Trả lại nhà cho Đảng
Tiếp xúc cử tri quận 4 - TPHCM (ảnh), Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói như bộc bạch tâm sự tự đáy lòng: ''Các đồng chí bầu tôi, tôi biết phải làm gì. Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ.
Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.
Lời nói của Chủ tịch Nước làm xúc động lòng người. Dân biết rất rõ những lời nói thật và việc làm thật, nên rất chia sẻ tấm lòng của người đứng đầu Nhà nước. Dân biết rõ cán bộ lãnh đạo nào thanh liêm, ai là người vun vén cho cá nhân, nên có niềm tin chân thành vào người chính trực. Cho nên, trên báo chí, cộng đồng mạng, dân chúng bày tỏ niềm vui, cảm xúc bằng những lời giản dị nhưng hết sức chân thành.
Theo dõi các buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Nước, sẽ thấy người dân bày tỏ mối quan tâm, nỗi bức xúc, thậm chí rất gay gắt với hiện trạng tham nhũng. Tất cả các câu hỏi đều được Chủ tịch Nước giải đáp kỹ lưỡng, có không ít điều Chủ tịch Nước nêu quan điểm sẵn sàng nhận những lời phê phán của dân. Quả thực hình như đã rất lâu rồi, trong không khí chung của đất nước mới có được sự đồng cảm, gần gũi và dân chủ giữa cán bộ lãnh đạo với người dân như vậy.
Không khí chính trị và tinh thần dân chủ đó lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội. Vì vậy, chắc chắn có sự tác động mạnh mẽ đến không ít cán bộ, đảng viên từ đương chức cho đến nghỉ hưu. Vị Chủ tịch Nước sống thanh bạch, giản dị, tuyên bố trả lại căn nhà nhỏ của mình cho Đảng để về quê sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy thì, có lý gì những cán bộ khác không noi gương? Những ai lợi dụng vị trí mà Đảng và nhân dân giao phó để làm giàu bất chính, chẳng lẽ lại không hổ thẹn ở trong lòng?
Phát biểu trước Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, cử tri Trần Minh Quang (phường Bến Thành – Q.1) thẳng thắn: “Ngày xưa thâm cung bí sử, còn bây giờ (xin lỗi), ông Trương Tấn Sang tốt hay xấu dân biết hết”. Trong câu nói của vị cử tri này chứa đựng sự tin tưởng và kính trọng Chủ tịch Nước, lòng dân và trí dân là như thế. Điều này đồng nghĩa rằng, chẳng ai giấu được dân những việc làm xa dân, không có ích lợi cho dân.
Làm lãnh đạo cao cấp, được dân kính trọng, tin tưởng, ghi ân thì dù có về quê sống thanh bần như Chu Văn An, Nguyễn Trãi thì cũng hạnh phúc, thanh thản. Còn ngược lại thì dù có dinh thự cao sang, cũng chỉ là nỗi hổ thẹn của một đời người. Bài học đó lịch sử không thiếu, nhưng để học và làm được thật không dễ.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động