Bạn đọc viết:

Quyết sách xóa bỏ dạy thêm/học thêm, tại sao không?

(Dân trí) - Dạy thêm, học thêm ở Việt Nam hiện nay ai cũng biết là không tốt, có hại, mất công tổn sức… nhưng không thể cấm. Vì sao? Các nhà giáo thường giải thích: theo nguyện vọng gia đình học sinh, do chương trình nặng, năm cuối phải thi tốt nghiệp, thi đại học…Thật vậy sao???

(minh họa: Khều, theo: Petrotimes)
(minh họa: Khều, theo: Petrotimes)

 

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe những lời khẳng định: Hắn là kẻ cướp; đây là một tên giết người cướp của; kia là kẻ hiếp dâm… Đích thị đối tượng đề cập đến là người xấu, cần tránh xa. Hành vi của các đối tượng đó bị xã hội lên án, pháp luật nghiêm cấm.

 

Nhưng với các hiện tượng như hút thuốc, rượu bia, cờ bạc, cá cược… từng lúc, từng nơi Nhà nước có những quy định khác nhau. Khi ấy những công dân gương mẫu thường buột miệng: Tại sao không cấm triệt để luôn vì hút thuốc, uống rượu sẽ có hại cho sức khỏe. Cờ bạc, cá cược sẽ đẩy người dân vào cảnh bần cùng, khánh kiệt… Dạy thêm, học thêm trong ngành giáo dục Việt Nam chúng ta hiện nay tôi thấy cũng giống như thế. Biết không tốt, có hại, mất công tổn sức nhưng không thể cấm. Vì sao nhỉ?

 

Những người nghiện thuốc thì biện minh rằng: hút thuốc giúp phấn khích đầu óc, giúp thăng hoa các ý tưởng. Dân nhậu thì lập luận:  nhậu để chia vui, nhậu để giải sầu, nhậu để thắt chặt tình huynh đệ, nhậu để tiếp khách nhằm ký hợp đồng có lợi cho đơn vị, nhậu để thử thần kinh cán bộ cấp dưới chuẩn bị bổ nhiệm… Nói chung nhậu “vì công việc, chứ mấy ai thích uống bia rượu” (???)  Đánh bài, cá cược cũng chỉ để “vui chơi lành mạnh, không phương hại đến ai…” (???)

 

Vậy thì dạy thêm, học thêm cũng được các nhà giáo chúng ta giải thích theo cách vô hại như thế: theo nguyện vọng gia đình học sinh, do chương trình nặng, năm cuối phải thi tốt nghiệp, thi đại học… Một số thầy cô đổ lỗi cho đồng lương thấp buộc họ phải bươn chải dạy thêm kiếm sống. Rồi họ còn lập luận: bác sĩ được mở phòng mạch làm thêm, tại sao nhà giáo không được dạy thêm… (Nhưng y bác sĩ đâu có ép bệnh nhân tới khám tại phòng mạch của mình, như cách các thầy cô ép buộc cha mẹ học sinh "tự nguyện" đưa con đi học thêm dù học sinh đã phải học rất quá tải???)

 

Có lẽ trước những lập luận “đanh thép” và “hùng hồn” như thế, Nhà nước đành nhượng bộ. Thôi thì biết hút thuốc là có hại sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến môi sinh nhưng vẫn cho phép hút thuốc. Chỉ có điều hút ở những nơi được quy định, không hút ở công sở, nơi công cộng.

 

Uống nhiều rượu bia có nguy cơ gây xơ gan, sinh nhiều bệnh tật, mất trí nhớ, gây lãng phí… Nên cán bộ công chức không được uống khi tiếp khách vào buổi trưa, trong giờ làm việc. Cờ bạc, cá cược…là nguyên nhân nảy sinh tội phạm, làm u mê thế hệ trẻ… Vì thế chỉ cho phép người nước ngoài chơi, còn công dân quốc tịch Việt Nam không được phép chơi trên lãnh thổ VN… Nhưng có thể sang Campuchia để (lén) thỏa cơn nghiền.

 

Dạy thêm, học thêm cũng như thế! Trường dạy hai buổi ngày không được dạy thêm; cấp tiểu học không được dạy thêm cho dù phụ huynh có yêu cầu; không được dạy thêm học sinh của lớp mình chính khóa; giáo viên hưởng lương ngân sách không được đứng ra tổ chức dạy thêm nhưng được tham gia dạy thêm; rồi cơ sở dạy thêm phải thế này thế kia…

 

Cuối cùng là: hàng năm ở Việt Nam số người bị bệnh hoặc tử vong do hút thuốc chủ động và thụ động vẫn tăng. Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia vào loại nhất thế giới (nhiều dân nhậu rất "tự hào"???) Người dân vẫn lén lút cờ bạc, chơi lô đề, vỡ nợ, cá cược xuyên quốc gia…Và dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan, gây lãng phí không đáng có, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và cá nhân các nhà giáo chân chính.

 

Tại sao Nhà  nước không mạnh mẽ, quyết liệt hơn? Chúng ta đã từng có những quyết sách gây tranh cãi, nhưng rồi cũng được xã hội đồng thuận vì tính hiệu quả  của nó. Ví dụ như cấm đốt pháo, như quy định người dân khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, quy định mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con…

 

Với dạy thêm, học thêm cũng cần phải mạnh mẽ và quyết liệt  như vậy. Chắc hẳn nhiều bạn đọc cũng sẽ kêu: Khó, khó lắm, vì thế này vì thế kia. Ừ thì cứ cho là chương trình nặng cần phải dạy thêm, học thêm. Nhưng nếu chúng ta cắt bỏ bớt chương trình hoặc tăng thời lượng số tiết lên gấp đôi (những môn tự nhiên hay dạy thêm). Đồng thời cho phép ngành giáo dục tuyển thêm giáo viên, vấn đề dạy thêm có chấm dứt không ?

 

Ừ thì cho là đồng lương thấp. Tại sao các giáo viên các môn Thể dục, Giáo dục công dân,  Sử, Địa…vẫn sống đấy thôi, có thấy ai bỏ nghề hàng loạt đâu? Và nếu tăng lương cho giáo viên gấp 2, 3 lần có chắc họ không dạy thêm?

 

Ừ thì cho là do nhu cầu phụ huynh cần (cô dạy thêm cũng là kiêm thêm) trông trẻ, cần có người kèm cặp con mình… vậy tại sao chúng ta không tìm cách thay đổi quan niệm của người dân về tính chuộng thành tích cao trong học thuật, như quan niệm của người dân các nước tiên tiến (chuyện đạt thứ hạng hay giỏi môn này môn kia không quan trọng)?

 

Ừ thì cho là do việc thi cử hiện nay nên dẫn đến phải dạy thêm, học thêm. Vậy thì tại sao chúng ta không mạnh dạn “cắt bỏ cái ung nhọt” của thi cử hiện nay (như có lần GS Hoàng Tụy đã phát biểu nhấn mạnh)?

 

Chẳng phải có những người tới giờ vẫn cho rằng Tết mà không đốt pháo thì buồn và mất ý nghĩa lắm. Hoặc lâu nay sinh con thoải mái rồi, bây giờ chỉ sinh được 2 con, không ít ông bố bà mẹ thấy tưng tức làm sao ấy. Chạy xe gắn máy đầu trần thấy thoải mái vô cùng, giờ chồng lên đầu cái “nồi cơm điện” thấy vướng víu sao sao ấy…

 

Nhưng đổi lại, số người chết thê thảm do sản xuất và vận chuyển pháo đã giảm triệt để. Đa số con trẻ bây giờ sinh ra được cha mẹ chăm sóc đầy đủ hơn, mức sống chung các gia đình cũng khá hơn. Tai nạn giao thông mặc dù chưa thuyên giảm mấy, nhưng tình trạng chấn thương sọ não giảm đáng kể…Mục đích cao cả như thế, tại sao người dân không đồng thuận chứ? Tôi cho là tất cả vẫn là do ý hướng, sự sáng suốt của những người nắm giữ trọng trách mà thôi.

 

Chúng tôi vẫn mơ  về những quyết sách đúng đắn như thế đối với tệ dạy thêm, học thêm, chứ không phải Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành. 

 

Nguyễn Hữu Tâm (Bà Rịa-Vũng Tàu)