Trục lợi từ bệnh nhân...

Trong những ngày qua, hai vụ tiêu cực ở hai bệnh viện lớn tại Hà Nội gây sốc đối với dư luận. Bệnh viện Nhi Trung ương thì phát thuốc hết hạn cho em bé 1 tuổi, còn Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thì bớt xén trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B.

Trục lợi từ bệnh nhân... - 1

Khoa Vi sinh y học Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn - nơi xảy ra vụ gian lận xét nghiệm. (Nguồn: tienphong.vn)

Một cháu bé 1 tuổi bị viêm phổi vào điều trị tại khoa Quốc tế Bệnh viện Nhi Trung ương với chi phí 1,4 triệu/ngày đêm. Sau mấy ngày điều trị gia đình đã phát hiện thấy kháng sinh dạng gói bột phát cho bệnh nhân đã quá hạn dùng. Ngày 19/12, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thừa nhận sự thật gian dối này. 

Trước đó, ngày 9/12, báo chí đã phản ánh tình trạng làm ăn gian dối, bớt xén trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại khoa Vi sinh y học Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Mỗi bệnh nhân đến đây xét nghiệm HIV và viêm gan B sẽ được test nhanh, lấy mẫu máu xét nghiệm mang đi phân tích. Tuy nhiên, mỗi que thử được nhân viên y tế dùng kéo cắt làm 2 để dùng cho 2 người, mặc dù bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ.

Nguy hiểm hơn nữa là 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân khác nhau sẽ được trộn chung vào một ống nghiệm thủy tinh, đưa vào cùng giếng hóa chất rồi cho ra kết quả âm hoặc dương tính. Nếu kết quả là âm tính thì cả 4 đều có chung “âm tính”, còn nếu dương tính, 4 bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm lại.

Hai vụ việc tai tiếng trên đều có chung bản chất, đó là làm trái pháp luật, trái y đức, nhằm trục lợi, kiếm tiền trên mỗi người bệnh. Người bệnh ốm đau phải đến bệnh viện với tâm niệm “tin tưởng ở chuyên môn, an tâm khi điều trị”, dù chấp nhận tốn kém, chấp nhận nằm 2 người/1 giường bệnh... Do đó, lừa dối người bệnh, trục lợi trên thân xác bệnh nhân là hành vi táng tận lương tâm, có thể nói là vô nhân tính, đáng lên án nhất.

Hệ thống pháp luật liên quan đến khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân đã có quy định chặt chẽ về trách nhiệm, nghĩa vụ của bác sĩ, nhân viên y tế, quy trình khám, chữa bệnh… nhưng ở hai vụ việc trên họ đã bất chấp pháp luật. Và đương nhiên họ cũng bất chấp y đức, lương tâm, vốn là những nền tảng điều chỉnh hành vi của người thầy thuốc.

Hậu quả đương nhiên là bệnh nhân gánh chịu với các mức độ khác nhau. Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết nhân viên khoa Vi sinh y học Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn ghi khống 1.272 kết quả trong sơ đồ test HIV thường ngày tại viện. Kết quả khống này có thể gây ra hậu quả lây lan HIV, khó có thể tính hết mức độ nguy hiểm.

Làm thế nào để lấy lại sự trong sạch, lành mạnh trong hoạt động khám, chữa bệnh, để không xảy ra những vụ việc tương tự là vấn đề lớn đặt ra cho ngành Y tế hiện nay?

Thiết nghĩ, trước hết là cần xử lý nghiêm minh, không nương nhẹ, không bao che với những đối tượng đã vi phạm pháp luật, bất chấp hậu quả xảy ra cho bệnh nhân, để làm trong sạch bộ máy.

Thứ hai, rà soát thật kỹ quy trình trong từng khâu khám bệnh, xét nghiệm, điều trị ... để bịt kín các kẽ hở khiến tiêu cực có thể phát sinh.

Thứ ba, có cơ chế giám sát, xử lý nhanh chóng, hiệu quả mọi sai phạm bị phát hiện. Cả hai vụ việc trên đều chỉ được xử lý khi người dân và báo chí lên tiếng. Điều đó cho thấy cơ chế giám sát, xử lý thông tin, xử lý khiếu nại của bệnh nhân chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, không ngừng giáo dục, tuyên truyền, phổ biến về  y đức đối với đội ngũ y bác sĩ, y tá, điều dưỡng, có khen thưởng, xử phạt một cách nghiêm minh.

Thứ năm, người đứng đầu bệnh viện, người đứng đầu từng khoa, phòng, phải chịu trách nhiệm toàn diện về những sai phạm trong đơn vị mình quản lý./.

Theo Thái Vũ

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm