Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”

(Dân trí) - Sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, cha đẻ của “Dế Mèn phiêu lưu ký” trưa ngày 6/7 gây nhiều tiếc thương cho giới văn nghệ sĩ cũng như độc giả. Nhà thơ Anh Ngọc, Bùi Việt Mỹ, Phan Thị Thanh Nhàn…đã có những chia sẻ xúc động về "người nằm xuống"...

Tác giả gắn liền với nhiều thế hệ độc giả cùng tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/7 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, giới văn nghệ sĩ đã thể hiện niềm tiếc thương chia buồn sâu sắc tới gia đình nhà văn Tô Hoài. “Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Được biết trong suốt quá trình trị bệnh cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện thế nhưng giờ nhà văn đã nằm xuống…”, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ.

Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”

Nhà văn Tô Hoài tham gia triển lãm và đấu giá tiêu bản… đôi bàn tay của chính mình để gây quỹ giúp trẻ em ung thư tháng 6/2013 (Ảnh: Tùng Nguyên)


Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, TBT báo Người Hà Nội- người trực tiếp làm việc cùng nhà văn Tô Hoài hơn chục năm thì cho đến giờ vẫn lưu giữ và trân trọng những kỷ niệm về “ông Dế Mèn”:

“Nhà văn Tô Hoài chính là TBT đầu tiên của báo Người Hà Nội. Khi cụ giữ chức Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội thì tôi là TBT thứ 9. Tôi là người trực tiếp làm việc cùng cụ hơn chục năm, thường xuyên tuần nào tôi và cụ cũng gặp nhau trao đổi công việc.

Tôi rất nhớ cách “điều quân khiển tướng” của cụ. Thường trong hội nhiều khi cũng xảy ra những ý kiến bất đồng trong công việc nhưng cụ luôn có cách khiến người ta phải tâm phục khẩu phục. Với những người có ý kiến không đồng tình- cụ thường giao luôn việc đó cho họ và kết quả thường là họ làm tốt và cuối cùng là…đồng tình.

Cụ cũng là người rất chỉn chu, cẩn thận với câu chữ. Có những bản thảo được cụ sửa chữa đến 7-8 lần với các màu sắc bút khác nhau. Đặc biệt với những bài viết của mình, cụ sửa chữa tỷ mỷ vô cùng.

Trong công việc, cụ khắt khe là thế nhưng cách ứng xử với anh em nghệ sĩ trong hội cũng dễ dàng, mềm dẻo. Mỗi khi có xích mích giữa các thành viên trong hội- đều là những văn nghệ sĩ thì việc phân định rạch ròi trắng- đen, ai đúng ai sai rất khó. Cứ lúc cao trào đỉnh điểm của cuộc tranh cãi là cụ…xách cặp ra về. Đối với cụ, những tranh cãi đó là chuyện nhỏ, không đáng để các nghệ sĩ phân định thắng thua, gây mất đoàn kết.”

Theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, trong cuộc sống đời thường, nhà văn Tô Hoài là người rất có tính thưởng thức kể cả về nghệ thuật ẩm thực. “Thỉnh thoảng cụ lại “nháy” tôi cùng đi uống bia. Nhưng không phải loại bia nào cụ cũng uống, cụ thích uống duy nhất một loại bia có vị đắng. Khi nhâm nhi, cụ lại nói về văn chương, tiết lộ tính cách của các nhà văn cùng thời- người còn, người đã mất vào thời điểm đó như Nam Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Bổng… Cụ kể chuyện rất duyên, nói ít nhưng hài hước pha chút châm chích mang cá tính riêng…”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ kể.

Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, con gái chụp ảnh với nhà văn Tô Hoài (ảnh nhỏ) và những lá thư Tô Hoài từng gửi cho nữ nhà thơ (Ảnh: facebook Phan Thị Thanh Nhàn)

Ông nhớ lại những ngày tháng nhà văn lão làng vì tuổi cao sức yếu, thường xuyên đi về giữa nhà và bệnh viện Việt Xô. Có lần nhà thơ Bùi Việt Mỹ vào viện thăm, nhà văn Tô Hoài vẫn nhận ra nhưng không nói được gì. “Tôi hỏi han sức khỏe cụ qua con trai cụ thì biết, cụ không nói nhưng vẫn nhận ra tôi.”

Còn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, người có thời gian làm việc cùng với nhà văn Tô Hoài ở Hội Văn học nghệ thuật đã không kìm nén được giọt nước mắt trước tin ông ra đi mãi mãi. Đối với Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Tô Hoài còn hơn cả một đồng nghiệp, một người anh lớn…

Nữ nhà thơ đã khóc khi viết những dòng này trên trang cá nhân: “Mình đã vừa viết vừa rơi nước mắt. Bao kỷ niệm với từng chi tiết nhỏ đều sống dậy. Có lần mình than với nhà văn Trần Chiến: Biết thế chị cứ ở báo Hà Nội mới không sang Hội Văn học nghệ thuật thì bây giờ giàu hơn nhỉ?, Trần Chiến cười: Chị không sang đấy làm sao hiểu được Tô Hoài, Bằng Việt, Vũ Quần Phương…

Quả thật, được cùng làm việc với nhà văn Hà Nội giản dị, hóm hỉnh, say mê làm việc như Tô Hoài là một may mắn của mình. Nhà văn đã dậy mình rất nhiều, ví dụ: "Làm báo như người làm xiếc trên dây, phải thật vững vàng trước chông chênh dư luận" -" Muốn viết văn thì điều cần nhất là chi tiết, mà chi tiết chỉ có trong đời sống…" Phan Thị Thanh Nhàn còn đăng tải ảnh thư của nhà văn gửi cho bà từ những năm 70-80 và ảnh kỷ niệm cùng con gái, bạn bè với nhà văn Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảnh: NS cung cấp)

Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảnh: NS cung cấp)

Nhà văn Trần Nhương cũng dành cho bậc tiền bối lời cảm phục chân tình và giản dị: “Nhà văn Tô Hoài là  vị chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật đầy bản lĩnh, không chấp nhất, nhân cách tốt”. Là thành viên của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, nhà văn Trần Nhương chia sẻ cuộc đời nhà văn Tô Hoài cũng gặp nhiều thăng trầm, văn nghiệp tạo bi kịch nhưng cuối cùng Tô Hoài vẫn vượt qua, được công nhận vị trí xứng đáng trên văn đàn với hơn 100 đầu sách có giá trị. Ở cái tuổi 90 vẫn cầm bút, sự ra đi của Tô Hoài là điều rất đáng tiếc cho làng văn học nước nhà…

Trước sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng gợi nhớ miền ký ức đầy kỷ niệm: “Cách đây mấy năm, Hội nhà văn Hà nội tổ chức hội thảo, khi ra cổng chờ xe đón bác, bác nhẹ nhàng nhắc tôi: "Bây giờ còn trẻ, chưa thấy tiếc thời gian và trí nhớ, nghĩ ra cái gì chưa viết tưởng vẫn còn trong đầu. Không phải thế đâu. Quên hết đấy nếu không ghi chép hay là viết luôn ra. Phải viết hàng ngày, không phải viết cái gì cũng hay cũng vừa ý, nhưng phải viết hàng ngày".

Hai bác cháu đứng phơi nắng lạnh, tôi lè lưỡi, bảo cháu toàn nghĩ, không mấy khi viết lại. Một người bạn văn thấy tôi lè lưỡi, chụp nhanh tấm ảnh, bảo: " Bị bác mắng chuyện gì mà lè lưỡi thế?” Bác nhìn ra ngoài nắng, nghe tôi chống chế cái tội lười ghi chép, lười viết...

Hôm nay, bác đã rời cõi tạm. Có nhiều kỷ niệm của nhà bác và nhà cháu, trong những trang nhật ký bố mẹ viết cho cháu từ khi cháu 2 tuổi đã gắn với tên bác. Sau này cháu và chị Sông Thao, anh Tân thân thiết, nhiều chuyện ngày bé của cháu được anh chị kể lại luôn làm cháu vui.

Cháu và triệu người yêu quý bác luôn nhớ và nhắc đến bác nhiều hơn mỗi ngày, thấm thía những kinh nghiệm nghề văn, kinh nghiệm của một ngừoi thấm sự đời, và chuyển qua trang viết.

Năm ngoái, mẹ cháu cũng bắt đầu chuyến công tác mới, rộng dài hơn những chuyến đi xưa. Hôm nay, cháu nghĩ bác cũng vừa lên đường đi công tác, thong thả nhẩn nha phiêu du với ánh mắt hóm hỉnh, lấp lánh của người biết hết, hiểu hết, nhân hậu và bao la tình yêu với con người. Cháu nhớ bác!”

Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảnh: NS cung cấp)

Nhà văn Tô Hoài (ngoài cùng bên phải) hàn huyên cùng đồng nghiệp khoảng năm 1995. (Ảnh:facebook nhà thơ Anh Ngọc)

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương cũng chia sẻ: “Tôi đã được gặp nhà văn nhiều lần bởi khoá V - trường Viết văn Nguyễn Du bác thường vào nói chuyện. Những câu chuyện hóm hỉnh của bác luôn làm tôi thích thú. Bác nói về nghề viết những vất vả và nhọc nhằn khi cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa. Bác khích lệ và động viên rất nhiều những nhà văn trẻ chúng tôi. Cuộc rong chơi của “Chú dế mèn” đã kết thúc. Cầu cho nhà văn có cuộc dạo chơi mới phia bên kia trời!”

Xin khép lại bằng lời tiễn biệt của nhà thơ Anh Ngọc: “Chúng ta đều biết nhà văn Tô Hoài là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, người đi xuyên suốt thế kỷ 20 bằng hàng trăm tác phẩm cuốn hút hàng triệu người đọc và hâm mộ, đặc biệt là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký bất hủ!!!

Vô cùng thương tiếc và biết ơn nhà văn kiệt xuất, cầu chúc anh linh ông thanh thản rong chơi trên Cõi Người Hiền! Xin được chân thành chia buồn với gia đình cố nhà văn Tô Hoài và bạn bè, đồng nghiệp thân thân thiết của nhà văn yêu quý của tất cả chúng ta!!!”.

Nguyễn Hằng