Bạn đọc viết

Truy trách nhiệm quản lý mới là gốc vấn đề

Vấn đề phải đặt ra lúc này là: quản lý thế nào mà tòa nhà to sừng sững vi phạm được; việc xây dựng trên đất nông nghiệp số lượng lớn, ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn xảy ra; sau cưỡng chế vẫn tồn tại sai phạm là sao… ?? Cái gốc là quản lý.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Hà Nội mới đây nóng lên với hai vụ việc cụ thể: nhà 8B Lê Trực xây sai giấy phép 16m ( cao dôi tương đương 5 tầng và dôi ra 6.000 m2)  và vụ cháy chung cư ở Xa La.

Việc dôi tầng, dôi mét là việc không mới ở Hà Nội nhưng với tòa nhà 8B Lê Trực lại nhận được sự quan tâm lớn vì nó nằm gần một khu vực nhạy cảm gần lăng Bác. Lãnh đạo cao nhất của thành phố đã nhấn mạnh: “Sai chỗ nào cắt chỗ đấy, sai 16m, cắt đi 16m”. Ngoài ra, lãnh đạo cao nhất của Tp Hà Nội còn nói rõ :“Phải kiểm điểm, xử lý nghiêm đến nơi đến chốn với những người đã thanh tra, kiểm tra lập biên bản mà không xử lý kịp thời nghiêm minh, thậm chí không báo cáo với lãnh đạo”.

Quyết tâm chính trị đã rất rõ, giờ là việc các cơ quan ngôn luận và công chúng cần phải cùng giám sát để quyết tâm chính trị  đó được thực thi bằng những hành động chính trị cụ thể. Tránh tình trạng khi cháy xảy ra tại tòa nhà Xa La, một số cơ quan công luận lại đặt vấn đề những người mua nhà khi thực hiện việc mua bán chỉ chú tâm đến giá cả, hướng nhà mà ít chú ý đến những trang bị và hệ thống PCCC của khu nhà mua. Thực ra, đừng yêu cầu mọi người mua nhà đều phải thông minh bởi họ có quyền tin rằng các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm giám sát để những khu chung cư được bán ra thị trường phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn của phòng cháy chữa cháy. Người dân đã phải đóng thuế để nuôi cả một bộ máy để quản lý việc tuân thủ các tiêu chuẩn PCCC còn chưa thực hiện được đầy đủ việc đó thì làm sao từng người dân đơn lẻ đi liền với sự yếu thế của kẻ “xin mua” lại đủ tầm để kiểm tra khu chung cư nơi mình mua có đáp ứng đủ tiêu chuẩn không ?!

Vấn đề gốc của hai sự việc trên là phải truy trách nhiệm quản lý. Bởi chỉ như vậy thì  mới hạn chế bớt tình trạng như  thông tin mà chúng ta mới được biết: tính đến quý II/2015, toàn thành phố Hà Nội có 891 công trình nhà cao tầng. Trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Công luận sẽ không mất “nhiều diện tích trên mặt báo” để tiếp tục đưa các vụ việc tương tự kiểu như: “ Công trình vượt 3 tầng tại phường Mỹ Đình 2 vẫn tồn tại sau cưỡng chế”; “Ông Phan Minh Nguyệt bị bắt vì xây nhà trên đất nông nghiệp để bán, cho thuê”… mà sau tất cả phản ánh đó trách nhiệm quản lý chỉ là:  không ai bị sao cả và “hòa cả làng”. Vấn đề phải đặt ra lúc này là: quản lý thế nào mà tòa nhà to sừng sững vi phạm được; việc xây dựng trên đất nông nghiệp số lượng lớn, ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn xảy ra; sau cưỡng chế vẫn tồn tại sai phạm là sao… ?? Cái gốc là quản lý.

Hữu Kiên