1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ dỡ đình cổ lấy gỗ sưa đem bán: Lời kể của người chứng kiến

Sáng 4/3, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân qua điện thoại, nhóm phóng viên ngay lập tức có mặt tại thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội để tìm hiểu rõ sự việc.

 

Đình cổ bị xâm hại.

Đình cổ bị xâm hại.

 

Tại con đường dẫn vào đình cổ thuộc thôn Cựu Quán rất đông người dân đang có mặt để phản đối những người dỡ một phần mái đình cổ lấy gỗ sưa đem bán.

 

Theo người dân thì việc dỡ đình cổ là do một số cá nhân tự ý làm chứ không hề thông qua bà con trong thôn.

 

Thêm nữa, bà con đặt ra nhiều câu hỏi thắc mắc với một số người tham gia dỡ đình bán, họ bán gỗ sưa để làm gì? bán cho ai? được bao nhiêu tiền và số tiền sau đó được sử dụng vào mục đích gì?...

 

Trong số hàng trăm người dân có mặt lúc đó, bà Nguyễn Thị Trọng, người chứng kiến sự việc - bức xúc: “Khi gia đình tôi đang ăn cơm thì nhận được một cuộc điện thoại báo là có người dỡ đình bán gỗ. Ở làng này ai cũng biết là mái đình cổ có gỗ sưa nên tôi vội chạy ra xem tình hình. Tôi rất bất ngờ khi thấy một phần mái đình đã bị dỡ từ lúc nào không hay, một số thanh gỗ sưa cũng bị lấy đi mất”.

 

Bà Nguyễn Thị Trọng - người chứng kiến sự việc - bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Trọng - người chứng kiến sự việc - bức xúc.

 

“Ngay sau đó, có một người dân trong thôn cho biết một số thanh gỗ sưa dỡ ra từ mái đình đã được mang đến chùa Cựu Quán để cân bán. Tôi có mặt tại chùa ngay sau đó, khi ấy còn có 6 người khác là trụ trì chùa Cựu Quán, Trưởng thôn Cựu Quán, người trông coi đình, Trưởng, Phó ban khánh tiết và một số người dân” - bà Trọng khẳng định.

 

Bà Trọng kể tiếp, thấy sự việc diễn ra trước mắt và một số người dân phản đối việc mua bán nên tôi cũng kịch liệt phản đối, nhưng có người còn mắng là không phải việc của bà, đồng thời một người trong Ban khánh tiết của đình còn nói rằng việc dỡ một phần mái đình bán đã được sự đồng ý của Ban khánh tiết và một số cụ cao niên trong làng. Tuy nhiên, khi người dân hỏi cụ nào thì không ai trả lời.

 

Không riêng gì bà Trọng mà nhiều người dân có mặt sáng hôm qua 4/3 cũng cho biết như vậy. Thêm nữa, trước sự phản đối quyết liệt của bà con, vị Trưởng ban khánh tiết đình còn cầm hẳn biên bản bán gỗ sưa ra đọc cho bà con nghe. Tuy nhiên, biên bản được lập trước đó chỉ có 6 người trong nhóm bán gỗ sưa.

 

Hiện vụ việc đang được Vông an huyện Hoài Đức tiếp tục điều tra làm rõ.

 

Theo Bảo Yên - Thủy Nguyên

 Lao Động