Uber, Grab: Rồi cũng “tát nước theo mưa”?

Mấy hôm nay, hành khách đặt xe Uber và Grab đã có dịp được… choáng với mức cước taxi của hai thương hiệu này; từ dịch vụ ôtô đến xe ôm, nếu không tăng giá gấp 2-3 lần thì cũng thêm các loại phụ phí.


Ngoài GrabCar, UberX, dịch vụ GrabBike cũng tăng giá mạnh dịp Tết. Ảnh: Zing

Ngoài GrabCar, UberX, dịch vụ GrabBike cũng tăng giá mạnh dịp Tết. Ảnh: Zing

Chúng ta luôn đón nhận cái mới và đang đón nhận dịch vụ của Grab và Uber theo cái cách không để cái mới bị chèn ép.

Nhưng lâu nay, có lẽ qua cuộc “đại chiến taxi” giữa taxi công nghệ mà đại diện là Grab và Uber với taxi truyền thống, dường như chúng ta chỉ mới thấy được một mặt của vấn đề. Đó là mặt tích cực, những cái hơn của Uber và Grab so với taxi truyền thống, từ giá cước, minh bạch thông tin, cho đến tính tiện dụng và thái độ phục vụ…

Nhưng đến dịp Tết Mậu Tuất này, một phần mặt trái của Uber và Grab đã được thể hiện. Nhiều hành khách tại TP.HCM và Hà Nội bắt xe taxi của Grab và Uber đều phải chịu giá cước tăng ít nhất 200% so với ngày thường, thậm chí lên tới 250%, 300%.

Còn xe ôm GrabBike và UberMOTO ư, từ 26 Tết đến mùng 6 Tết Mậu Tuất, GrabBike có thêm phụ phí từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng; UberMOTO thì có phí hủy chuyến, mức cước tối thiểu…

Tất nhiên, những kiểu tăng cước hay thu thêm phụ phí như thế này không có ở taxi truyền thống.

Và công tâm mà nói, việc tăng mức cước vận tải dịp tết không phải là mới. Đơn cử như giá vé xe khách đường dài, mỗi dịp tết vẫn tăng, nhưng theo qui định, thường chỉ tăng 40% hoặc đến 60% so với ngày thường là cùng. Còn đằng này, với taxi Uber và Grab, mức tăng gấp 2, hoặc 2,5 lần và thậm chí gấp 3. Một kiểu tăng giá cước “tát nước theo mưa” trong dịp tết này?

Đã có lúc, dư luận quá hân hoan với sự mới mẻ của Uber và Grab mà chỉ nghĩ một chiều. Đã nhiều lúc, rất nhiều ý kiến nghĩ rằng chỉ nên ủng hộ sự tồn tại của dịch vụ Grab và Uber và hãy quên taxi truyền thống đi, để taxi truyền thống dần dần tự chết…

Nhưng bây giờ, qua cú tăng cước “tát nước theo mưa” dịp tết này, có lẽ người tiêu dùng phải tỉnh táo hơn trong nhìn nhận, đánh giá các dịch vụ. Thị trường vận tải hành khách nội tỉnh với dịch vụ taxi, nếu chỉ ủng hộ cho Uber và Grab, thì taxi truyền thống “chết” đã đành, nhưng lợi ích của người tiêu dùng cũng “chết” theo…

Đón nhận cái mới, nhưng nên ủng hộ một thị trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh, hài hòa các lợi ích đối với chính người tiêu dùng. Nếu không, người tiêu dùng sẽ trở thành nạn nhân của sự ủng hộ thiên lệch thái quá và cực đoan của chính mình.

Một thị trường có sự đối trọng để cạnh tranh, có sự cân bằng để lợi ích của người tiêu dùng không bị bóp nghẹt, đó mới chính là điều người tiêu dùng nên theo đuổi.

Theo Thế Lâm

Báo Lao động