Bạn đọc viết:
Tình Mẹ trong giáo dục
(Dân trí) - Thầy cô hãy là người bạn thân thiết nhất của học trò; cha mẹ hãy là người bạn tâm tình của con trẻ. Muốn vậy, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo cần hiểu rõ hơn tâm lý tuổi mới lớn. Hãy rộng lượng và sẻ chia, làm bạn với trẻ...
Trong trường Sư phạm, có một môn học chung cho tất cả các ngành đào tạo nhưng lại chiếm vị trí quan trọng đặc biệt: đó là Tâm lý học. Mặc dù tất cả giáo sinh Sư phạm đều được học tâm lý, nhưng khi ra công tác không phải ai cũng có được những ứng xử tâm lý với học sinh trong các tình huống cần thiết. “Tình mẹ” trong nhà trường sẽ giúp các em vượt qua mọi khó khăn về tâm lý, nhất là ở tuổi mới lớn.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành giáo dục được coi là một trong những ngành được tôn vinh trong xã hội. Cũng không phải không có lý do mà khẩu hiệu “Cô giáo như mẹ hiền” của ngành giáo dục được toàn dân hưởng ứng. Nhưng trong thực tế bây giờ, đạo đức phần nào bị xuống cấp nên sự “tôn sư trọng đạo” bị lơ là. Cũng như một số “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục đã làm mất dần bản chất của khẩu hiệu “Cô giáo như mẹ hiền”. Cũng cần nói đến vai trò của giáo dục gia đình và sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục ngày nay.
Trước khi có mấy điều luận bàn, xin được nhắc lại hai câu chuyện:
+ Câu chuyện thứ nhất: Gần đây, dư luận rất bức xúc và hết sức bất bình khi mạng xã hội Yahoo đưa tin: Cháu N.T. K.L. (2 tuổi rưỡi) ở trường mầm non HTL, thành phố Vinh, Nghệ An bị cô giáo phụ trách lớp N.T.T.H. lấy thước đánh vào mặt phía bên má trái. Lý do rất đơn giản chỉ vì cháu mới nhập học được 3 ngày mà không chịu ngủ trưa (theo lời cô giáo). Tại bệnh viện Nhi Nghệ An, các bác sĩ kết luận cháu bị sang chấn vùng mặt đồng thời cho cháu chụp X quang và kê đơn thuốc. Cô giáo H. cũng bị người nhà đưa đến trình báo với công an.
+ Câu chuyện thứ hai: Cái chết của ba học sinh lớp 7 (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Lê Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung) trường THCS Phan Chu Trinh, tỉnh Đắk Nông xảy ra ngày 17/3/2012 dường như đã được chuẩn bị từ trước. Cả ba là bạn thân của nhau, học lớp 7A2, cùng học khá, giỏi. Theo cô giáo chủ nhiệm, “ở trường các em rất ngoan”, nghe lời thầy cô và chuyên cần trong học tập. Ở nhà cũng rất ngoan, thường xuyên phụ giúp gia đình, nghe lời ông bà, cha mẹ. Thời gian vừa qua cũng không có biểu hiện gì thay đổi. Gia đình không nghe thầy cô phán ảnh thêm gì về các em.
Điều đáng nói ở đây là sau khi các em mất, gia đình Hạnh tìm thấy trong cặp em có cuốn nhật ký “những bí mật không thể bật mí” được ghi trong cuốn vở từ học kỳ 2, năm lớp 7. Trong đó kể về những niềm vui, nỗi buồn trong mối quan hệ bạn bè. Những suy nghĩ riêng và nỗi buồn không chia sẻ cùng ai. Trong một trang nhật ký, Hạnh viết: “Sắp đến ngày chia tay cuộc đời, mình sẽ có một thế giới mới”. Người thân em Hạnh cho hay: “Gia đình rất bất ngờ khi đọc được những thông tin của em trong cuốn nhật ký, nó khác xa so với những biểu hiện của em ở gia đình, khi gặp gỡ nói chuyện với người thân”. Còn trong cuốn nhật ký của Nhung được viết năm 2010 và cả trong cuộc sống đời thường mà theo cô Nhài giáo viên chủ nhiệm cho biết thì “hai năm nay Nhung có tư tưởng chán chường, do hoàn cảnh gia đình”.
Cái chết của các em đã để lại nỗi bất hạnh to lớn cho gia đình và thực sự là sự việc đáng báo động cho gia đình và nhà trường trong quá trình tiếp cận, giải quyết tâm lý cho trẻ bước vào tuổi mới lớn.
Mấy lời bàn:
1/. Giáo viên dạy giỏi khác với “Thợ dạy học lành nghề”
Đã nhiều năm làm nghề dạy học, biết bao lớp học trò đã trưởng thành. Giờ đây khi đã là một nhà quản lý giáo dục, tôi nhận thấy: Với người thầy kiến thức giỏi đến đâu mà không tâm lý cũng chỉ là “thợ dạy học lành nghề” mà thôi. Điều quan trọng là phải có những hiểu biết cần thiết về tâm lý và vận dụng tốt vào công việc. Tôi rất không đồng tình với việc tuyển giáo viên học các ngành đào tạo ở trường đại học khác, mà chỉ cần qua 3 tháng có chứng chỉ sư phạm là có thể phân công dạy như một người học mấy năm trong trường sư phạm. Về kiến thức có thể họ chuyên sâu hơn, nhưng nghề dạy học lại rất cần hiểu tâm lý, nhất là dạy phổ thông.
Người thầy dạy học cần có tình người, tình mẹ. Một người bạn tôi đi nước ngoài về kể cho tôi nghe về giáo dục ở nước họ. Anh tâm đắc nhất khẩu hiệu ở cổng một ngôi trường phổ thông: “Hãy trao cho tôi một người con, tôi sẽ trao cho xã hội một con người”. Rõ ràng, dạy học khác với mọi nghề khác bởi sản phẩm của nghề dạy học là con người. Một người thợ có thể biết sản phẩm của anh ta như thế nào ngay sau khi hoàn thành công việc trong vòng một thời gian (có thể là 1 giờ hoặc 1 năm). Nhưng sản phẩm giáo dục (là con người) thì phải sau nhiều năm mới có thể khẳng định được. Một người thợ vụng có thể cho ra một sản phẩm tồi, nhưng nếu một người thầy kém (về cả chuyên môn lẫn đạo đức) có thể làm hỏng cả một thế hệ. Việc dạy học đâu chỉ có đơn thuần dạy kiến thức mà còn phải dạy các em cách làm người, trong đó chủ yếu tác động đến hình thành nhân cách, nhất là ở lứa tuổi THCS.
Trường hợp cái chết của 3 học sinh lớp 7 trường THCS Phan Chu Trinh, tỉnh Đắk Nông vừa nêu trên, theo tôi có phần chứng tỏ sự thờ ơ thiếu quan tâm của gia đình và thầy cô giáo đến đời sống tâm lý tình cảm của các em. Có thể thầy cô không quát mắng, có thể thầy cô không là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết ấy. Nhưng nếu như biết quan tâm hơn, biết vận dụng kiến thức tâm lý để thể hiện tình mẹ trong giáo dục, gợi mở để các em tâm sự cởi mở, giãi bày những tâm tư tình cảm đầu đời cũng như chia sẻ những nỗi niềm khi gia đình em gặp chuyện không may, thì hậu quả đau lòng có lẽ đã không xảy ra.
2/. Tình mẹ trong giáo dục
Trong câu chuyện thứ nhất về cháu K.L., giá như cô giáo mầm non có chút tình mẹ hơn thì sự việc đã không đi quá xa như vậy. Giờ đây cô giáo phải chịu kỷ luật, còn gia đình cháu L. mất hết niềm tin vào cô giáo. Và cháu L. sau này lớn lên chắc chắn sẽ còn bị ảnh hưởng tâm lý bởi sự việc khi mới hơn 2 tuổi đã bị cô giáo (lẽ ra phải là như mẹ hiền) đánh như vậy.
Ở câu chuyện thứ hai: Giá như gia đình có chút hiểu biết về tâm lý tuổi mới lớn, phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm lý của các em để chia sẻ. Giá như cô giáo chủ nhiệm khi phát hiện những biểu hiện “tư tưởng chán chường trong suốt 2 năm qua” có ngay biện pháp phối hợp với gia đình, chắc sự việc không có kết cục đau xót đến thế.
Qua hai câu chuyện trên, ta thấy tình mẹ trong giáo dục là rất cần thiết. Sự gần gũi thông cảm sẻ chia của những người thân như mẹ hiền sẽ giúp các em lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Nhất là tâm lý dao động khi ở tuổi mới lớn nảy sinh nhiều khúc mắc đầu đời, cần được giúp tư vấn tháo gỡ. Người thầy/cô giáo phải thực sự là người cha/mẹ thứ hai, thậm chí gần gũi hơn cha/mẹ bởi học trò tuổi mới lớn tin tưởng thầy cô là người có kiến thức, học rộng và hiểu biết nhiều, có thể là chỗ dựa tư vấn giúp các em.
Tôi đã từng được nhiều học trò nhờ tư vấn những chuyện mà ngay cả mẹ ruột các em cũng không dám nói. Đó là chuyện tình cảm đầu đời của tuổi mới lớn. Nếu nói ra các em sợ bố mẹ mắng chửi, cấm đoán, thậm chí còn có thể nhục mạ hoặc bêu riếu khiến các em xấu hổ. Trên thực tế đã có những em tự tử hoặc bỏ nhà đi “bụi” chỉ vì những hiểu lầm đáng tiếc của gia đình, chỉ vì tình bạn bị “nói quá lên” là tình yêu và bị mắng “mới nứt mắt ra…” làm các em mất thể diện.
Tôi rất tâm đắc với một khẩu hiệu ở trường mầm non Song Phượng (Đan Phượng - Hà Nội) nhắc nhở các cô bảo mẫu: “Chưa làm mẹ, nhưng chứa chan tình mẹ. Bởi yêu nghề, nên quý lớp măng non”. Khẩu hiệụ này nhắc nhở thầy cô giáo, đặc biệt là cô giáo mầm non cần có tình mẹ hơn.
Rõ ràng, với trường hợp cháu K.L. mới vào lớp được 3 ngày, mọi thứ đối với cháu đều lạ lẫm. Việc ngủ trưa có thể chưa quen, hoặc cháu còn lạ khi đang ngủ trưa với bà, với mẹ, bây giờ nằm cùng nhiều bạn nên không ngủ được. Cô giáo phải như người mẹ hiền dỗ dành cháu ngủ, nựng nịu cháu vâng lời. Đằng này cô H, lại dùng thước đánh cháu tới mức phải đi viện khám thì quả thật tình mẹ trong cô đã mất đi rất nhiều. Cô giáo mầm non còn được gọi bằng cái tên trìu mến là “bảo mẫu”, vậy các cô phải làm gì để xứng đáng với cái tên bảo mẫu - người mẹ hiền - của mình?
Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đã từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi tình thầy trò: “Cô là người gieo ánh sáng cho chồi em sinh sôi. Cô là người khơi suối nước cho sông em lớn trôi”; “Bài học làm người em vẫn nhớ ghi: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”; “Thánh thót như tiếng đàn, dịu dàng như tiếng mẹ. Có bao điều mới lạ dạy em khôn lớn từng ngày. Lời cô là tiếng hát, mang ước mơ bay xa. Lời cô như tia nắng cho cuộc đời nở hoa”… Trên thực tế trong cuộc sống cũng có biết bao thầy cô giáo đã từng coi học sinh như con ruột mà chăm lo cho các em, sẻ chia bảo ban từng ly từng tý. Tình mẹ trong giáo dục thật đáng quý biết bao.
Nhưng cũng chính trong cuộc sống phức tạp của cơ chế thị trường, với sự phát triển như vũ bão của mạng internet, các em có thể kết bạn giao du với nhiều loại người cho dù các em chưa hề gặp mặt. Việc phân biệt kẻ xấu, người tốt chưa thể định hình. Trong khi đó áp lực của cuộc sống, của điểm số, của thành tích vẫn đang đè nặng lên vai các em. Những bon chen khó khăn của cuộc sống mưu sinh khiến cha mẹ đôi khi cáu gắt cũng phần nào ảnh hưởng đến các em, thì những biến đổi về tâm lý đang xảy đến hàng ngày trong các em là điều cha mẹ, thầy cô cần quan tâm để giúp đỡ, sẻ chia, tư vấn.
Thầy cô hãy là người bạn thân thiết nhất của học trò; cha mẹ hãy là người bạn tâm tình của con trẻ. Muốn vậy, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo cần hiểu rõ hơn tâm lý tuổi mới lớn. Cũng đừng nên áp đặt và so sánh “thời buổi ngày xưa” của chúng ta với bây giờ. Hãy rộng lượng và sẻ chia, làm bạn với trẻ!
Tình mẹ trong giáo dục đâu phải chỉ có ở những người mẹ, thầy cô. Trẻ em đang cần tình mẹ ở tất cả chúng ta.