đúng cũng có thể… chưa đúng và nhiều khi còn đối nhau chan chát, nhưng tựu trung lại cũng cùng chung mục đích: cần sớm trả lại khoảng không thoáng đãng cho thành phố, cho người dân đỡ nhức nhối tầm mắt mỗi khi muốn ngước nhìn lên...

 

“Thực chất đó là hậu quả do quy hoạch cũ để lại trong thời kỳ phát triển mới. Muốn giải quyết, theo tôi không phải là không làm được. Có điều cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Nhưng điều đáng trách nhất, theo tôi, vẫn là ngành Điện… Vì cách làm việc của họ mà các ngành truyền hình cáp, viễn thông… buộc phải bám dây theo cột điện…Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi để có được nguồn kinh phí cần thiết, không nên phát triển (hệ thống dây) thêm nữa. Cần có được sự đồng thuận và đồng bộ của các ngành trên, để cùng bỏ kinh phí ra làm một lần và  mang tính lâu dài (theo tầm nhìn đến 50 năm sau chẳng hạn). Được đoạn nào nên dứt điểm đoạn đó, dù là một lộ trình tương đối dài nhưng vẫn phải làm. Tôi thấy như TP Hạ Long, Quảng Ninh họ làm không còn sót 1 sợi dây nào dù là nhỏ nhất. Các cáp ngầm cứ 10 hộ dân/1 sợi, cho vào hộp (bao gồm cả của truyền hình và viễn thông…) Sau đó chia ra từng bó 10, mỗi bên 5 hộ… Vuông vắn, nhỏ gọn và đảm bảo mỹ quan… Họ cũng làm theo lộ trình từng khu một, dần dần là xong cả mà” - Pham Duc Duc: tuanduclucky@gmail.com

 

“Có gì đâu, Họp mỗi một tổ dân phố, khu tập thể đồng loạt hủy bỏ điện thoại cố định, chỉ dùng di động thôi. Làm hẳn văn bản kiến nghị tập thể, sau đó yêu cầu nhà cung cấp mạng tháo bỏ dây điện chằng chịt. Kiên quyết không cho kéo thêm dây, mất mỹ quan đô thị. Giờ có mấy ai dùng điện thoại cố định nữa đâu!” - GHT: continuos@yahoo.com

 

“Ở TP HCM họ xử lý bằng cách buộc các hệ thống dây thành 1 bó gọn gàng, nhìn còn có thẩm mỹ hơn. HN nên học hỏi TPHCM kinh nghiệm về việc này” – Quoc Trung:  hanneo154@yahoo.com

 

“Tp HCM các dây được bó gọn lại, tuy vẫn chưa đẹp nhưng sáng sủa. Dù sao đỡ xấu còn hơn quá xấu như trên” - Lien: lienlac2009@gmail.com

 

“Hạ thổ hết thôi, không thì chướng vô cùng” - Marender: dangvuapc@gmail.com

 

“Bà con không hiểu, chứ chị Táo Điện lực với cái anh "thông không thoát” ấy đã bàn kỹ lắm rùi. Với kiểu nước tắm của dân cũng... gây ngập lụt thì chị Điện lực sao dám "hạ thổ" chứ. Chị ấy mà chui xuống đất thì khác nào dùng điện… "đánh" dân" khi ....nhà nhà bắt cá ở nơi ngã tư này....." - CC: huyhoang.vilacona@gmai.com

 

“Vâng, cảm ơn nhà báo đã phản ánh khách quan hiện trạng Hà Nội. Cần nhanh chóng giải quyết gấp những hình ảnh phản cảm trên. Hà Nội là thành phố "Vì Hòa Bình", "Xanh-Sạch-Đep".  Hãy chung tay làm việc quan trọng này dù đang không có tiền hoặc ít  tiền. Hãy giải tỏa các dòng sông ở ngay trung tâm Thủ đô vẫn bị tắc nghẽn, ô nhiễm... Hãy phát động một đợt kiểm tra, kiểm điểm và dứt điểm những trì trệ đó. Tôi yêu Hà Nội lắm, Hà Nội ơi!” - Đồng Lòng: dlong@gmail.com
 
Mạng lưới đường dây trên phố Hàng Buồm
Mạng lưới đường dây trên phố Hàng Buồm

 

Nhưng chỉ một ước mơ nho nhỏ về một bầu trời xanh, về khoảng không gian thoáng đãng cần thiết cho mỗi con người chúng ta, sao mà mãi vẫn khó đến thế, xa vời đến thế???

 
Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm