Bạn đọc viết:

Thử phân biệt hoa Ưu đàm

(Dân trí) - Tôi xin gửi bài viết về một số bàn luận liên quan đến vấn đề Hoa Ưu đàm mà độc giả đang quan tâm,với hình ảnh minh họa được chụp tại hộ ông Võ Đình Phùng, khu phố IV, phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.

Thử phân biệt hoa Ưu đàm

 

Sẽ có ở đâu đó trong một khoảng thời gian nữa, hoa Ưu đàm xuất hiện để loan báo tin vui, nhân loại sẽ nhận được sự nhiệm màu tương ứng. Trước khi sự nhiệm màu xuất hiện như là một dấu hiệu kèm theo để kiểm chứng, ta cần bình tĩnh cân nhắc xem hoa Ưu đàm mà bấy lâu ta ngả lòng thành kính, ngưỡng mộ liệu có khi nào chỉ là trứng của 1 loài côn trùng bình thường? Hoa Ưu đàm thật ắt sẽ xót lòng vì hình ảnh của mình bị ngộ nhận.

 

Kiểm chứng nó cực kỳ đơn giản. Phương pháp thứ nhất là quan sát hình thái của những bông hoa Ưu đàm hiện cho là “hàng” thiệt nhất, xem rõ có cấu trúc của một bông hoa về mặt sinh vật không?

 

Các hình ảnh hiện được tìm thấy qua các nguồn thông tin chỉ mới dừng lại ở mức độ chụp macro, hoặc độ phóng đại thấp. Kính lúp chuyên dụng cũng có thể quan sát, chụp ảnh rõ. Do vậy, cần đưa hoa đi xác minh để tránh việc thay vì hoa mang may mắn đến, thì có khi lại cuốn vào tranh luận phiền nhiễu. Thực tế chúng ta đã phân biệt, chụp ảnh đến mức cấu trúc hiển vi của tế bào, tinh thể… thì lẽ nào chụp ảnh một bông hoa lại quá khó?

 

Để xác nhận thêm độ huyền bí của hoa Ưu đàm thứ thiệt đó, nhất thiết cần xóa bỏ đẳng cấp sinh vật là thực vật, là động vật. Đơn giản chỉ cần đốt nó bằng ánh sáng ánh mặt trời tụ qua kính lúp: nếu cháy là giảm độ huyền bí; cháy mà khét như vỏ trứng côn trùng thì đích thị là trứng côn trùng.

 

Cũng cần thiết xét đến các bào quan đặc trưng cho thực vật đó là lục lạp. Nếu hoa Ưu đàm thứ thiệt đó có lục lạp, vậy thì không huyền bí lắm nhưng khẳng định được một điều: hoa (thực vật) chứ không phải trứng côn trùng.

 

Nếu ngại hy sinh những bông Ưu đàm tin yêu để giải thoát hoài nghi cho những người có lòng tin vào sự nhiệm màu của Ưu đàm, chúng ta có  thể làm ngược lại: Hãy tổ chức quan sát theo dõi những ổ trứng côn trùng thuộc giống Crysopa hay bọn Green Lecewing nói chung. Nếu trứng sau khi nở, liệu có vô tình vỏ trứng tạo nên những bông hoa hệt như hoa Ưu đàm từng xuất hiện ở những nơi đậm chất Phật?

 

Cũng có thể cho vào chuồng nuôi những côn trùng này hoặc là xem thanh sắt, hoặc là quả chuông… xem chúng có đẻ trứng vào tạo thành những đóa hoa nhưng ta từng ngưỡng mộ với ít nhiều hoài nghi không.

 

Quan điểm của người viết cho rằng hoa Ưu đàm được nhắc đến trong Kinh Phật chưa xuất hiện vì không thể xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, đặc biệt cũng chưa thấy sự màu nhiệm nào kèm theo.

 

Thà thức cả đêm để tìm ra sự thật còn hơn nghi ngờ nó cả đời, vậy hãy thực hiện những kiểm chứng trong điều kiện có thể!

 

Vo Dinh Ba
 (Giảng viên Bộ môn Động vật Sinh thái, Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Huế)

email: vodinhba@yahoo.com