Từ nghề dạy học ở nước ngoài, nghĩ về nền giáo dục nước nhà

(Dân trí) - Tôi đi dạy học từ năm 27 tuổi ở nước ngoài, nhưng khi đó vào đời tôi đã đủ chín chắn để chọn lựa hướng đi cho mình và từ đó đến nay tôi đã không hối tiếc.

 
Nghỉ hưu, tôi chỉ giữ lại vài sinh hoạt tư vấn và thỉnh thoảng có vài thuyết trình.
 - Một đam mê, đam mê ngành tôi dạy, đam mê truyền kiến thức và đam mê trẻ để đi với trẻ từ lúc chúng chưa biết tới chỗ hiểu biết, từ người ngoại đạo vào "đạo"... xã hội học và từ người thường  -  "phàm phu tục tử" - thành người có tri thức, biết mổ xẻ vấn đề, biết lý luận chuyên nghiệp và biết suy nghĩ, dựa trên các kiến thức vừa tiếp thu.
 
Từ nghề dạy học ở nước ngoài, nghĩ về nền giáo dục nước nhà - 1

Tình cô trò (ảnh minh họa: internet)
Đam mê là một phương tiện để vượt khó khăn : đi dạy là một công việc nặng nhọc, phải giải quyết thường nhật nhiều vấn đề, phải truyền hứng thú, ... Không yêu thích môn mình dạy làm sao bảo học trò yêu thích được ?

Đam mê để tạo hạnh phúc cho mình và cho học trò mình (cùng chung sức làm một việc). Không phải chỉ trong tình yêu nam nữ mới cần đam mê, tình thầy trò cũng cần đam mê. Phải yêu các em mới có thể tận tình với các em, để hiểu các em, các nhu cầu của các em, mới có thể chấp nhận những "sai lầm" mà các em vướng trên quãng đường khó nhọc của việc tìm kiếm "chân lý khoa học", ...

Đam mê là ngọn đèn soi đường – tôi không dám dùng hai chữ "đuốc thiêng"

Có những em, trước khi đến lớp tôi chỉ biết mang máng về giai cấp và khái niệm quyền lực nhưng sau khóa 30 giờ trở thành người say mê môn này và tìm tòi học thêm.

Tính như các kỹ sư theo kiểu so sánh đầu vào (in put) và đầu ra (out put), chúng tôi đã thành công vì out put khác hơn và lớn hơn in put .

Cùng đi với trẻ một quảng đời là một việc vô cùng thú vị và rất phấn khởi cho cả người đi dạy lẫn người đi học. Nhiều năm sau đó, mỗi khi gặp lại nhau, học trò cũ và thầy, chúng tôi vẫn nhắc lại những giai thoại thú vị.

Nhưng đam mê không phải là một nguyên liệu thần diệu giúp thành công. Đó chỉ là một giá

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

 trị thêm vào. Không phải học trò nào cũng cảm nhận được hết, nhất là trong một xã hội mà nghề giáo cũng là một nghề của cách tổ chức phân công trong xã hội. Một nghề thầm lặng, đôi khi có phần bạc bẽo nữa.

Thế nhưng hạnh phúc của tôi không có số. Không dựa trên số học trò, số thiếp hay lời chúc tôi nhận được mỗi đầu năm, số học trò thi đậu, ... mà những chi tiết nhỏ nhiều khi vô hình và khó đong đếm như ánh mắt bừng sáng của các em khi khám phá ra một điều mới,  sự tín cậy của các em khi các em bày tỏ những ý kiến và nhận xét cá nhân, những khó khăn trong môn học hay, thỉnh thoảng, những điều các em tâm sự cùng tôi về cuộc sống.

Các "nhân chứng" của tôi là một số bạn bè của các con tôi (có bữa, các cháu hí hửng nói "con biết mẹ dạy bài gì chiều nay và mẹ dạy thế nào !"), là những cộng sự viên của bạn bè tôi ("cảm ơn chị, học trò cũ của chị rất giỏi"), là ông thị trưởng thành phố tôi ở (một hôm, giữa hội trường, ông này chạy xuống chào tôi và tự giới thiệu với mọi người rằng ngày xưa ông ấy học với tôi), ...

Một số học trò tôi đã chọn xã hội học về giáo dục như môn chuyên khoa, có em hoàn thành xong Tiến sĩ và hiện dạy Đại học hay Cao đẳng ở Bỉ, ở Pháp, ...Đó cũng là những hạnh phúc cho tôi.                                     

Sống với học trò

Chủ đích của tôi là giúp các em "đọc" các hiện tượng xã hội, hiểu chúng, giải nghĩa chúng hầu xử sự một cách thích ứng. Để làm người đầy tính nhân bản, tự do. Làm những công dân tử tế.

Tôi đã cố gắng quan sát các khả năng của học trò và đẩy những khả năng ấy phát triển tốt nhất. Như mài ngọc, cho ngọc tỏa sáng.

Tôi đã mang đến cho học trò của tôi  những gì tôi biết trong đại dương xã hội học. Tôi đã phải tìm tòi học thêm để đối thoại với các em về những hiểu biết cập nhật nhất,  như mời các em cùng dự vào bàn tiệc.

Những người dự tiệc thay đổi luôn, có người sợ béo, có người sợ đường,... Tiệc phải tùy theo người ăn: tôi chưa bao giờ cho những bài theo một khuôn mẫu nhất định.

Muốn như thế, tôi đã phải dùng hết nghị lực của mình, mỗi ngày soạn bài, thường xuyên cập nhật, tìm đủ mọi cách để minh họa, bảo đảm sao cho dễ tiếp thu nhất cho các em.  

Những bài học dễ hiểu nhưng đầy khái niệm lý thuyết để học trò tiến bộ trong quá trình học hỏi. Từ từ, học trò tôi khám phá ra rằng các lý thuyết xã hội học tưởng đâu khô khan khó nuốt trôi sao mà gần gũi và dễ nhớ... Durkheim, Bourdieu, Parsons, Warner, Weber, ... trở thành quen thuộc,  quen thuộc đến nổi các lý thuyết ấy trở thành các chìa khóa giải mã cho các hiện tượng xã hội chứ không chỉ là lý thuyết ròng.

Tôi cũng tự đặt câu hỏi và tự đặt lại vấn đề thường xuyên. Còn đúng không? có tốt đủ không? ...

Những khảo cứu của tôi giúp tôi cập nhật hoá hiểu biết của mình và là nguồn thí dụ cụ thể cho các bài giảng khi lên lớp.

Không thống trị cũng không ngang hàng nhưng dân chủ và đối thoại

Với quan niệm người đi dạy là một người dẫn đường, người hướng dẫn, có vài hiểu biết, không nề hà đưa những thí dụ cụ thể có liên quan đến kinh nghiệm bản thân ra để chia sẻ. Bài học thành sống động và gần gõi với học trò.

Thông thường, chỗ đứng của người thầy trong liên hệ với trò là chỗ đứng của "quyền lực": thầy là người lớn tuổi hơn, học nhiều hơn, điều hành cả lớp, được cả xã hội giao cho trọng trách truyền kiến thức, dạy dỗ trò, thầy lại là người cho điểm xếp hạng, có quyền thưởng phạt. Trong liên hệ thầy - trò, thầy là "kẻ thống trị" còn trò là "người bị trị", nếu nói một cách nặng nề. Thật sự,  trong nghiên cứu xã hội học, chúng tôi vẫn dùng các từ này để miêu tả những liên hệ "cổ điển" giữa thầy và trò.

Suốt đời tôi đã chống đối sự thống trị này, hay ít nhất là chống sự bất bình đẳng trong liên hệ thầy-  trò. Tôi đã làm đủ mọi cách để bình đẳng hơn với học trò.

Dạy đi từ nhu cầu và cái lô-gích của học trò là điều tâm niệm thứ nhất của tôi. Cấu trúc của môn học có thể đảo ngược hoàn toàn. Nhập môn hay giới thiệu về xã hội học có thể để ở cuối chương trình sau khi các em đã đi qua hết nội dung và những thành quả chính của môn này chẳng hạn ! Khai thác một sự kiện thời sự để phân tích, đi từ cụ thể rồi qui nạp sang lý thuyết sẽ dễ hiểu cho các em hơn.

Không thi cử là một trong những giải pháp để giảm bớt vai trò quyền lực của người thầy: trong quan niệm của riêng tôi, học trò có quyền tự đánh giá.

Tôi đã làm đủ cách để tránh cho học trò thi cử. Thậm chí cho câu hỏi trước khi thi (nếu trường bắt buộc tổ chức kiểm tra chung), cho thi với tài liệu, cho làm tiểu luận thay bài thi, ... Thế nhưng sinh viên tôi vẫn học và vẫn giỏi (điểm của môn tôi, lúc so sánh với các môn khác ở Hội đồng khảo thí cuối năm hoàn toàn "hợp lý" - nghĩa là các em có điểm cao cho môn tôi cũng có điểm cao ở các môn khác, và ngược lại). Như có một sự thông đồng ngầm bí mật giữa thầy trò. Cái kiểu "kháng chiến" bí mật ấy mà.

Tôi cũng nhiều lần bày tỏ với học trò tôi rằng thầy có một phần trách nhiệm trong sự thất bại của trò : thày đã dạy tồi, hay dạy không đúng cách, hay đã không biết khuyến khích và gây đam mê cho trò, ...

Học trò tôi ... «học thêm ngoài giờ» với tôi rất nhiều : các em biết là lúc nào tôi cũng trả lời thư điện tử của các em, các em có thể điện thoại cho tôi trong khoảng thời gian mà tôi dành  cho việc đó, các em có thể xin hẹn gặp tôi để nhờ hướng dẫn và các em có thể xem bài thi hay bài làm của mình sau khi tôi chấm điểm. (còn nữa)

                                                            Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                  Liège, Bỉ

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây, có thể thấy rõ tâm huyết của một nhà giáo cả đời đam mê  nghề mà mình đã chọn. Nghề đó không giầu sang, nhưng đem lại nguồn vui tinh thần bền vững do những thành quả mà mình tạo ra ; nhiều học trò thành đạt luôn ghi nhớ công lao dạy dỗ của Người Thầy kính yêu ! Đấy là những Người Thầy luôn "đam mê" học trò và tìm thấy sự hứng thú trong việc phát hiện những khả năng tiềm ẩn trong mỗi học sinh để "kích hoạt" cho chúng phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả cao nhất. Làm được điều đó, Người Thầy không chỉ yêu nghề mà còn là "nhà nghệ thuật sư phạm" nắm vững  tâm lý giới trẻ.

     Với kinh nghiệm phong phú của quá trình dạy học cũng như kết quả nghiên cứu về xã hội học trong giáo dục, những ý kiến đóng góp của tác giả về giáo dục của nước nhà  là những đóng góp thật sự đáng trân trọng. Đặc biệt đáng lưu ý là không nên "thương mại hóa" ngành giáo dục; cần coi trọng chất lượng đào tạo Người Thầy cũng như cần cải tổ giáo dục từ gốc, trước hết là giáo dục mầm non, cần vận dụng những thành tựu mới nhất về tâm lý học trẻ em và tâm lý giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất ở bậc học này, làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài ở những bậc học tiếp theo...