Bạn đọc viết

Từ chức ư? - "Bao giờ cho đến tháng Mười"?

Dân gian có câu: "Hết quan hoàn dân". Nhưng xem ra không ít quan chức chẳng bao giờ muốn thế. Tại sao?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Nhìn hình ảnh ông David Cameron - Thủ tướng nước Anh ngồi trên một bức tường bãi đỗ xe ở Cornwall với đôi chân trần và đang thưởng thức khoai tây chiên ngon lành như một du khách bình dân không ai nghĩ cách đây vài tháng, ông đã từng là người đàn ông quyền lực nhất nước Anh.

Hồi tháng 7 năm nay, sau khi từ chức Thủ tướng, ông Cameron còn tự mình chuyển đồ đạc dọn ra khỏi số nhà 10, phố Downing, London. Hình ảnh ông khệ nệ bê thùng các tông đã gây sốt trên các trang mạng xã hội, dân chúng không ngớt lời tán thưởng, bày tỏ sự kính trọng dành cho người đã từng đứng đầu chính phủ Anh trong suốt 6 năm.

Những hình ảnh nói trên của cựu thủ tướng Anh khiến dư luận quan tâm. Nhiều người cho rằng đây là điều bình thường đối với mỗi chính khách. Có người khẳng định ông Cameron hẳn đang rất hạnh phúc tận hưởng cuộc sống của mình sau những áp lực đè nặng khi ông còn làm thủ tướng Anh.

Tôi tự đặt câu hỏi, vì sao ông Cameron lại nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng như vậy? Gì thì gì thì ông cũng là cựu thủ tướng vương quốc Anh chứ đâu phải một người dân bình thường?

Tôi nghĩ như vậy bởi vì dường như những gì mà ông Cameron làm còn hiếm hoi lắm ở xứ ta?

Nói hiếm hoi bởi quan chức xứ mình luôn "trầm trọng" hóa chuyện từ chức, thậm chí cả cái chuyện đơn giản "đến hẹn lại lên" như nghỉ hưu, đối với họ cũng là một cú sốc lớn. Dường như trong tâm thức của họ chưa bao giờ nghĩ đến và nói chung là không muốn chấp nhận những chuyện này.

Thế cho nên mới có chuyện "chạy" tuổi Đảng để sửa tuổi công chức. Có vị sau một đêm ngủ dậy, như có phép mầu, bỗng dưng trẻ ra ba bốn tuổi. Thế là được thêm một nhiệm kì. Có vị không rành chiêu chạy tuổi thì "chạy" đơn, xin tiếp tục được cống hiến hết sức mình theo tình thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Khi "buộc" phải nghỉ hưu về với vợ con cháu chắt rồi, lắm vị vẫn còn giữ thói quen như hồi đương chức, hễ đụng việc gì trong nhà hay ngoài ngõ thì câu đầu tiên là "tôi quyết định…". Nghe bảo có vị còn sáng sáng cắp cặp đứng trước ngõ, đợi lái xe cơ quan đến… đón như mọi ngày!

Có vị khi đương chức thì hết sức "kiệm" lời, về hưu bỗng nói hay, rằng phải thế này, phải thế kia… mà không tự sờ gáy để thấy phần trách nhiệm của mình khi còn ngồi ghế quyền lực.

Còn từ chức ư? Đây quả là một khái niệm quá xa lạ, không có trong từ điển quan trường ở xứ ta. Chuyện từ chức chỉ là giấc mơ của dân lành, chí ít thì cũng ở thời điểm hiện nay. Dù biên chế dư thừa, dù một sở có đến 8 cấp phó nhưng từ chức hết lấy ai mà làm việc? Còn sai lầm, khuyết điểm ư? Có hề chi! Cứ thăng lên hoặc thuyên chuyển là xong. Câu chuyện thăng tiến siêu tốc của ông Trịnh Xuân Thanh há chẳng phải là minh chứng hùng hồn đó sao?

Dân gian có câu: "Hết quan hoàn dân". Nhưng xem ra không ít quan chức chẳng bao giờ muốn thế. Tại sao?

Câu trả lời có lẽ ai cũng biết. Khi công tác tổ chức cán bộ thiếu minh bạch, khi người ta tranh chức không phải bằng thi thố tài đức thì làm sao có chuyện từ chức, làm sao có chuyện vui vẻ nghỉ hưu. Bởi bằng cách nào thì đối với họ - những "doanh nhân" đầu tư quyền lực - đều cảm thấy mất đi bổng lộc lớn. Đầu tư thì phải sinh lời, đầu tư quyền lực thì cái lời không có giới hạn, không có điểm dừng.

Thế là đã rõ, chẳng phải "từ chức hết thì lấy ai làm việc" nên không thể từ chức, thậm chí không thể cách chức mà là vì… lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm! Nó nhằng nhịt, ràng buộc với nhau bằng sợi dây vô hình: Quyền lực.

Cho nên dân Việt mình, ngắm ảnh ông Cameron chân trần vô tư thưởng thức khoai tây chiên ngon lành trên phố mà… thèm. Không phải thèm món khoai tây chiên mà thèm một sự thay đổi trong tư duy quan chức Việt.

"Bao giờ cho đến tháng Mười"…

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm