Trong dịch bệnh, lá lành cần đùm lá rách
(Dân trí) - Nếu những người có công, những người mất việc ở các công ty, người nghèo, cận nghèo ở địa phương dễ lên danh sách cứu trợ thì lao động tự do mất việc làm là đối tượng dễ bị bỏ sót nhất.
Đại dịch COVID – 19 đang càn quét thế giới, khiến nửa dân số toàn cầu phải “giãn cách xã hội” khiến xã hội điêu đứng, báo hiệu cuộc khủng hoảng kinh tế khó tránh khỏi. Nhưng những đối tượng bị tác động ngay, trực tiếp vẫn chính là những người bị mất việc, những người nghèo, không có đồng vốn dắt lưng. Và Việt Nam không là ngoại lệ.
Báo chí và mạng xã hội chia sẻ rất nhiều những tình cảm thân thương với tinh thần lá lành đùm lá rách. Hà Nội và TP HCM xuất hiện những địa điểm bày những bàn bày sẵn xuất ăn, nước uống phát miễn phí: Ai thực sự khó thì cứ dùng, mỗi lần một xuất, để ưu tiên mọi người đang khó khăn. Nhưng cũng qua đấy, chúng ta thấy rõ hơn tình cảnh của những người yếu thế là những người ngay lập tức bị ảnh hưởng bởi dich covid.
Rất đồng cảm với những hàng người xếp dài dài trước quán cơm chay Bình An, đường Ngô Quyền, Phường 6, Quận 10, TP.HCM chờ đến lượt nhận từng xuất cơm, kèm chai nước lọc. Họ là những người làm nghề bán vé số, xe ôm, nhặt ve chai… Vợ chồng chị Trang – Chủ quán cơm Bình An, hàng ngày cùng các tình nguyện viên nấu và phát cơm hai lần, trưa và chiều. Chị Trang cho biết, “lúc đầu, tôi phát hơn 1000 suất. Hôm nay, tôi đã phát gần 3000 suất rồi. Ngày mai chắc sẽ đông hơn”. Điều này phản ánh những người đói ăn thực sự khá đông.
Trong hoàn cảnh đó, chiều 5.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Không chỉ nhất trí cao của Thường trực Chính phủ về những đối tượng được trợ giúp, với tinh thần càng sớm càng tốt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh: Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để "đói cơm lạt muối" cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, trong buổi họp bàn về dự thảo Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đốc thúc, yêu cầu làm nhanh gói an sinh xã hội, không để người dân chờ đợi thêm.
Không chỉ vậy, Thủ tướng giao trách nhiệm rất cụ thể bằng một câu hỏi: "Không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền. Ai chịu trách nhiệm cái này, có phải chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?" Đồng thời ông cũng cảnh báo: Tất cả các thông tin phải công khai, dân chủ, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Vâng, tuy ít, nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến cảnh những quan chức biến chất ăn không từ thứ gì của dân, kể cả từ các chương trình cứu đói, trợ giúp người nghèo. Lời cảnh báo của Thủ tướng là cần thiết và rất kịp thời.
Thủ tướng cũng lưu ý: Việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Nhân vô thập toàn, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung".
Vậy những đối tượng dễ bỏ sót là ai?
Nếu những người có công, những người mất việc ở các công ty, người nghèo, cận nghèo ở địa phương không khó để lên danh sách, thì lao động tự do mất việc làm, mà Thủ tướng đã nhắc đến chính là đối tượng dễ bị bỏ sót nhất. Bởi những người bán vé số, những người đi rửa bát, nhặt ve chai, xe ôm... phần lớn từ các tỉnh lẻ về thành phố kiếm ăn. Nhiều người không kịp về quê vì nhiều lẽ, vậy địa phương nào sẽ “điểm danh” họ? Trong khi những lao động tự do khi mất việc là những đối tượng dễ đói nhất, bởi với họ, ráo mồ hôi là hết tiền.
Vì vậy trong tình hình dịch covid hiện nay, hơn bao giờ hết đang cần “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” Lá lành hãy đùm lá rách, không bỏ sót ai cuộc sống đang lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc.
Vương Hà