Trong niềm vui, nghĩ về những “người ra đi đầu không ngoảnh lại”!
Sự việc Bộ công an tiếp nhận 2 tài năng trẻ Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà vào học ở Học viện Công an nhân dân theo nguyện vọng của các em đã mở rộng cánh cửa và con đường cho lớp trẻ phát triển và cống hiến.
>> Bộ Công an chính thức đồng ý cho nam sinh 29 điểm vào Học viện Cảnh sát nhân dân
Trong khi cả nước xôn xao xung quanh việc cô bé Kiều Nhi đạt 29 điểm vẫn trượt thi đại học vì trong lý lịch, em không khai người bố sinh thời đã có tiền án, rồi Bộ Công an đã quyết định nhận em vào học thì cùng thời điểm đó, ở nước ngoài nhiều bạn trẻ tầm tuổi Nhi đã và đang gặt hái những thành tựu vang dội, khiến bạn trẻ năm châu phải nể phục.
Liền sau đó, em Nguyễn Đức Ngà đạt được tổng điểm khối A là 28 điểm Khối B 27 điểm đăng ký xét tuyển vào Học viện Công an nhân dân, cũng vẫn trượt thi đại học vì trong lý lịch, em không khai người bố hơn 20 năm trước, khi em chưa ra đời đã có án tích 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích. Bộ Công an đã xem xét lại trường hợp này và ra quyết định nhận em vào học.
Như vậy, chỉ trong một tuần, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã vào cuộc giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của em Bùi Kiều Nhi và em Nguyễn Đức Ngà. Đó là những quyết định hợp lòng dân, được dư luận đánh giá cao.
Trước hai tin vui dồn dập trên, bất giác nhớ lại một số gương mặt trẻ có tài của nước ta.
Đó là cậu bé Mạnh Đức, 19 tuổi vừa chinh phục Tufts – một trong những trường ĐH thuộc top đầu Mỹ với học bổng 4 năm trị giá 245.000 USD. Là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Đức giành được học bổng sang Singapore học tú tài quốc tế. Kết thúc thời gian du học ở đất nước này, Đức đã giành Huy chương vàng Toán Singapore (2012), Huy chương vàng Hoá Singapore (2013), Huy chương bạc Vật lý Singapore (2012) và Huy chương đồng Y Sinh học Singapore (2012 và 2014).Năm 2013, em đoạt Giải nhất cuộc thi ý tưởng cộng đồng YASLC tại Singapore, Giải nhì cuộc thi dự án khoa học “Singapore International Water Prize” và Giải thưởng “Baden-Powell” cho hướng đạo sinh. Mới đây, Mạnh Đức nhận cùng lúc 4 học bổng toàn phần khóa 2015 – 2019 từ các trường ĐH Mỹ và Singapore. Đó là học bổng toàn phần Tufts University, Mỹ; học bổng toàn phần Yale-NUS college, Singapore; học bổng toàn phần NUS Pharmacy, Singapore; học bổng toàn phần SMU Information System, Singapore.
Gương mặt thứ hai là Hoàng Ngọc Mai. Em sinh năm 1997, cũng là cựu sinh viên trường THPT Chuyên Amsterdam, Hà Nội. Mai vừa nhận được học bổng 180.000 USD (tương đương với hơn 4 tỷ đồng Việt Nam) của trường Đại học Bryn Mawr (Mỹ).
Gương mặt thứ ba là Nguyễn Thị Thạch Thảo, sinh năm 1996. Năm 2013, em đoạt 2 Huy chương Vàng giải Toán Olympiad Singapore 2012, Năm 2013, em đoạt giải “High Distinction” tại cuộc thi Toán nước Úc, Huy chương Bạc giải Toán Olympiad Singapore 2013 và 2014… Em vừa giành học bổng toàn phần trị giá 260.000 USD/4 năm (khoảng 5,7 tỉ đồng) của ĐH Stanford, Mỹ.
Người thứ tư là Nguyễn Hoàng Quân. Sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, Quân rời Việt Nam với mong muốn đến Mỹ theo đuổi ngành y, dược học khi người cha nuôi mắc căn bệnh viêm gan C. ậu bé vừa đi học vừa đi làm nằm trong danh sách Học sinh xuất sắc Dean’s list 4 mùa liên tiếp tại trường Cao đẳng Bunker Hill, Quân được chọn vào Chương trình Sinh viên Danh dự của Boston, giành được học bổng 10.000 USD từ Viện Khoa học Quốc gia, được kết nạp vào Hội Sinh viên Danh dự toàn cầu Phi Theta Kappa, trở thành một trong 29 sinh viên xuất sắc được vinh danh tại Hạ viện Massachusetts, giành học bổng Ruby Anniversary cao nhất của trường Bunker Hill… 2014, Quân vượt qua hơn 1.000 ứng viên khắp nước Mỹ và trở thành một trong 10 người được nhận vào chương trình thực tập tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật vật liệu ở MIT. Nguyễn Hoàng Quân vừa giành chứng nhận khi lọt top 20 đại diện xuất sắc nhất nước Mỹ về thành tích học tập năm 2015.
Trên đây chỉ là 4 trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh viên Việt Nam đã và đang có những thành tựu to lớn trong học tập ở nước ngoài.
Xin chúc mừng các em nhưng rồi không khỏi day dứt bởi những tài năng nêu lên ở trên hầu hết “một đi không trở lại”.
Đành rằng khoa học vốn không có biên giới và mọi thành tựu đều thuộc về toàn nhân loại. Thế nhưng giá như với những tài năng đó, các em trở về phục vụ quê hương mình, Tổ quốc mình với đồng bào của mình thì vẫn hay hơn, tốt hơn…
Nhưng rồi lại xót xa thông cảm bởi nếu trở về, các em hoàn toàn có thể bị thui chột tài năng, bởi thói ghen ghét, kèn cựa, hẹp hòi
Và chỉ riêng với những qui định lương “chẳng giống ai” của ta hiện nay, các em sẽ ra sao và một khi không đủ sống thì nói gì đến nghiên cứu với phát minh?
Sự việc Bộ công an tiếp nhận 2 tài năng trẻ Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà vào học ở Học viện Công an nhân dân theo nguyện vọng của các em đã mở rộng cánh cửa và con đường cho lớp trẻ phát triển và cống hiến. Mong rằng, tin rằng các thế hệ sau này được tạo điều kiện như Kiều Nhi, Nguyễn Đức Ngà, không còn phải ôm ấp nỗi buồn “người ra đi đầu không ngoảnh lại”!
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!