Trách nhiệm từ gốc

(Dân trí) - “Ở đâu để tội phạm lộng hành, nhởn nhơ, gây tổn thất cho nhân dân thì Bí thư, chủ tịch UBND và thủ trưởng cơ quan công an địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Tuyệt đối không để tồn tại tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay tội phạm”.

Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” diễn ra ngày 5/12.

 

Tội phạm ngày càng lộng hành, tàn bạo. Nhiều vụ cướp giật bị dân phát hiện, truy đuổi, chúng quay lại trả thù dã man. Người dân sợ hãi bọn cướp giật. Người lương thiện không an tâm khi ra đường, bởi vì chỉ cần một vụ va quệt xe, những tên côn đồ sẵn sàng phang mã tấu vào người bị chúng tông phải. Tội phạm tràn lan, đương nhiên thuộc về trách nhiệm của công an và lãnh đạo địa phương.

 

Chưa kể đến những vụ trọng án cướp của giết người, hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, người dân quá khổ sở vì bọn ăn cắp phụ tùng ô tô. Xe đậu bất cứ đâu, chỉ cần chớp mắt là mất kính, lô gô, cần gạt nước, thậm chí là bị tháo luôn cả bốn bánh. Loại tội phạm này “đông  như quân nguyên”, hang cùng ngõ hẻm nào cũng có, không biết đâu mà đề phòng. Phụ tùng chúng ăn cắp được được quy về các khu chợ, bày bán công khai. Người bị mất ra các chợ đó là có thể mua lại chính phụ tùng của xe mình. Để cho trộm cắp hoạt động táo tợn, có luôn cả chợ bán đồ gian. Bọn ăn cắp phụ tùng ô tô sờ sờ trước mặt, bọn bán đồ ăn cắp bày chợ giữa thanh thiên bạch nhật. Rõ ràng công an đã làm chưa tốt trách nhịêm của mình.

 

Người dân có quyền đòi hỏi được sống bình yên và chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm yêu cầu chính đáng đó. Bộ máy chính quyền hoạt động là bằng nguồn thuế từ dân, hay nói đúng hơn, dân trả tiền lương để cán bộ, viên chức, công an phục vụ và bảo vệ nhân dân. Cho nên ở các địa phương để xảy ra quá nhiều trọng án, tội phạm uy hiếp, cướp đoạt tài sản và đe dọa tính mạng người dân thì chứng tỏ lãnh đạo của chính quyền và công an địa phương nơi đó không hoàn thành trách nhiệm.

 

Tuy nhiên, trách nhịêm của lãnh đạo chính quyền, công an là trách nhịêm về quản lý, trấn áp tội phạm, còn cái gốc vẫn là trách nhiệm để cho tội phạm nảy sinh. Cái gốc đó là gia đình, là giáo dục. Trên thực tế, ngoài những tên tội phạm “có số”, còn lại rất nhiều những loại côn đồ mới vào “nghề”. Đó là những cậu ấm cô chiêu lêu lổng, đua xe, chích hút. Từ thói đua đòi ham chơi đến trở thành tội phạm chỉ là một bước chân. Bất lực từ gia đình dẫn dén bất lực xã hội. Cho nên, nếu gia đình không giáo dục con cái tốt thì không có đủ công an để ngăn chặn tội phạm.

 

Lê Chân Nhân