Truyền thông ngày càng tiếp tay cho “văn hóa sợ”?

Tác phẩm “The Scream” (Tiếng Thét) được xem là một biểu tượng hiện đại về nỗi bất an của con người của danh họa Edvard Munch được bán với giá cao kỷ lục gần 120 triệu USD đã làm không ít người đặt câu hỏi.

Lẽ nào Edvard Munch cách đây một thế kỷ đã tiên đoán đúng về xã hội ngày nay, con người luôn sống trong sự bất an hay sự bất an nhiều như vậy còn do sự tiếp tay của truyền thông?

Ngày nay, chưa bao giờ thế giới ngập tràn hung tin như vậy. Các cụm từ “bất an”, “thảm họa”, “vấn nạn”, “bất trắc”, “nguy cơ”, “có vấn đề”, “sợ hãi”, “khủng hoảng”… được dùng thường xuyên với cường độ cao trên các phương tiện truyền thông. Và nếu những từ này có sự lặp đi lặp lại với một cường độ cao sẽ có nguy cơ sáo mòn, và gây ra chứng di căn trong tâm lý sống.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện “Tăng Sâm giết người”. Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Tăng Sâm là học trò giỏi của Khổng Tử, nổi tiếng là đức độ. Một lần ông vắng nhà, có kẻ trùng tên với ông giết người.

Hôm ấy mẹ Tăng Sâm đang ngồi quay tơ, thì bỗng nhiên một kẻ hớt hải chạy vào báo với bà rằng:

- Tăng Sâm giết người!

Mẹ Tăng Sâm chỉ liếc qua kẻ báo tin rồi tiếp tục làm việc, vì bà biết rằng Tăng Sâm là đứa con hiền lành, chưa bao giờ biết cãi lộn, đánh nhau, làm gì có chuyện giết người.

Một lúc sau, một kẻ khác lại chạy đến, báo:

- Tăng Sâm giết người!

Bà mẹ hơi giật mình. Tự nhiên bà hơi lo lo, nhưng vẫn tiếp tục làm việc.

 Khoảng một tuần trà sau đó, lại có kẻ hớt hải chạy vào, bảo:

- Tăng Sâm giết người!

Lúc này bà mẹ Tăng Sâm thật sự hốt hoảng bà quăng thoi và bỏ trốn.

Thành ngữ “Tăng Sâm giết người” chỉ "lưỡi mềm độc quá đuôi ong" hoặc muốn nói đến sức mạnh kinh khủng của dư luận. Ngày xưa chỉ thông tin truyền miệng là chính còn ngày nay truyền thông dường như len lỏi đến mọi ngõ ngách cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, có cầu mới có cung, thời gian qua chuyện báo chí truyền thông thường xuyên viết nhiều, viết chi tiết các vụ án mạng một phần vì thỏa mãn thị hiếu của người đọc. Vì người ta từ tâm lý muốn biết rõ những tội ác gây ra như thế nào để tránh, đến chỗ phát triển nhu cầu được tái hiện chi tiết, không phải đơn giản là để phòng ngừa, mà là để thỏa mãn sự tò mò của công chúng.

Và chưa bao giờ người đọc có nhu cầu cao trong việc săn hung tin như hiện nay. Chúng ta có thể kiểm chứng qua việc những tin tức án mạng giật gân câu khách luôn ở vị trí được truy cập nhiều nhất trên những trang báo mạng; và sách trinh thám, phim hành động, kinh dị, thảm họa kiểu bom tấn Hollywood vẫn là một thị trường béo bở được khai thác triệt để.

Dường như con người trong kỷ nguyên khoa học và công nghệ thông tin, sự an toàn không bao giờ là đủ trong một thế giới luôn đầy hỗn loạn và nhiều sự cố, rủi ro. Truyền thông có thể cung cấp cho con người khả năng nhận thức nhiều hơn về những nguy cơ đe dọa cuộc sống và sự an toàn của chính mình qua chuỗi sự kiện hằng ngày ở khắp nơi.

Trong đó truyền thông về nguy cơ là cái mà trước đây ông cha chúng ta không thể có được để đề kháng trước mọi rủi ro. Song chính truyền thông về nguy cơ trong tình trạng không giải pháp cũng đẩy con người đến một nỗi ám ảnh của ba từ “nỗi sợ hãi”.

Tuyệt tác “The Scream”(Tiếng Thét) của danh họa Edvard Munch (Ảnh: Telegraph)

Những ai đã từng đọc tác phẩm kinh điển “Máu lạnh” của Truman Capote viết về hai tên giết người đã tấn công một nông trại và giết cả một gia đình. Vụ giết người man rợ có thật ở một ngôi làng thuộc miền Tây Kansas, Mỹ vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước đã tạo ra một nỗi sợ lây lan trong ngôi làng đến nỗi, Truman Capote chỉ cần ghi lại lời của một ông chủ cửa hàng: “Quanh đây, khóa và chốt cài là mặt hàng chạy nhất. Người ta mua bất cần nhãn hiệu; chỉ cốt sao chắc là được”.

Và điều nguy hiểm nhất, không phải là nỗi sợ mà là sự suy sụp đến từ cái lý do xấu nhất, người ta nghi kị lẫn nhau, “họ tin rằng kẻ giết người là ai đó trong số họ”.

Ở nước ta, trong năm 2011, một vụ án mạng cướp của giết người man rợ đã xảy ra tương tự như vụ được Truman Capote mô tả trong “Máu lạnh”. Tội ác của tên giết người chỉ còn hai tháng nữa mới đủ tuổi vị thành niên với hành vi giết người man rợ diễn ra trong hai tiếng đồng hồ được báo chí truyền thông đưa tin bài chi tiết kéo dài trong bốn tháng.

Hành vi tội ác đó một lần nữa được tái hiện thật rõ nét khi vụ xử án diễn ra. Từ báo chí đến các trang web, mạng xã hội, không đếm xuể những lời kết án sát thủ vị thành niên này dù theo luật pháp Việt Nam, cậu ta chỉ nhận mức án cao nhất với tội sát nhân vị thành niên là 18 năm tù.

Trên một trang mạng, một nhà văn đã nhìn ra vấn đề: với nỗi lo âu thường trực, với sự ám ảnh có được qua những bản tường trình mà truyền thông mang lại thì tên sát nhân kia phạm một tội ác kinh khủng hơn việc cầm dao giết chết ba mạng người, đó là tội ác: biến đám đông trở thành những kẻ sợ hãi và có ý muốn giết người.

Trong khi đó, một điều hiển nhiên khác đang diễn ra là những ai theo dõi báo chí về vụ án mạng một cách chi tiết đều có khả năng bị mắc chứng ám ảnh bị hãm hại khi thấy gương mặt kẻ sát nhân vị thành niên kia hiện diện trong mọi góc khuất của chính ngôi nhà của mình.

Vậy do tâm lí cả tin, tính hiếu kỳ cái gì cũng muốn biết và biết đến tường tận của công chúng, hay thật sự xã hội đang quá bất an, hay chính truyền thông đang tiếp tay cho những ngôn từ, hình ảnh, câu chuyện về sự bất an lặp đi lặp lại mà gieo vào công chúng nỗi sợ hãi thường trực? Có lẽ nguyên nhân từ cả ba. Vậy mỗi chúng ta phải là người đọc thông minh để chắt lọc thông tin và hạn chế tìm những tin giật gân, câu khách để đọc, để tránh nỗi bất an thường trực chăng?

Theo Thanh Thanh
Petrotimes