Từ “bẫy” gỗ sưa tới nguy cơ với đình chùa cổ

(Dân trí) - Cảnh báo đó lại vang lên qua những hồi chuông báo động mới, sau loạt bài về vụ việc dỡ đình cổ lấy gỗ sưa đem bán vừa xảy ra tại thôn Cựu Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội), dù về mức độ vi phạm vẫn còn phải... chờ xác minh.

Một số thanh gỗ bị gỡ xuống (ảnh: Bảo Yên, nguồn: Lao Động)
Một số thanh gỗ bị gỡ xuống (ảnh: Bảo Yên, nguồn: Lao Động)

 

Thiêu thân

 

Kể cả những người “mát tính”, dễ cảm thông nhất… cũng không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng và cả nghi ngờ sau khi đọc thông tin về vụ việc được coi như “chuyện lạ” diễn ra ngay tại Thủ đô Hà Nội này:

 

“Đình chùa hiện nay đang được Nhà nước và nhân dân  bảo tồn và gìn giữ. Vậy  mà ban khánh tiết nơi đây lại dỡ đình lấy gỗ sưa đem bán như tài sản riêng của mình thì rất đáng phải bị xử lý. Ban khánh tiết không có quyền dỡ chùa lấy gỗ sưa để bán vì đây là tài sản chung, không ai có quyền xâm phạm. Ngay cả các cụ cao niên nơi đây cũng không có quyền định đoạt sự thay đổi với tài sản chung đó! Đình này thuộc quyền sở hữu của toàn dân nơi đây, mong rằng các cấp chính quyền phải xử lý nghiêm những kẻ dám phá hoại đình cổ để lấy gỗ sưa đem bán” - Phạm Thị Thanh:  thanh_hoa1299@yahoo.com

 

“Nếu là đình đã xuống cấp, hư hỏng, cần phải tu bổ thì ban quản lý di tích cũng phải họp dân để thông báo rõ kế hoạch tu sửa. Nếu đình có gỗ sưa quý hiếm, để lại xét thấy không an toàn, cần thiết phải bán đổi sang gỗ khác để dư nguồn kinh phí, thì cũng phải được nhân dân nhất trí và minh bạch trong việc bán/đổi. Còn nếu đình cổ đã được công nhận di tích thì trước khi có chủ trương tu sửa, ban quản lý di tích phải có tờ trình, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định cho phép và phải có báo cáo KT - KT gửi cấp cho phép. Xong rồi về họp dân thông báo kế hoạch tu sửa, thành lập ban kiến thiết để phân công, cắt cử các bộ phận để điều hành công việc. Ghi chép sổ sách, tổng hợp nguyên vật liệu, công lao động để còn thanh/quyết toán. Nếu đúng như nội dung bài báo này thì tôi thấy trưởng thôn và ban quản lý di tích này quá độc quyền, không thực hiện đúng "Quy chế dân chủ ở cơ sở",  có dấu hiệu vi phạm Luật Di sản. Rất mong TP Hà Nội cần sớm xác minh làm rõ sai trái và có hình thức xử lý thích đáng những ai liên quan đến vụ việc này” - Nguyễn Văn Hiệp:  vanhiep@gmai.com

 

“Nếu việc bán đó được đưa ra thảo luận trước bàn dân thiên hạ và mọi người đồng tình, số tiền bán được đó dùng để tu bổ di tích hoặc sử dụng vào mục đích phúc lợi khác thì tôi thấy còn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu chỉ có một số người trong ban khánh tiết mà dám tự ý làm như vậy là coi thường kỷ cương, coi thường đạo lý. Ai dám khẳng định không có chuyện mờ ám ở đây? Đề nghị nên làm sáng tỏ ngay” - Nguyen Manh Cuong:  nmcuong7@gmail.com

 

Động tới gỗ sưa – chủ đề đã không ít lần gây sóng gió dư luận, người dân không thể không lại giật mình, thảng thốt nỗi lo đi vào vết xe đổ những phi vụ kỳ dị của các thương lái TQ tại nước ta.  Nào ốc bươu vàng, thu mua đỉa, lá sắn non… Toàn là  những bài học xương máu vẫn còn nguyên tính thời sự cả đấy, vậy mà vẫn có những người dân VN lao vào quầng sáng ảo như “thiêu thân”!

 

“Gỗ sưa được bán cho thương lái người TQ, họ làm giá đến khi nào cao nhất rồi bán lại cho người VN, sau đó không mua nữa. Họ kiếm lợi từ sự  thiếu hiểu biết và tham lam của chính những người Việt đó, vậy đến khi nào chúng ta mới có thể tỉnh táo để không bị lừa nữa???” - Vân:  vangiang_dh@yahoo.com.vn

 

“Họ mua gỗ sưa giá cao, làm cho nhưng người Việt hám tiền quá dám phá hoại cả các công trình văn hoá của cha ông để lại” - Nguyễn Tuấn:  Tuan039@yahoo.com

 

“Chiêu trò "gỗ sưa" của TQ đã bắt đầu có tác dụng mạnh” - Trần Hải:  tranvohai@gmail.com

 

“Vậy là chúng ta lại bị "sụp bẫy" TQ nữa rồi, tại sao vậy???” - Phạm Văn Phong (Đồng Tháp):  phongstp@yahoo.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Hội chứng "liều"

 

Câu hỏi liệu những người làm liều như thế có phải do "điếc không sợ súng" hay chung quy lại cũng chỉ do lòng tham, đã có ngay những câu trả lời từ chính phản hồi của bạn đọc. Đó là ngày nay có những người dám “ăn không từ một thứ gì”, bởi với họ Tiền mới là thứ quan trọng nhất, bất chấp những hồi chuông báo động, những tiếng kêu cứu, những cảnh báo cay đắng xót xa... Nên chăng gọi đó là "Hội chứng liều"?

 
“Tôi là người Hà Nội "hai" (Hà Tây cũ), thật buồn cho chính quyền địa phương đã làm bừa còn dọa dân. Những người này sẽ chỉ gặp xui thôi... Công an hãy vào cuộc, trả lại công bằng cho tài sản của làng và truy cứu trách nhiệm ai vi phạm, nên công khai sớm kết quả cho toàn dân biết. Cảm ơn báo Dân trí!” - Thanh:  tambuivan@yahoo.com

 

“Ôi Hoài Đức quê tôi lại lên báo rồi! Gết bệnh viện lừa người dân, giờ đến cái đình là nơi linh thiêng cổ kính cũng bị dỡ ra đem gỗ đi bán. Đúng thật là…” - Tuấn:  tuandc841991@gmail.com

 

“Đói ăn vụng, túng làm liều ư? Tôi nghĩ ai đó chắc không đói cũng không thiếu, họ chỉ thiếu cái tâm hồn để thành Người” - Nam:  quangnamtbh@yahoo.com.vn

 

“… Nếu nói chữ thì có lẽ phải dùng câu "Vua cũng thua thằng liều". Bọn họ  làm ở ban khánh tiết của đình mà còn dỡ cả đình ra bán thì liều thật, quá liều!” - Quốc Vinh:  snakend77@gmail.com

 

“Thật đáng tiếc, một số người vì đồng tiền mà sẵn sàng làm những việc trái đạo đức, phản bác lại tâm linh. Về hậu quả có lẽ họ không hề nghĩ tới: Xã hội lên án, bản thân và người thân chắc sẽ phải gánh chịu luật nhân  - quả chưa đủ... Dù bây giờ họ có sám hối thì cũng không còn kịp nữa rồi. Tôi đọc bài báo trên mà tiếc và lo thay cho những con người như vậy!!!” - Lương Duy Hiếu:  luongduyhieuthalc@gmail.com

 

“Đây cũng là bài học nhớ đời cho những người quản lý tài sản công, chỉ vì món lợi trước mắt mà người ta dám dỡ cả đình ra bán?” - Thai Mai:  tuphuong25@yahoo.com
 

Đáng lo nhất là từ “bẫy" gỗ sưa này, có thể thấy thấp thoáng... hình ảnh vực thẳm ở đoạn cuối đường hầm:

 

“Thôi chết, các bác ơi! Từ nay trở đi các đình chùa cổ cũng sẽ không được yên rồi!!!” - Bui Dat:  tiendatctm@gmail.com

 

Kiều Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm