Thư New Delhi: Hoa tím vẫn rơi đầy sân…

(Dân trí) - Bao năm rồi tôi vẫn đợi chờ dù “Từ lâu lắm đã vắng anh trên con đường này/Cây bây giờ lá rụng, gió heo may/Và cơn gió vẫn cuốn theo chân ai mỗi ngày/Để lại mùa thu theo lá bay bay...” Xa quá, liệu anh có nghe được tiếng lòng người con gái năm xưa…

Taj Mahal - ngôi đền thờ tình yêu nổi tiếng thế giới
Taj Mahal - ngôi đền thờ tình yêu nổi tiếng thế giới

Sông Hằng (Ganges) linh thiêng và huyền bí
Sông Hằng (Ganges) linh thiêng và huyền bí

Chùm nhài trắng điệu đà làm dáng cho mái tóc
Chùm nhài trắng điệu đà làm dáng cho mái tóc (ảnh minh họa)

 

Cái xứ Việt Nam mình thật lạ, nắng nôi là thế, bão lụt khốc liệt là thế, chiến tranh tàn phá là thế… mà vẫn sản sinh ra bao cô gái đẹp, xinh, đảm đang, tháo vát và yêu thương cũng rất mặn nồng. Nhưng số phận thì sao mà ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…

 

Trai thời loạn, gái thời bình. Chàng trai trẻ theo đoàn quân Nam tiến đã mang theo trọn vẹn mối tình đầu e ấp của tôi, để rồi mất hút đâu đó trên chiến trường khói lửa. Mộng văn chương cũng tan thành mây khói vì cảnh một mẹ một con, tôi không thể để mẹ ở nhà còn mình về nông thôn dạy học theo phân công, sắp xếp thời ấy. Mà thực lòng tôi vẫn nuôi chút hy vọng, biết đâu anh vẫn còn sống trở về…

 

Rồi chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, mẹ đứt gánh giữa đường lại chắp nối tơ duyên với một “ông Chà Và” kinh doanh trên phố. Cha dượng đưa mẹ con tôi cùng cậu quý tử đích tôn mới sinh về nước ra mắt họ nội. Khỏi nói thêm dài dòng chắc anh cũng biết, mẹ con em đã phải vượt qua không biết bao nhiêu cái “ải Chi Lăng” để hòa nhập được với cuộc sống và con người xứ Ấn. Nhưng cảnh nghèo cực vẫn cứ bám riết vì hủ tục, vì sự phân biệt đẳng cấp quá lớn và cũng vì dân số Ấn Độ quá đông nên người nhập cư càng khó bề vượt lên số phận…

 

Để tới cái ngày mình tình cờ gặp lại nhau ở New Delhi, em đã mong đất dưới chân bỗng dưng sụt xuống chôn vùi đi vĩnh viễn bản thân, để trong lòng anh giữ mãi hình ảnh cô gái da trắng, mắt mí lót tuy không thật đẹp nhưng từng hứa sẽ là của riêng anh…

 
Tím tình yêu tím cả nỗi nhớ nhung... (ảnh minh họa: my.opera.com) 
Tím tình yêu tím cả ước mong... (ảnh minh họa: my.opera.com) 
 

Bao năm rồi mà em vẫn nhận ra người xưa ngay vì vẫn vóc dáng đó (dù trước là trong màu áo trắng học trò, rồi màu xanh áo lính. Nay chỉn chu complet sẫm đồng màu với càvạt), ánh mắt ấm áp đó và nhất là nụ cười rộng mở vô cùng thân thiện. Em bật khóc khi anh hỏi bằng tiếng Anh – Cô cần gặp ai? Tôi có thể giúp gì được không?

 

Tim em thắt lại trong một nỗi đau bỗng từ đâu ập đến. Tất nhiên làm sao anh nhận ra người phụ nữ gầy gò, đen đúa, mặc bộ sari rẻ tiền với chút trang sức làm điệu chỉ là chùm hoa nhài trắng kết trên mái tóc, đang lúng túng xoắn đôi bàn tay khô ráp vì lao động nặng nhọc kia là em. Anh lúng túng xin lỗi khi em bật khóc, rồi mời em vào nhà, rót cho em ly nước mát…

 

Có duyên mà chẳng có phận, nhưng đúng là ông Trời vẫn còn thương để chúng mình còn gặp lại được nhau ở một  nơi không ai có thể ngờ tới - căn nhà một đồng nghiệp của anh đang công tác tại Ấn Độ. Là hàng xóm với gia đình bên ngoại của em ở Hà Nội, vợ chồng anh ấy sang đây đã giúp tìm lại được mẹ con em. Thấy gia cảnh chúng em quá tội nghiệp, bao năm rồi mà vẫn không thể dành dụm đủ tiền về thăm quê hương, anh còn kiếm cho em một chân làm thêm trong khu chung cư nhỏ này.

 

Và rồi từ cái ngày tình cờ "hoa tím rơi đầy sân" ấy, anh sang công tác và ghé thăm bạn…em mới tin rằng “cuộc đời không lấy đi của ai tất cả”. Gánh nặng đường xa của em như được anh đỡ cho một phần dù chỉ qua những lời hỏi han, an ủi, kể chuyện xưa – bàn chuyện nay. 

 

Em được gặp lại nhiều bạn bè thủa thiếu thời qua lời anh kể. Được thưởng thức lại những món ngon phố phường nhờ sự kết hợp của cả tập thể người Việt Nam nơi đây. Bún chả, nem rán mà phải chạy xe ôtô mấy tiếng đồng hồ, sang bên phía Old Delhi mới mua được thịt heo. Mang về pha chế, rán rán, nướng nướng cũng phải… lén lút một chút vì các tín đồ Hồi giáo Ấn Độ không ăn thịt "ông ỉn". Phở gà (phải mua gà sống ngoài chợ về tự thịt lấy, chứ nếu để người bán làm sẵn thì họ sẽ lột phăng cả bộ da ngon lành lẫn lông gà mà quẳng đi mất). Rồi nào bánh cuốn, bánh tôm, bánh bột lọc…

 

Tôm Ấn thì tuyệt ngon rồi. Cái lần đầu anh mua những con tôm hùm về để em chỉ đơn giản luộc lên, chúng mình cùng chấm muối chanh ớt ăn ngon lành ấy… bỗng anh hỏi: - Em còn giữ cuốn “Mùa tôm” của Thakazhi Sivasankara Pillai anh tặng sinh nhật không? Vừa rồi anh có ghé qua bang Kerala, nhưng không tới được tận làng Thakagi quê nhà ông ấy.

 

Em lại phải ngàn lần xin lỗi anh, vì chiến tranh, vì ly tán, vì cảnh sống cứ đi dần từ nhà to sang nhà nhỡ, nhà nhỏ rồi tới căn hộ một phòng của mẹ con em bây giờ chẳng khá hơn những túp lều trong khu slum (ổ chuột) là bao… mà kỷ vật quý giá – sợi dây nhỏ nhưng kết nối rất chặt mẹ con em với VN đã thất lạc đâu đó trên những chặng đường đời…

 

Cho tới ngày phải chia tay, em mừng vì chúng ta không còn giận hờn oán trách nhau như thủa nào nữa. Có điều em vẫn chẳng thể nào nói thành lời:  “Anh đừng đi xin anh đừng đi/ Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì”… Để rồi bây giờ từ phương xa, đành gửi tới anh lời ca trong cuốn băng mà mỗi lần nghe em như rứt gan, rứt ruột…

 

Cuộc đời lạ lùng

Cuộc đời ước mơ những điều viển vông

Lòng người lạ lùng

Lòng hay thương nhớ những điều hư không

 

Để rồi một ngày

Một ngày nhớ thương

Hóa thành mênh mông

Đôi bàn chân nào

Làm hoa tím để hoa tím rơi đầy sân...

 

Phượng (từ New Delhi)