Trải thảm đỏ cho chất xám và tuổi trẻ

Học sinh thi đỗ thủ khoa các trường đại học xứng đáng được tuyên dương. Nhưng khen chưa đủ, mà phải có phần thưởng xứng đáng, đủ để chắp cánh cho các em bay cao, bay xa.

Đã có nhiều chương trình, đề án tuyển chọn người đi du học, nhưng thường không phải là từ thi cử mà đề cử, cho nên có khi người trung bình được đi còn người giỏi ở lại. Tại các kỳ thi đại học, thí sinh trải qua cuộc sát hạch gắt gao, công bố điểm công khai. Vì vậy, tuyển chọn các em thủ khoa để cấp học bổng học đại học trong hoặc ngoài nước là công bằng.
 

Nhà nước đã có chính sách cấp học bổng du học cho thủ khoa 30/30 và một số tiêu chuẩn tương tự, tuy nhiên vẫn còn chưa tương xứng với nguồn tài nguyên chất xám này. Có rất nhiều ngành học rất khó đạt điểm tuyệt đối, nên khó có cơ hội nhận học bổng du học. Cho nên, cần có chính sách hỗ trợ  phù hợp, hiệu quả cho các em bật lên trong môi trường học vấn. Phần thưởng này sẽ là nguồn động viên không chỉ đối với người thụ hưởng, mà tác động tích cực đến các thế hệ học sinh. Học giỏi không chỉ có danh dự, mà còn nhận được phần thưởng giá trị tính bằng sự nghiệp.

 

Nhìn lại đợt thi Olympic quốc tế vừa qua, các em học sinh đoạt huy chương cũng được vinh danh, nhưng phần thưởng hết sức nghèo nàn. Như với các em thi môn hoá học, huy chương vàng nhận được tổng cộng 25 triệu đồng, huy chương bạc nhận được 17 triệu đồng và huy chương đồng nhận được 12 triệu đồng cho mỗi giải thưởng. Trong khi đó, đối với vận động viên VN tham gia thi đấu thể thao Olympic, có môn treo giải thưởng cho huy chương vàng xấp xỉ 1 tỉ đồng. Cũng là thi Olympic quốc tế, nhưng hai sân đấu khác nhau quá xa về phần thưởng. Các doanh nghiệp hào phóng  tặng thưởng cho cơ bắp và chân dài là rất quý hoá, những tưởng cũng nên dành sự quan tâm cho những cái đầu thông minh để đất nước mình khá hơn.

 

Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO thuộc LHQ) vừa công bố bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu (chỉ số đổi mới/sáng tạo) năm 2012 và VN đứng thứ 76 trong tổng số 141 nước. Theo thống kê và so sánh vị trí của các quốc gia trên bảng xếp hạng này qua nhiều năm, thì VN luôn ở hàng trung bình và dưới trung bình. Các chuyên gia phân tích không ngại ngần đưa ra nguy cơ của một quốc gia bị “thiểu năng trí tuệ” nếu như không có các giải pháp kịp thời để cải thiện tình trạng của mình.

 

Khỏi cần kể ra thêm về chuyện bằng cấp học vị vô cùng nhiều của nước mình, vì chỉ thêm đau lòng. Nay xin bàn luận về chính sách chăm sóc nuôi dưỡng nhân tài để tránh cái họa “thiểu năng trí tuệ”. Nuôi dưỡng nhân tài không phải trải thảm đỏ để rước người đỗ đạt về, mà trải sẵn thảm đỏ để đưa người học giỏi bước vào con đường học thuật, giành các thứ bậc cao hơn trong khoa học, nghiên cứu để sau này phụng sự quốc gia.

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động