Trải lòng cùng thế hệ làm nên Dáng đứng Việt Nam

(Dân trí) - Tháng Bảy tri ân với biết bao cảm xúc về một thời máu lửa, đạn bom ác liệt và hình ảnh mãi mãi tuổi thanh xuân của lớp lớp anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc…Nhìn lại quá khứ hào hùng cũng là để ta vững tâm hơn tiến về phía trước.

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ (ảnh: Nguyễn Hương)
Tri ân các anh hùng, liệt sĩ (ảnh: Nguyễn Hương)

 

Uống nước nhớ nguồn

 

Hòa trong bầu không khí chung dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, mỗi dòng, mỗi chữ được bạn đọc nhắn gửi đều là sự tỏ bày trung thực, giản dị mà ấm áp tình người về mối quan tâm cùng tình cảm, trách nhiệm và niềm vinh dự của mình với các anh hùng, liệt sĩ cùng tất cả những người có công với quê hương, đất nước.

 

Gợi nhớ, gợi thương nhất có lẽ vẫn là những hình ảnh sống động của một thời để nhớ ấy qua những vần thơ sống mãi với thời gian, với bao thế hệ người VN…

 

“Xem những dòng này lại nhớ đến câu thơ:

 

 Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ

dưới sông còn đó bạn tôi nằm…

 

Thật là một thời oanh liệt mà chắc chỉ Việt Nam mới có. Xin tri ân các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước!” - Long:  longdangduc@yahoo.com

 

“Cháy màu hoa đỏ hoàng hôn

Nhẹ chèo sóng nước vẫn còn máu xương

Càng yêu tha thiết quê hương

Càng cương quyết giữ biên cương biển trời!” - HNLQT-NTT:  nttbk97@yahoo.com

 

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được thể hiện sống động qua mỗi dòng tâm sự, sẻ chia…

 

“Hôm qua xem chương trình trên TV, lại thấy bùi ngùi xúc động. Tên các anh đã thành tên đất nước Việt Nam. Những con người bình thường mà quá đỗi cao quý, anh hùng. Những thế hệ đi sau luôn ghi nhớ công ơn của các anh, các chị - những người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì đất nước Việt Nam hôm nay” - Ánh:  anhlc1980@yahoo.com

 

“Cảm ơn các bác, các chú, các cô đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ nền hòa bình cho đất nước. Để chúng cháu lớn  lên mà  không phải khổ sở vì chiến tranh, được cắp sách đến trường, được ngủ ngon, được có cơm ăn áo mặc... Từ thẳm sâu trong tâm mình,  chúng cháu cảm  ơn các bác, các cô, các chú rất nhiều” - Bồ Công Anh:  nguyen.hue.nk@gmail.com

 

“Tôi thật sự xúc động khi xem những hình ảnh này. Từ thẳm sâu trong trái tim mình, tôi xin chân thành cảm ơn các chú, các bác đã hi sinh thầm lặng, quên cả tuổi trẻ của mình để góp phần cho hòa bình, thống nhất đất nước. Là người con sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi luôn rất tự hào mình là người VIỆT NAM. Và tôi tin rằng các bạn trẻ bây giờ khi nhìn lại những công lao mà các cô, chú, bác đã phấn đấu quên mình cho đất nước VN độc lập, tự do... thì càng phải quyết tâm sống sao cho thật có ích. Và cũng sẽ phấn đấu để trở thành những con người biết cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời hiện đại hôm nay” - Đinh Thị Tuyết:  dinhtuyet69@yahoo.com.vn
 
Dòng sông hoa bên đôi bờ Thạch Hãn (ảnh: nguồn TW Đoàn)
Dòng sông hoa bên đôi bờ Thạch Hãn (ảnh: nguồn TW Đoàn)

 

Chuyện cổ tích thời đạn bom

 

Đặc biệt, câu chuyện trở về từ cõi chết của bác thương binh Phạm Quốc Phòng (62 tuổi, ở Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), từng chiến đấu ở “chảo lửa” Quảng Trị. Cùng cái kết đẹp như cổ tích dành cho tình yêu và sự thủy chung chờ đợi như một biểu tượng “hòn Vọng Phu” thời đạn bom của người vợ trẻ Ngô Thị Lan nơi hậu phương, đã làm dấy lên niềm xúc động của các đồng đội, người con, người cháu và người dân.

 

“Không phải chuyện cổ tích mà như cổ tích, không phải là giấc mơ mà như giấc mơ. Tôi không chỉ khâm phục người lính dũng cảm, mà còn khâm phục người vợ với niềm tin vĩ đại. Chị là bông hoa đẹp, chị là bài ca đẹp... Tôi không phải là nhà văn, nhà thơ mà muốn viết hàng nghìn lời văn, lời thơ ca ngợi chị. Ôi, ngày nay có người vợ trẻ nào được như chị vậy chăng...” – Nguyễn Thị Tuyết: nguyenthituyetvb@gmail.com

 

“Thật đáng khâm phục bác Phòng và cả bác Lan - người vợ thân yêu của bác. Ngàn lần xin gửi tới hai bác lòng cảm ơn sâu sắc về bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, cùng sự hy sinh thầm lãng của một người vợ, một người phụ nữ Việt Nam. Nhân Ngày Thương binh liệt sỹ,  qua phương tiện thông tin đại chúng, được biết Nhà nước ta đã tổ chức long trọng ngày này trên phạm vi cả nước cũng như các địa phương. Để tiếp tục giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay có ý thức nhận thức về  những hy sinh mất mát của các thế hệ ông cha… Chúc sức khỏe đại gia đình bác…” - Trần Văn Lan:  lancongthuonghn@gmail.com.vn

 

“Thật cảm động trước tinh thần người lính! Dũng cảm, kiên cường, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Cảm ơn bác! Cảm ơn các mẹ, các chị, các anh - những người chiến sỹ  anh hùng một thời đã quả cảm sống, chiến đấu hết mình vì hòa bình, tự do cho dân tộc Việt Nam!” - Đỗ Thị Hoàn:  hoan11022@gmail.com

 

“Đọc bài này hay quá, cảm động quá, nổi hết cả gai ốc lên… Đúng là người chiến sĩ cách mạng Việt Nam dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Cảm ơn các bác, các chú vì đã đóng góp máu xương giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chúc bác luôn mạnh khỏe và vui vẻ, sống lâu trăm tuổi bác nhé!” - Huyền:  huyentran27051990@gmail.com

 

“Thật kì diệu. Chúc bác và gia đình mãi mãi hạnh phúc. Chúc bác thiệt nhiều sức khỏe !” - Nga:  Bichnga.ng0112@gmail.com

 

Tấm gương về người chiến sĩ cũng là cội nguồn khơi gợi nên trong lòng ta hình ảnh những người thân, người bạn, người quen hay đơn giản chỉ là một người nào đó từng gặp thoáng qua trong thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” oai hùng ấy:

 

“Giá như bác của con cũng được như bác Phòng, thì bây giờ bác con cũng trạc tầm tuổi bác. Nhưng bác con đã mãi mãi để lại tuổi 20 ở chiến trường ác liệt. Gia đình con đã mang hài cốt của bác về quê. Nhưng dường như nỗi đau mất đi người thân yêu vẫn không nguôi ngoai trong trái tim của cả gia đình. Mỗi lần nghĩ là con lại không kìm được nước mắt, thương bác thật nhiều. Cả nhà đều vẫn rất thương và nhớ bác...” - Phương Vy:  Phngvyvy@gmail.com

 

“Bố cháu cũng giống như bác, cũng bị địch bắt, bị tù đày và cũng có giấy báo tử. Nên cháu rất hiểu về những nỗi gian khó và truân chuyên của thời kỳ đó. Cháu chúc bác luôn mạnh khỏe và hạnh phúc” – Duc Luyen:  ducluyen82@gmail.com

 

“Chức mừng bác đã trở về từ cõi chết. Bố cháu cũng vậy, cũng đã có giấy báo tử… Bố cháu cũng bị địch bắt, giam cầm và tra tấn trong trại giam Phú Quốc 4 năm rưỡi. Sau khi trao đổi tù binh, bố cháu đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình” - Ngoc Minh:  ngocminh5579@gmail.com

 

“Chúc bác nhiều sức khỏe! Ông của cháu cũng bị thương vào chân như bác, nhưng ông lại không được may mắn như bác! Ông đã mãi mãi ra đi không trở lại với chúng cháu...  46 năm ông nằm lại nơi chiến trường Tây Nguyên ác liệt, năm ngoái gia đình cháu mới đưa được hài cốt ông về yên nghỉ ở quê nhà. Nhân ngày 27/7, xin thắp nén nhang tri ân tất cả các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc! Ông ơi, cháu không về được nơi đó.....” - Phạm Tuyết Mai:  maiphamtuyet.tb@gmail.com

 

“Có lẽ không gì may mắn hơn trường hợp của chú Phạm Quốc Phòng. Trường hợp của bố cháu cũng giống như chú. Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi công các anh hùng liệt sỹ và ghi nhận những hy sinh, đóng góp lớn lao của những con người như chú Phòng!” -  Phạm Văn Huyên (Hải Phòng):  pham_huyenvms@yahoo.com

 
Dòng sông hoa đỏ (ảnh: Nguyễn Hương)
 
"Dòng sông hoa đỏ" (ảnh: Nguyễn Hương)
 

Dư âm Thành cổ...

 

Và hồi ức được một bạn đọc gợi lên về vùng đất Máu và Hoa Quảng Trị lại càng đào xới sâu hơn, khơi dậy những nỗi niềm vẫn lắng đọng đâu đó trong những góc xa nhất, sâu nhất tận đáy lòng mỗi người…

 

“Một thời lửa đạn đã qua đi nhưng những vết thương, mất mát mà nó để lại thì còn mãi nơi đây - trên đất Mẹ yêu dấu, trong trái tim mỗi con người VN ta. Thế hệ trẻ ngày nay hãy sống sao cho xứng đáng với những người đã khuất, với những con người không tiếc máu xương để góp phần mang lại cho chúng ta cuộc sống ấm lo, hạnh phúc hiện tại. Xin gửi lời tri ân đến các anh hùng, liệt sĩ” – nick Quảng Trị - một thời máu và hoa:  ngocxuyendu@gmail.com

 

“Vẫn biết chiến tranh đã đi qua hơn 37 năm rồi. Vẫn biết Quảng Trị và nhiều nơi khác trên dải đất miền Nam ruột thịt vẫn mãi là những mảnh đất kiên cường, bất khuất...đã thấm đẫm máu và nước mắt để làm nên Ngày Chiến thắng... Vậy mà khi đọc những dòng này sao vẫn xúc động thế... Diệu Ái viết như một bài văn hay, xúc động, nghẹn ngào đến trào nước mắt. Tôi cũng đã đôi lần qua những miền quê Quảng Trị, để rồi mới biết Hiền Lương, Dốc Miếu, Cồn Tiên...những địa danh thân thuộc khi học những bài lịch sử từ thủa học trò. Cảm ơn Diệu Ái đã có một bài viết hay để nhớ về quê hương Quảng Trị Anh hùng” - Thu Huyền:  huyen@gmail.com

 

“Tôi là lính trinh sát của tiểu đoàn 808 Tỉnh đội Quảng Trị, trực tiếp đánh Thành Cổ vào những ngày cuối cùng. Khi đó còn khoảng 10 ngày nữa là ta có lệnh rút khỏi Thành Cổ, thấy có một bác sỹ của một đơn vị bị thương vào đầu rất nặng. Tự anh biết nếu ra Bắc thì cũng không đến nơi vì sẽ chết trước đó, nên anh tình nguyện ở lại. Anh nằm ngay sát mép nước dưới gốc cây gần bến vượt Dinh Tỉnh trưởng, gửi lại những lời sau: "Tôi biết là không thể qua khỏi nên nhường không lên thuyền đi ra hậu phương chạy chữa nữa, nằm lại đây kêu gọi các đồng chí sang trả thù cho tôi". Cứ lặp đi, lặp lại ngày nọ sang ngày kia cho đến khi đồng chí đó tắt thở. Tôi cũng không còn nhớ được tên của người bác sỹ ấy, ai có thể biết thì tốt quá” - Vũ Minh Hà:  vuminhha_54@yahoo.com

 

“Thắp nến tri ân - Cầu chúc cho linh hồn các chú, các anh yên nghỉ nơi vĩnh hằng - Cầu chúc cho các Mẹ mãi mạnh khỏe! "Xin hát về người đất nước ơi/Xin hát về Mẹ Tổ quốc ơi..." - Thành Vinh Nguyễn:  thanhvinh.cdb@gmail.com

 

Với thế hệ chúng tôi, mỗi dịp tháng Bảy tri ân lại càng gợi nhớ tới hình ảnh những người chiến sĩ tên tuổi "đã thành tên đất nước”, thể hiện thật sống động qua những vẫn thơ ai cũng thuộc nằm lòng:

 

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng…

 

… Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:

Anh là chiến sỹ giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước…”

 

(trích “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ  Lê Anh Xuân)

 

Thanh Nguyễn