Tiếp tục nghĩ và bàn về giáo dục
(Dân trí) - Trước nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục, việc cần quan tâm đầu tiên là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, chọn lọc và bổ nhiệm những người thật sự có năng lực chuyên môn và quản lý, có tư cách đạo đức tốt...
Đỗ Huyền Trinh:
Tôi rất bận, nhưng ngày nào tôi cũng quan tâm tới việc học của con, cháu và vào mạng chia sẻ nỗi lo lắng về giáo dục VN hiện nay mà những người thực tâm yêu nước, thương dân ngày đêm trăn trở.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng sư phạm còn thiếu minh bạch và công bằng, cho nên nhiều học sinh yếu kém về trình độ và thiếu tư cách đạo đức cũng được nhận vào đây, rồi lúc tốt nghiệp vẫn trở thành các thầy cô giáo vì có ô dù trong khi nhiều em tốt nghiệp đại học sư phạm loại khá giỏi lại bị thất nghiệp.
Các loại sách tham khảo in ra quá nhiều với mục đích kinh doanh, làm tốn tiền phụ huynh và gây rối kiến thức học sinh, còn làm cho học sinh lười suy nghĩ vì có sẵn lời giải của các loại bài tập và những bài văn mẫu...
Trước nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục, việc cần quan tâm đầu tiên là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, chọn lọc và bổ nhiệm những người thật sự có năng lực chuyên môn và quản lý, có tư cách đạo đức tốt vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong ngành như hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng giáo dục và giám đốc, phó giám đốc sở GD-ĐT, không để những kẻ cơ hội. vụ lợi hoặc kém năng lực giữ những chức vụ đó. Ở cấp Bộ GD-ĐT, các vụ, viện GD cũng cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, xem ai kém năng lực và thiếu tư cách, đạo dức cũng cần loại ra khỏi vị trí đương nhiệm.
(nguồn ảnh: internet)
Lê Đình Thuần:
Muốn thay đổi giáo dục cần thay đổi cách nghĩ cách làm : - khi bố trí một cán bộ lãnh đạo giáo dục cần thận trọng xem xét : năng lực, đạo đức, lối sống, không nên bố trí theo kiểu con ông A cháu bà B là “hạt giống đỏ” mặc dù học tại chức chuyên tu chưa dạy dược một giờ nào, chưa có kinh nghiệm thực tiễn thì không thể làm lãnh đạo. Chấm dứt việc chạy chức chạy quyền trong ngành giáo dục, có nhiều trường hợp giáo viên A bị tinh giảm biên chế ở trường này vì không có năng lực lãnh đạo nhưng lại bố trí làm hiệu trưởng trường kia. Cho nên trong giáo chức, thường có câu “nó dạy không được cho nó làm hiệu trưởng” để đỡ thiệt cho học sinh.
Không để xảy ra việc lấy tiền đút lót khi thuyên chuyển hoặc xin việc đối với giáo viên. Thường giá “mềm” nhất hiện nay là trăm triệu! Cấp cao hơn là các bác ở BỘ càng phải cân nhắc thận trọng hơn khi đề bạt cán bộ và nên giữ ổn định bộ máy quản lý. Về chương trình sách giáo khoa cũng vậy.Đừng để xảy ra tình trạng giáo viên chưa dạy xong SGK này lại thay SGK khác v .v…
“Thực trạng trong những năm qua cho thấy rõ điều đó. Muốn vậy trước hết ngành giáo dục phải thực sự căn bản đổi mới một cách toàn diện, mạnh mẽ để tạo ra một đội ngũ giáo viên giỏi, giàu lòng nhân ái. Sự nghiệp đổi mới giáo dục phải được đặt trong sự nghiệp đổi mới của Đảng - đất nước- và cả hệ thống chính trị - có như vậy nhân tài mới được trọng dụng, Sinh viên giỏi ra trường không còn lo đầu ra, xã hội không có hiện tượng tiêu cực (chạy chức, chạy quyền, chạy việc làm...) giáo viên giỏi yêu nghề ngày một nhiều...sự nghiệp đổi mới giáo dục mới thành công - bền vững” - Nguyễn Phước Cảnh |
Theo tôi, để làm chuyển biến tình hình giáo dục hiện nay, Bộ GD-ĐT cần quan tâm một số vấn đề sau:
1) Chất lượng cơ sở vật chất các trường học và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học, tổ chức các hoạt động trong nhà trường.
2) Chế độ tiền lương cho giáo viên để đảm bảo được cuộc sống, với đồng lương hiện tại, không thể yêu cầu đội ngũ giáo viên tâm huyết, toàn tâm toàn ý với nghề để nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học. Vì cuộc sống, vì gia đình, vì con cái, người giáo viên phải bươn trải nhiều nghề khác để kiếm sống, lấy đâu ra thời gian để chuyên tâm giảng dạy.
3) Cần cải tổ phương thức trả lương cho giáo viên, không nên trả lương theo kiểu tăng lương định kì mà nên áp dụng trả lương theo sản phẩm đào tạo, theo hiệu quả làm việc của giáo viên, không phân biệt giáo viên công tác lâu năm hay giáo viên mới ra trường, cứ dạy tốt, học sinh đạt hiệu quả cao, được cha mẹ học sinh tin tưởng thì trả lương cao. Giáo viên không có chất lượng, trả lương thấp. Kiểu trả lương hiện nay nảy sinh tình trạng, giáo viên có chất lượng cao thì lương thấp, giáo viên lương cao thì chất lượng lại thấp. Cư “sống lâu là lên lão làng”!
4) SGK, nội dung chương trình và chuẩn kiến thức kĩ năng của các cấp học là dành cho học sinh trên toàn quốc trong khi trình độ nhận thức và dân trí của từng vùng miền là khác nhau, do vậy Bộ GD không nên cứ chạy theo dư luận của xã hội mà cần đối mặt với dư luận để giải thích cho các tầng lớp nhân dân hiểu!
5) Bộ giáo dục và các ngành chức năng không nên lấy các trường ở thành phố để làm tiêu chuẩn, chúng ta hãy xuống xem thực tế các trường nông thôn và vùng sâu vùng xa xem, cơ sở vật chất các nhà trường, đời sống của giáo viên như thế nào? Liệu có đủ các điều kiện để thực hiện được phong trào " Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" không?
Trần Tâm:
Bài viết của Thầy Lanh là quá hay và chỉ đúng bệnh, như tôi cũng là một GV dạy học 28 năm nay càng ngày tôi thấy Giáo dục càng đi sâu vào việc "Hành là chính": bắt làm đủ mọi thủ tục,hồ sơ, sổ sách, sáng kiến kinh nghiệm...,rồi phong trào hội giảng v.v.... trong khi chất lượng GD ngày càng kém,đạo đức HS ngày càng xuống cấp... Nhiều khi muốn bỏ nghề cho rồi!nhưng ngặt một nỗi hồi giờ chỉ quen dạy học bây giờ nếu bỏ thì làm nghề gì đây khi tuổi đã già rồi! càng nghĩ càng thấy buồn.
Lạc Hoàn:
Muốn cải cách giáo dục có hiệu quả, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục đi đôi với xây dựng lực lượng cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giáo viên vừa có đủ năng lực chuyên môn vừa có tư cách, đạo đức tốt. Dù có cơ sở vật chất đầy đủ, CBGV chuẩn hoá, chương trình, SGK chuẩn, lương tăng mà kẻ giỏi, người tài cào bằng như hiện nay thì cứ trì trệ mãi. Phải có cơ chế đãi ngộ, sàng lọc, sa thải CBGV yếu kém về đạo đức, chuyên môn. Mỗi năm phải sa thải 3-5% đối tượng này bằng cách bắt nghỉ hưu trước tuổi hoặc hưởng chế độ thất nghiệp. Thi tuyển SV giỏi vào ngành. Đây là khâu đột phá. CBGV luôn phải phấn đấu rèn luyện, học tập nâng cao kiến thức, kỉ năng, nghiệp vụ để tránh bị sa thải. Đây là động lực để phát triển. 70 ngàn tỷ chi cho cải cách sắp tới hãy dành cho hoàn thiện đội ngũ. Thầy cho ra thầy thì trò sẽ ra trò, và dạy sẽ ra dạy, học sẽ ra học ngay. Mọi cái khác hay khoan đã. Hãy bắt đầu bằng sàng lọc người thầy.
Nguyễn Hùng:
Chúng ta thấy rằng hiện nay ngành giáo dục không phát triển đúng theo quy luật tương quan giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất .Ở đây QHSX chính là quản lý ngành quá lạc hậu luôn luôn ở tình trạng giải quyết tình thế khi mà lượng HSSV ngày càng đông và nhu cầu phát triển giáo dục ngày càng cao khi đời sống nhân dân được nâng lên .Việc cải cách ngành giáo dục phải toàn diện và có bước đi cụ thể mà trước hết phải từ khâu quản lý và cán bộ giảng dạy vì chỉ có phương pháp giảng dạy tốt + cơ sở vật chất và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp luôn được nâng cao và đón đầu mới là tiền đề đáp ứng được nhu cẩu phát triển ngành .Có dạy tốt thì mới học tốt .Việc chấn hưng giáo dục cũng phải dựa trên co sở đạo đức và văn hóa dân tộc chứ không phải chạy theo kiểu "quốc tế hóa" như hiện nay chỉ đáp ứng cho một thiểu số người có thu nhập cao nhưng thực chất về chất lượng giảng dạy cũng thường...và dễ bị ngộ nhận .
“Nhà giáo chúng ta sắp có thâm niên. Nhìn lên thì nhiều kẻ giàu có, nhưng cũng là số ít. Ai có năng lực thì mời ra khỏi ngành để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Số còn lại nhà nước tiếp tục sàng lọc, nhiều sinh viên thiết tha với ngành, có tài năng sẽ xin vào ngành. Ai không yêu ngành, thiếu năng lực, sợ nghèo khổ cũng nên mời họ ra. GV hiện nay nơi nào cũng dôi dư lo gì không tuyển được người có tài và tâm huyết với nghề. Tất cả phải bắt đầu băng đội ngũ và đãi ngộ xứng đáng” - Lê Lạc Huân |
Tôi vào trường sư phạm từ năm 1998, thời đó tôi đỗ 2 trường đại học, nhưng do sư phạm được miễn giảm học phí nên chọn sư phạm cho bố mẹ đỡ vất vả. Đến nay tôi công tác được 10 năm - là giáo viên dạy môn toán lớp 8,9 và vẫn luôn là giáo viên dạy Giỏi, được phụ huynh quý mến... học sinh coi là thần tượng ... tôi cũng vui.. Nhưng cứ khi đi họp lớp cấp III, nói thật là tôi buồn vì trước mình học không tồi mà giờ mình chẳng bằng ai về kinh tế. Không phải là không đủ điều kiện mà với chúng tôi lo cho 2 đứa con ăn học, lại nhà cửa....thật vất vả, lúc nào cũng căng đầu lo chi tiêu phù hợp, chẳng thể mua xe, chẳng thể có nhà riêng....
Nếu có thể thay đổi, tôi không chọn sư phạm, ngàn lần không chọn và với con cháu tôi cũng không tư vấn cho đứa nào đi sư phạm cả. Tôi thấy trường cao đẳng sư phạm- nơi tôi học trước đây đang chiêu sinh với mức điểm rất thấp vào trường - tôi thật lo ngại nhưng không có học sinh thì trường cao đẳng đó cũng chết mà có học sinh ở mức điểm đó thì liệu dạy ai. Nghề sư phạm cấp II thì quả thật kiến thức dạy không khó nhưng nghệ thuật sư phạm lại rất cần thiết - mà tôi đánh giá người có nghệ thuật sư phạm phải là người có trí tuệ - tức cũng là người học được chứ không phải trước học toàn văn hóa trung bình vài năm nữa đứng lên bục giảng thì chỉ góp phần cho gia tăng những học sinh dốt và vi phạm đạo đức của cả thầy và trò mà thôi !
Nguyễn Lương:
Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề giáo dục của nước nhà, điều này được thể hiện bằng những chủ trương, chính sách khuyến khinh đối với ngành giáo dục nói chung và đội ngũ cán bộ, giáo viên nói riêng. "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" đã được khẳng định trong Hiến pháp - một đạo luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều này cho thấy giáo dục có vai trò quan trọng như thế nào. Chúng ta muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, và một trong những yếu tố làm nên con người XHCN là phải có học thức, năng lực và trình độ học vấn.
Muốn có được điều đó là phải nhờ đến giáo dục, phải có đội ngũ nhà giáo phải có năng lực và tâm huyêt với nghề. Muốn vậy thì một yếu tố tối quan trọng đó là tiền lương, "có thực mới vực được đạo" nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ rất khó thu hút được nhân tài vào làm trong ngành giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "lý luận phải đi đôi với thực tiễn, lý luận mà không gắn thực tiễn thì là lý luận suông". Lý luận đã có nhưng thực tiễn thì ta đã làm được những gì đối với ngành giáo dục? đã giải quyết bản chất của vấn đề chưa? Không cần nói thêm ai cũng biết rồi, khổ lắm…
LTS Dân trí - Có thể ai cũng thấy rõ vai trò hết sức quan trọng của người Thầy trong sự nghiệp “trồng người” đối với tương lai của đất nước cũng như hạnh phúc của mọi gia đình. Và cũng không thiếu các em học sinh khá giỏi mong muốn được làm thầy cô giáo. Nhưng các em đều phải dừng bước trước ngưỡng cửa các trường sư phạm vì những tấm gương tầy liếp về cảnh phải chạy chọt, đút lót để được tuyển dụng vào ngành giáo dục và đồng lương èo uột sau khi tìm được việc làm.
Rất nhiều bạn đọc còn nói lên những điều trăn trở về tình trạng tiêu cực còn khá phổ biến ở các cấp quản lý và cơ sở giáo dục, giáo viên không được đối xử công bằng, làm nản lòng những thầy giáo có tâm huyết, do đó tình hình giáo dục ngày càng suy thoái, không phát huy được những yếu tố tích cực thì làm sao đổi mới được giáo dục cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Vì vậy, cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trước hết và cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và công bằng đôi với đội ngũ giáo viên để tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện đối với giáo dục.