Trẻ thần đồng và người lớn xuất chúng
Mỗi đất nước ở thời nào cũng có những đứa trẻ mang những mầm mống tài năng đặc biệt nhưng để đào tạo ra được những người lớn xuất chúng thì cần phải có một nhà trường thấu hiểu con người và một bối cảnh văn hóa thuận lợi.
Trẻ thần đồng là hiện tượng có thật và hiện tượng này xảy ra ở mọi xã hội và ở thời nào cũng có.
Hội chứng "bác học"
Biểu hiện của trẻ thần đồng cũng vô cùng đa dạng: Biết đọc ở tuổi rất sớm, có thể "sáng tác" văn thơ, vẽ những bức tranh dường như không thua kém gì những tuyệt tác của các nghệ sĩ bậc thầy. Biết chơi rất giỏi một nhạc cụ ở tuổi rất nhỏ, có thể nhìn một lần và ghi nhớ được một dãy số dài, có khả năng ghi nhớ được rất nhiều biển số xe hơi, biết làm rất nhanh và đúng nhiều phép tính v.v.
Đặc điểm chung của trẻ thần đồng là chúng bộc lộ những khả năng như vậy song dường như không phải do được đi học ở trường hoặc không phải do chúng đã "học" theo cách thông thường như đa số trẻ em khác. Hoặc không phải do chúng "đã từng học" hiểu theo nghĩa thông thường của từ này.
Các nhà khoa học gọi đây là "hội chứng bác học'' (savant syndrome). Nhà viết kịch người Pháp Molière ở thế kỷ 17 đã sử dụng cụm từ "sot savant'' để chỉ những người rất đần trong mọi "lĩnh vực'' ấy thế mà lại tỏ ra đặc biệt bác học trong một "lĩnh vực" nào đó!
Mặt khác, hiện tượng thần đồng cũng được thấy ở những trường hợp biệt lệ. Chẳng hạn như ở nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ (autism) hoặc nhiều đứa trẻ (và cả người lớn nữa) có não bộ bị tổn thương thực thể (sau một tai nạn hoặc sau một ca phẫu thuật ở não) hoặc sau một chấn thương tinh thần v.v.
Bất luận thế nào, ở trường hợp nọ thì hiện tượng thần đồng có thể là niềm tự hào, hãnh diện của cả gia đình, thậm chí của cả xã hội. Và ở trường hợp khác thì hiện tượng thần đồng có khi lại là nỗi lo lắng, thậm chí lo sợ của người thân. Chẳng hạn như có những trẻ thông minh khác thường quá sớm đến nỗi, chúng có thể bị ngỡ như là "thánh sống" (đặc biệt ở những nền văn hóa Á Đông vốn đề cao yếu tố siêu nhiên).
Nhưng đối với các nhà khoa học (đặc biệt là các nhà tâm lý học quan tâm tới giáo dục) thì hiện tượng thần đồng lại là một dữ kiện hoặc thậm chí một chủ đề nghiên cứu.
Từ những năm giữa thế kỷ 20 tâm lý học đã khôi phục lại mối quan tâm rõ rệt tới hai lĩnh vực mà nó đã bắt rễ từ đó: Sinh lý học, và truyền thống tư biện (các nhà tâm lý học bắt đầu nghiên cứu nhiều và sâu vấn đề nhận thức (cognition). Từ đó ra đời một môn khoa học liên ngành nghiêm chỉnh được gọi khoa học nhận thức (cognitive science).
Một luận điểm quan trọng của khoa học nhận thức là mọi sự học tập đều là một quá trình nhận thức chứ không phải là sự bộc phát. Ngay cả lĩnh vực nghệ thuật xưa nay vốn được cho là liên quan chủ yếu đến cái gọi là "cảm hứng", "sáng tạo" hoặc "xuất thần" chung chung thì ở đó cũng có những quá trình hoặc quy luật nhận thức tương tự như quá trình nhận thức xảy ra khi học các môn khoa học tự nhiên.
Dự án Zero và định nghĩa trí khôn
Đó chính là lý do ra đời của một dự án có tên Dự án Zero (Project Zero) tại Khoa Giáo dục của Đại học Harvard vào năm 1967. Người khởi xướng dự án này, nhà triết học Nelson Goodman, cho rằng những gì chúng ta biết về các quá trình "học" các môn nghệ thuật cho tới lúc đó (năm 1967) là con số không, từ đó mới có tên gọi "Dự án Zero".
Một khuôn mặt nổi bật trong Dự án Zero là nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner (sinh năm 1943).
Trong nhiều năm trời ông đã tiến hành hai công trình nghiên cứu. Công trình thứ nhất liên quan đến những trục trặc về khả năng nhận thức ở những người bị tổn thương não trong khuôn khổ Dự án Tiềm năng con người (Project on Human Potential), cũng do Khoa Giáo dục của Đại học Harvard thực hiện dưới sự bảo trợ của Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận Bernard van Leer vì trẻ em và thanh thiếu niên thiệt thòi (năm 1979).
Công trình thứ hai nằm trong khuôn khổ Dự án Zero liên quan đến nghiên cứu sự phát triển các kỹ năng biểu trưng ở trẻ em bình thường và trẻ em có năng khiếu và sự suy giảm những khả năng này ở những người lớn bị tổn thương não.
Kết quả của hai hướng nghiên cứu này đã cho phép ông phát triển một lý thuyết làm thay đổi căn bản cách hiểu xưa nay về trí thông minh của con người và những hệ luận của nó, trong đó có giáo dục và nhà trường: Thuyết trí khôn nhiều thành phần (theory of multiple intelligences), được gọi tắt là thuyết MI.
Toàn bộ lý thuyết này được công bố lần đầu một cách có hệ thống trong cuốn sách Frames of Mind: The theory of multiple intelligences, New York: Basic Books[1] xuất bản năm 1983 dưới sự bảo trợ của Dự án Tiềm năng con người.
Thuyết MI bác bỏ quan niệm cũ coi trí khôn là mang tính tổng quát (general), mang tính nhất thể (unitary) và không thể phân giải thành nhiều thành phần.
Một đóng góp rất lớn của thuyết MI là định nghĩa về trí khôn. Gardner định nghĩa trí khôn là một tiềm năng đồng thời mang tính sinh học (biological) và tâm lý (psychological) ở một người, để nó giúp người đó giải quyết các vấn đề, hoặc tạo ra những sản phẩm được đề cao bởi ít nhất một nền văn hóa.
Gardner đã nhận diện được 8 dạng trí khôn và mỗi dạng trí khôn ở từng cá nhân có thể được coi như một thứ dấu vân tay không thể lẫn một người với bất cứ ai khác.
Nhưng điểm đặc biệt trong quan niệm của Gardner về trí khôn nằm ở chỗ các trí khôn của con người tồn tại và hoạt động tương đối độc lập, tự chủ. Mỗi dạng trí khôn được xem như là một cách thức xử lý thông tin hoặc cơ chế hoạt động theo mục đích riêng.
Những cách thức xử lý đó đã được hình thành trong suốt quá trình tiến hóa của con người. Có những cách xử lý thông tin của chúng ta giống hệt với nhiều loài vật khác, chẳng hạn khả năng nhận mặt, nhưng có những cách xử lý thông tin chỉ con người mới có, chẳng hạn khả năng phân tích cú pháp của lời nói.
Các phương thức xử lý nói trên mang tính độc lập, tự chủ ở chỗ chúng không "chịu sự hướng dẫn" nào mà chỉ đơn giản hoạt động theo nguyên tắc riêng của chúng khi xuất hiện "dạng" thông tin nào đó. Hoạt động của chúng không bị lệ thuộc vào mục đích sử dụng hữu thức và trên thực tế không thể bị cản trở bởi bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Đây chính là nền tảng sinh học của một trẻ có dấu hiệu thần đồng: Một "khả năng" xử lý dạng thông tin đặc biệt nào đó ưu trội một cách đặc biệt khác thường so với các khả năng xử lý các dạng thông tin khác.
10 năm sau Frames of Mind, Gardner xuất bản cuốn Creating Minds (Những trí tuệ sáng tạo), một cuốn sách nghiên cứu khả năng sáng tạo của bảy nhân vật xuất chúng của thế kỷ 20 với các dạng trí khôn khác nhau theo quan điểm của thuyết MI: Sigmund Freud (cha đẻ của môn tâm phân học), Albert Einstein, danh họa Pablo Picasso, nhạc sĩ Igor Stravinsky, nhà thơ T.S. Eliot, diễn viên múa Martha Graham và nhà chính trị vĩ đại của đất nước Ấn Độ Mahatma Gandhi.
Theo Gardner, một cá nhân sáng tạo có 4 đặc điểm chính: 1) Một cá nhân sáng tạo tức là bắt buộc phải có khả năng sáng tạo trong một lĩnh vực cụ thể. 2) Một cá nhân sáng tạo tức là phải bộc lộ thường xuyên khả năng sáng tạo của mình và không làm gì có sự bộc phát tính sáng tạo theo kiểu một lần duy nhất trong đời (once-in-a-lifetime).
3) Sáng tạo tức là phải làm ra sản phẩm hoặc phải nghĩ ra ý tưởng mới mẻ. Hoặc phát hiện ra vấn đề còn chưa được khám phá và đòi hỏi sự giải quyết. 4) Một hoạt động chỉ được gọi là sáng tạo khi nó được chấp nhận trong một nền văn hóa cụ thể.
Không có hoạt động nào tự bản thân nó là mang tính sáng tạo. Tính sáng tạo là cái gắn liền với sự đánh giá của cộng đồng hoặc một bộ phận cộng đồng (giới chuyên môn hoặc nhóm bạn bè gần gũi, chẳng hạn). Không có giới hạn thời gian cho sự đánh giá này. Sự công nhận của xã hội có thể xảy ra tức thì hoặc cũng có thể phải mất nhiều năm tháng.
Ba yếu tố cốt lõi của tài năng
Chính vì vậy, Gardner nói rằng chỉ nên gọi một cá nhân là có "tiềm năng sáng tạo". Trong chương viết về Picasso, một thần đồng hội họa, biết vẽ trước khi biết nói, Picasso được mô tả là lúc còn bé học kém môn tập đọc, tập viết và đặc biệt là môn toán. Picasso ghét đi học và nếu gia đình không thuê người kèm cặp thêm, không chạy chọt cửa sau, không dỗ dành cậu đi học thì có lẽ cậu bé Picasso đã không học xong nổi cấp tiểu học!
Nhưng trên thực tế Picasso đã phải khổ luyện rất nhiều ngay từ bé và sau này tới học hội họa ở Barcelona và Madrid thì Picasso đã phải tự học rất nhiều. Điểm đáng lưu ý là tuy Picasso không thích nghi được với cách dạy của nhà trường cả thời bé lẫn khi là sinh viên Học viện Mỹ thuật Barcelona hay Học viện Mỹ thuật Madrid.
Song điều này không có nghĩa là Picasso cách ly khỏi ảnh hưởng của môi trường văn hóa và giao tiếp bên ngoài.
Ở Madrid, Picasso kết thân với những họa sĩ nổi tiếng lớn tuổi hơn ông và tham gia nhóm bạn bè cùng chí hướng là những nghệ sĩ, nhà văn, trí thức và họ thường xuyên tụ tập tại quán rượu Els Quartre Gats (Bốn con Mèo).
Sau này khi tới Paris thì Picasso đã hòa nhập vào đời sống hội họa ở khu Montmartre vào lúc chủ nghĩa ấn tượng (impressionism) đã trở thành quá khứ trước sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu ấn tượng (postimpressionism) và chủ nghĩa xuất biểu (expressionism).
Chính là trong không khí học hỏi tại đây tất cả những bậc thầy của các trường phái hội họa khác nhau mà Picasso đã sáng tạo ra một lối vẽ mới, một lối vẽ phi biểu trưng (nonrepresentational): Chủ nghĩa lập thể (cubism).
Như vậy, Gardner đã chỉ ra ba yếu tố cốt lõi không thể thiếu quyết định đến tính sáng tạo của một cá nhân: Tài năng cá nhân (individual talent) là cái mang tính bẩm sinh, lĩnh vực/môn học mà cá nhân làm (domain/discipline) , môi trường hoạt động (field), trong đó bao gồm các thiết chế (trong đó có giáo dục), sự phản hồi, đánh giá của người khác tới một cá nhân. Ba yếu tố này tạo thành một tam giác khép kín.
Như vậy có thể thấy một điều là nhà trường và bối cảnh văn hóa chính là hai yếu tố quyết định việc một đứa trẻ được coi là thần đồng sau này có thể trở thành một người lớn xuất chúng hay không. Picasso trong một lần xem triển lãm tranh của các em nhỏ đã chua chát nói: "Ở tuổi của các em này tôi có thể vẽ như Raphael nhưng tôi mất cả đời để học vẽ được như các em bây giờ" (Creating Minds). |
Và hãy nghe Picasso nói về vấn đề thần đồng hội họa: "... Trong lĩnh vực vẽ/hội họa, không có thần đồng. Điều mà ta có thể coi là một thiên tài nhỏ tuổi thực ra chỉ là thiên tư của tuổi ấu thơ. Nó biến mất ở một độ tuổi nào đó mà không để lại dấu vết xung quanh. Có thể một đứa trẻ như vậy một ngày nào đó sẽ trở thành một nghệ sĩ nhưng nó sẽ phải bắt đầu lại từ đầu" (Creating Minds)
Như vậy có thể thấy một điều là nhà trường và bối cảnh văn hóa chính là hai yếu tố quyết định việc một đứa trẻ được coi là thần đồng sau này có thể trở thành một người lớn xuất chúng hay không. Picasso trong một lần xem triển lãm tranh của các em nhỏ đã chua chát nói: "Ở tuổi của các em này tôi có thể vẽ như Raphael nhưng tôi mất cả đời để học vẽ được như các em bây giờ" (Creating Minds).
Trở lại trường hợp ồn ào mới đây về cậu bé Vũ Tuấn Kiệt 9 tuổi ở Việt Nam không qua trường lớp nhưng có khả năng vẽ rất giỏi, có thể thấy hiện tượng này là hoàn toàn có thể giải thích được. Kiệt là một cậu bé phát triển hoàn toàn bình thường. Khả năng thần đồng của Kiệt có liên hệ nhiều hơn tới yếu tố di truyền.
Rất có thể là Kiệt có một khả năng ghi nhớ chính xác như chụp ảnh (eidetic imagery). Cậu có khả năng giữ lại trong trí tưởng tượng những hình dạng mà cậu đã nhìn thấy. Có thể chứng minh điều này bằng sự kiện cậu sống chủ yếu với người bác là kiến trúc sư Phó Đức Tùng.
Các bức tranh của Kiệt thực chất mang tính đồ họa (drawing) nhiều hơn là hội họa (painting) và công việc của người kiến trúc sư về căn bản có liên quan nhiều tới đồ họa hơn là hội họa. Một chi tiết nữa là Kiệt chủ yếu vẽ tranh bằng bút sắt chứ không phải bút lông (kiến trúc sư chủ yếu dùng bút sắt).
Như vậy, có thể giả định rằng bản chất của quá trình "vẽ" của cậu bé Kiệt là sự "bắt chước" vô thức (hiểu theo nghĩa cao quý của từ này và hoàn toàn không có ý xúc phạm em Kiệt) và kết hợp với năng khiếu ghi nhớ như vừa nói tới ở trên nên em đã vẽ được những bức tranh mà bạn bè cùng trang lứa khó lòng vẽ nổi.
Đối với trường hợp của cậu bé Kiệt, việc gia đình không thích cho cậu đến trường là một sai lầm mặc dù sai lầm này là có thể thông cảm được. Bởi vì việc làm này vô tình phá vỡ hoàn toàn cái tam giác ba yếu tố cốt lõi quyết định nên tính sáng tạo của một cá nhân, trừ phi gia đình của cậu bằng cách nào đó "bứng" cậu tới một nhà trường và một bối cảnh văn hóa khác thích hợp hơn!
Mỗi đất nước ở thời nào cũng có những đứa trẻ mang những mầm mống tài năng đặc biệt nhưng để đào tạo ra được những người lớn xuất chúng thì cần phải có một nhà trường thấu hiểu con người và một bối cảnh văn hóa thuận lợi.
[1] Tham khảo bản dịch tiếng Việt nhan đề Cơ cấu trí khôn do Phạm Toàn dịch, nxb Tri thức ấn hành tháng 5 năm 2012.
theo Phạm Anh Tuấn
VietnamNet