Bạn đọc viết

Thư ngỏ gửi ông Giám đốc Công ty Xổ số

Chúng tôi tự hỏi, chẳng hiểu các vị lãnh đạo trong cái danh sách mà ông dự kiến đi Tây đã có đóng góp gì cho sự phát triển của ngành xổ số?

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Thưa ông,

Tôi là một người bán vé số dạo vô danh, đã có thâm niên 30 năm trong nghề. Ngần ấy thời gian lăn lộn với cuộc sống đủ để cho tôi chiêm nghiệm cuộc đời ở cái tuổi vừa bước vào ngưỡng mà người đời cho là tri thiên mệnh. Phải nói như thế để ông hiểu rằng, những điều tôi nói ra đây là một phần của cuộc sống mà văn chương gọi là hiện thực – một hiện thực nóng bỏng.

Vả lại, qua câu chuyện mặt “kênh kiệu” của ông chủ tịch tỉnh nọ gây ồn ào dư luận vừa rồi, những người dân thấp cổ bé họng như tôi sợ lắm, sợ cái đám đệ tử các ông lại nhanh nhẩu đoảng, chụp cho cái mũ nói xấu lãnh đạo thì coi như tiêu một đời vé số!

Thưa ông,

Đời bán vé số như tôi, nói thật với ông, nó cực lắm. Vì tài hèn, đức mọn mà chúng tôi đành chọn nghề này chứ lắm lúc nghĩ cũng thật tủi thân, tủi cho phận mình và tủi cho con cái mỗi khi phải kê khai lí lịch nghề nghiệp của bố mẹ.

Một ngày làm việc của tôi ra khỏi nhà từ mờ sáng cho đến tối mịt, có khi khuya khoắt mới về căn phòng trọ ọp ẹp của mình. Lắm lúc tôi thật thèm khi nghe người ta kháo nhau chuyện công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Đời họ sao mà nhàn nhã, sung sướng. Dưng mà nghĩ lại đành chép miệng, con người ta có số cả, phận mình nó thế, thì thôi hãy an bài đi. Và thế là tôi lại sống vui dù thu nhập của mình sau một ngày “khua” chân khắp mọi nẻo đường góc phố chỉ đủ để trang trải cuộc sống của một dân nghèo chốn thị thành.

Những tưởng thế là yên cho một kiếp người. Ngờ đâu, mấy ngày vừa qua, dư luận lại rộ lên chuyện quan chức đã và sắp nghỉ hưu được ông cử sang trời Tây học hỏi kinh nghiệm… xổ số. Ông chớ cho rằng tôi lắm chuyện. Xin thưa, cánh bán vé số dạo như  tôi thì chuyện gì trên đời này mà chẳng biết, lắm khi không muốn nghe mà cũng phải nghe, đâu có bịt tai được thưa ông. Mỗi ngày chúng tôi tiếp xúc với biết bao nhiêu là hạng người, mà như ông biết đấy, không có cơ quan truyền thông nào nhanh nhậy bằng dư luận, lại được hỗ trợ bằng công nghệ số nữa thì cái sự nhanh nhậy sánh ngang bằng tốc độ… ánh sáng.

Biết tin ấy, cộng đồng bán vé số chúng tôi “sốc” lắm, thưa ông. Chúng tôi tự hỏi, chẳng hiểu các vị lãnh đạo trong cái danh sách mà ông dự kiến đi Tây đã có đóng góp gì cho sự phát triển của ngành xổ số? Dám chắc trong đời họ chưa mục sở thị tấm vé số ngang dọc nó như thế nào. Lại nữa, nghe người ta bàn tán đây chẳng qua là trả nghĩa, là lợi ích nhóm dính chùm vào nhau. Lại có người bạo miệng nói đây là chuyến tàu vét cuối cùng hay hoàng hôn nhiệm kì gì đó. Ôi chu cha! Đầu óc chúng tôi chỉ biết nghĩ chuyện giản đơn mỗi ngày bán được bao nhiêu vé, kiếm được bao nhiêu tiền, cho nên chả hiểu trả nghĩa, lợi ích nhóm với tàu vét hay hoàng hôn nhiệm kì là cái chi chi, nghe mà cứ ù cả tai.

Còn điều này nữa, thưa ông. Các vị ấy người thì cuối nhiệm kì, kẻ thì sắp sửa nghỉ hưu, sao lại cử đi học hở ông? Ngày trước năm rộng tháng dài vậy mà các vị cũng chỉ biết cắp ô, bây giờ quĩ thời gian đã hết tài năng đâu mà thi thố, liệu có lãng phí cái sự học và tiền bạc nhà nước không? Mà chẳng học cái gì cho to tát, cho đáng giá để làm rạng danh đất nước, lại đi học bán vé số. Chúng tôi đây có tốn nửa xu tiền học đâu mà cũng bán vé gần trọn cuộc đời? Hay là vì không được đi Tây nên dân vé số chúng tôi cuộc sống nó cứ èo uột, vắt mũi chẳng đủ đút miệng bởi ngày thu nhập chỉ được mấy chục ngàn? Vậy mà còn bị hàm oan đấy ông ạ. Chả là có vị lãnh đạo tôn kính nọ ở trên bộ gì cao cao ấy, ổng bảo rằng bán vé số thu nhập cao! Ui chu cha! Tự dưng mình được lãnh đạo phong cho cái hàm “đại gia” nhưng… thiếu thịt! Quả đúng là niềm hạnh phúc trong tủi hổ.

Nghe nói để thực thi chuyến đi học tập này cho lãnh đạo, ông lấy quĩ của công ty chi cho mỗi vị 60 triệu. Lâu nay cứ nghe người ta bảo tiền chùa tiền chiếc gì ấy, bây giờ chúng tôi mới hiểu. Thì ra tiền chùa là thế. Nhưng thử hỏi ông, tiền chùa ấy ở đâu ra? Ông biết không, mỗi tấm vé số bán được, người bán vé trực tiếp được hưởng 1.200 đồng. 60 triệu tiền chùa kia bằng tiền huê hồng bán 50.000 vé số đấy ông ạ! Để bán được chứng ấy vé số, chúng tôi phải đi rạc cẳng vài ba năm, chân tóe máu, sưng tấy.

Trò chuyện đến đây thì chắc ông đã hiểu, đời có những sự phi lí và bất công ghê gớm. Hàng trăm ngàn người hành nghề bán vé số trên đất nước này là những người lao động chân chính (ngoại trừ một số rất ít những kẻ bất lương lợi dụng để lừa đảo). Điều đơn giản ai cũng hiểu, không có đội ngũ đông đảo ấy bất chấp nắng mưa, giá rét cần mẫn tiếp thị, bán vé thì các công ty xổ số sẽ chết yểu. Và như thế thì tiền chùa chẳng có, các ông lấy gì mà “trả nghĩa” cấp trên?

Thật bất công khi dân vé số bị bạc đãi, xua đuổi, đe dọa, cướp giật. Chẳng hay ông có biết câu chuyện thương tâm của một người bán vé số dạo hồi tháng 10 năm ngoái trong cơn quẫn bách đã phải chọn cái chết nhảy kênh tự tử ở Cà Mau vì bị một kẻ táng tận lương tâm lường gạt đổi vé số giả lấy đi 2 triệu đồng?

Đã bao giờ trong báo cáo tổng kết của công ty, ông dành cho người bán vé số dạo dù chỉ một câu, động viên lực lượng đông đảo đã góp phần không nhỏ vào doanh thu hàng ngàn tỉ của ngành xổ số? Đã bao giờ các ông nghĩ đến họ chứ chưa nói là động viên tinh thần hay ưu ái bằng vật chất? Đã bao giờ…

Vậy mà các ông lấy tiền chùa, không, tiền của dân đóng góp để đãi ngộ cấp trên, một dạng đặc quyền đặc lợi từ mồ hôi nước mắt của người lao động? Đó phải chăng là tham nhũng, thưa ông?

Mỗi lần, trên đường đi bán dạo, ngang qua trụ sở Công ty, nhìn câu slogan “Xổ số kiến thiết, ích nước lợi nhà” đỏ chói đập vào mắt, lòng tôi dửng dưng. Nhưng mới hôm qua đây thấy nó, tôi không còn dửng dưng nữa. Ngẫm đi ngẫm lại mấy chữ “ích nước lợi nhà” mà đầu óc cứ long bong. Cái sự “lợi” ấy, chắc chẳng bao giờ đến được với dân vé số như mình?

Còn nhiều điều muốn nói, nhưng mà thôi, xin không làm phiền ông nữa. Bởi tôi cũng biết, quan chức như ông làm gì có thời gian rảnh rỗi mà tâm sự với dân để hiểu được họ đã, đang và sẽ sống như thế nào.

Chúc ông dồi dào sức khỏe, tài trí, minh mẫn để mà lãnh đạo, để mà dìu dắt công ty ngày càng ăn nên làm ra, tiền bạc như nước đặng làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” cấp trên yêu quí.

Kính chào ông!

Nguyễn Duy Xuân