Bạn đọc viết:

Tiễn đưa cha đẻ “Dế mèn phiêu lưu ký” về cõi phiêu diêu…

(Dân trí) - Mấy hôm nay làng văn học Việt Nam và những người yêu văn học đang trải qua bao cung bậc cảm xúc nghẹn ngào, luyến tiếc bởi sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, tác giả của “Dế mèn phiêu lưu ký”...

Tiễn đưa cha đẻ “Dế mèn phiêu lưu ký” về cõi phiêu diêu…

 

Một nhà văn mà nhắc đến tên là nhắc đến những tác phẩm làm nhiều thế hệ bạn đọc cả trong và ngoài nước đều trầm trồ thán phục bởi ngòi bút tài hoa.

 

Hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau ông để lại cho đời như: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. .. Thế nhưng nhắc đến Tô Hoài, cho dù có ai đó ngày nay thờ ơ với văn chương đến mấy chắc cũng đều phải thốt lên lời ngợi ca vì biết rằng đó là người đã sinh ra cậu “Dế Mèn tinh nghịch”, đáng yêu, làm lung linh hơn tuổi thơ của mỗi con người.

 

Tôi cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Bên cạnh tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ”, một sáng tác của ông, được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và được dựng thành phim ở Việt Nam, tôi thực sự say mê những tác phẩm của ông về thế giới loài vật đầy yêu thương.

 

Đọc “Dế Mèn phiêu lưu ký” tôi không thể quên được cái tình bạn gắn bó của Dế Mèn, Dế Trũi, Xiến Tóc trầm lặng, chị Cào Cào ồn ào duyên dáng và kể cả Bọ Ngựa kiêu căng hay Cóc huênh hoang....

 

Hay như những tác phẩm: O chuột, Gã chuột bạch, Tuổi trẻ, Đôi ghi đá, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan, Đực... mà bằng tài quan sát và lối viết tinh tế, hóm hỉnh của nhà văn tài năng, thế giới động vật trong các tác phẩm của ông luôn hiện lên vô cùng độc đáo, sinh động.

 

Có lẽ ở nước ta các tác giả viết về đề tài động vật đã hiếm, mà những câu chuyện về loài vật trong những tác phẩm của Tô Hoài làm cho người đọc có thể liên tưởng tới những vấn đề trong đời sống xã hội lại càng hiếm hơn. Với mỗi loài động vật, nhà văn lại dùng ngòi bút tài hoa của mình để lột tả rõ nét tính cách và đời sống riêng của chúng, rồi từ đó khéo léo lồng ghép quan niệm về nhân sinh, về khát vọng của người lao động, về một cuộc sống hòa bình, yên vui và sự đoàn kết.

 

Có lẽ vì thế khi ông chuyển sang viết về những mảnh đời bất hạnh, bế tắc, nghèo khổ, người đọc luôn ám ảnh và suy nghĩ khôn nguôi về cuộc đời.

 

Trong số đó, tôi sẽ mãi nhớ tới số phận của bà lão Vối trong truyện “Mẹ già” chỉ vì đánh mất con lợn mà cụ bị chính con gái chửi rủa, hắt hủi. Rồi nhân vật chị Hối bị ốm không có tiền mua thuốc chữa trong truyện “Ông cúm bà co”, hay bé Gái trong cảnh “Nhà nghèo”, Hương Cay trốn nợ trong “Khách nợ”...

 

Những nhân vật, những câu chuyện của ông sinh động tới mức khiến người ta không thể không tự hỏi: bằng cách nào để ông viết được nhiều tới chừng ấy khi mà trải nghiệm sống của một người, dù có phong phú đến mấy, cũng chỉ nằm trong hữu hạn của một đời người. Phải chăng thiên chức nghề nghiệp đã cho ông một nguồn vốn diệu  kỳ để có thể viết không ngừng nghỉ mà không bao giờ bị cạn kiệt…

 

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm