Trăn trở về 3 vụ án nâng điểm khi kết thúc phiên tòa
(Dân trí) - Mức án dành cho các bị cáo trong vụ án nâng điểm ở Sơn La tỏ ra nghiêm minh, khiến dư luận không thể không so sánh giữa các vụ án.
Vụ án ở Sơn La có đặc điểm khác biệt so với 2 vụ án kia. Trong phiên tòa sơ thẩm lần đầu, chỉ có 8 bị cáo, khi tòa trả lại hồ sơ yêu cầu điểu tra bổ sung thì đến xử sơ thẩm lần này lên tới 12 bị cáo.
Theo cáo trạng, trong đó có tới 7 bị cáo bị cáo buộc tội đưa và nhận hối lộ. Đáng chú ý, trong số đó có cựu thượng tá Nguyễn Minh Khoa ( Phó phòng An ninh Chính trị nội bộ, CA tỉnh) bị đề nghị 12- 13 năm tù về tội đưa đối lộ và bị cáo Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí, là phó Ban Chấm thi kiêm phụ trách chấm môn tự luận) bị đề nghị 23- 25 năm về tội nhận hối lộ và “lợi dụng chức vụ...”.
Tại cơ quan điều tra, bị can Huynh từng thừa nhận nhận hối lộ 1 tỉ đồng của Khoa, nhưng ra tòa đã phản cung. Còn cựu thượng tá Khoa cương quyết chối tội ngay từ đầu, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hành vi đưa hối lộ và đòi tòa tuyên vô tội.
Sáng 29.5, khi bản án của tòa án Sơn La tuyên được dư luận khá đồng tình với những luận điểm luận tội xác đáng các bị cáo. Trong đó, phân biệt mức án rất rõ nét với những đối tượng cầm đầu, ngoan cố với những vị dạng “đầu sai”, thành khẩn.
Trong đó, bị cáo Lò Văn Huynh bị kết án 21 năm tù cho cả hai tội danh nhận hối lộ và “lợi dụng chức vụ ...”; Cựu thượng tá Nguyễn Minh Khoa bị 8 năm tù vì tội đưa hối lộ. Trong khi đó, hai bị cáo Hoàng Thị Thành và Lò Thị Trường thành khẩn nhận tội “đưa hối lộ”, bị kết án lần lượt là 3 năm và 30 tháng tù nhưng được hưởng án treo và được trả tự do ngay tại tòa.
Từ vụ án này nhìn lại cả 3 vụ án, thì vụ án ở Hà Giang có một số điểm khác biệt, khiến dư luận chưa tâm phục, khẩu phục.
Hà Giang là nơi có số thí sinh được nâng điểm nhiều nhất (117), trong đó có những thí sinh được nâng điểm nhiều nhất, lên đến 29,95 điểm cho 4 môn thi, nhưng số bị cáo lại ít nhất, chỉ có 5 bị cáo. Đặc biệt, không có bị cáo nào bị khởi tố về đưa và nhận hối lộ.
Điều dư luận băn khoăn nhất ở Hà Giang là tỉnh duy nhất dính một loạt quan chức đứng đầu tỉnh cùng có con được nâng điểm: Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên ... Vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh liệu có thể “thẳng tay” với các “sếp” của mình?
Bức xúc dư luận hơn là, con gái ông Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng được nâng điểm, nhưng lỗi lại do vợ ông đã tác động đến em chồng!? Một cách đổ lỗi mà dư luận chỉ thấy quá hài.
Không chỉ vậy, bà Triệu Thị Chính, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang được phiên tòa phúc thẩm giảm án từ 24 tháng tù xuống 15 tháng khiến dư luận càng ngỡ ngàng. Bởi lẽ, tại biên bản làm việc với đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT, bà Chính thừa nhận việc nhờ cấp dưới nâng điểm cho 13 thí sinh. Nhưng tại cơ quan điều tra bà Chính khai rằng, chỉ nhờ xem điểm cho 13 thí sinh, không nhờ nâng điểm. Thực tế các thí sinh đó đều được nâng điểm. Do đó, đây phải coi là hành vi ngoan cố, chối tội. Mặt khác, là người có chức trách quyền hạn, lại nhờ thuộc cấp nâng điểm, mức án 24 tháng của bị cáo Chính đã là quá nhẹ so với các mức án của thuộc cấp, nay lại được giảm án khiến dư luận càng khó hiểu.
Nếu so sánh ngay với mức án của ông Trần Xuân Yến (Sơn La), cùng chức danh Phó Giám đốc sở GD ĐT như bà Chính (Hà Giang) sẽ thấy rất rõ.
Cả hai đối tượng này cùng nhờ thuộc cấp “xem điểm” hộ cho 13 thí sinh ( trong danh sách của ông Yến, có 8 thí sinh là của ông Giám đốc sở chuyển cho), cùng không trực tiếp tham gia sửa bài, nhưng bà Chính chỉ bị tuyên 24 tháng tù, đến phúc thẩm chỉ còn 15 tháng, trong khi đó ông Yến bị tuyên tới 9 năm tù. Tất nhiên, so sánh kiểu gì cũng khó tránh khập khiễng, chẳng hạn ông Yến còn có hành vi chỉ đạo cấp dưới xóa dấu vết. Nhưng bản án quá chênh lệch giữa hai đối tượng có chức quyền này khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Mặt khác, một số đối tượng từ việc giám đốc Sở GD ĐT nhờ Phó Giám đốc Sở nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh cho tới những vị Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội cũng nhờ “xem điểm” cho con, nhưng tất cả chỉ dừng ở mức kỷ luật, kiểm điểm!? Đặc biệt, không một ai bị cách chức, chứ đừng nói gì đến truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi một số bị cáo trong các vụ án này, cũng vì chạy chọt, hối lộ để xin nâng điểm cho con lại bị khởi tố. Vậy, cứ chối tội trơn tuột, chỉ nhờ xem điểm, hoặc “hối lộ” bằng uy quyền lại vô tư ư? Dư luận không thể hiểu nổi.
Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD& ĐT Sơn La đưa thông tin 8 thí sinh cho cấp phó là ông Yến để nâng điểm cũng chỉ bị xử lý hành chính, còn ông Yến lại bị tù đến 9 năm!? Vậy đâu là lẽ công bằng, nếu chỉ so sánh giữa 2 vị giám đốc và phó giám đốc này?
Vương Hà