Thu hồi sổ hồng ở dự án Mường Thanh: Bộ Tư pháp nói gì?

Trong trường hợp quyết định thu hồi sổ hồng không đúng thì người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện để trả lại sổ, thậm chí phải bồi thường trong trường hợp gây ra thiệt hại cho người dân.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết như trên tại cuộc họp báo Quý II của Bộ Tư pháp chiều 30/7.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới cơ sở pháp lý việc thu hồi sổ hồng của người dân đã mua nhà thuộc dự án của Tập đoàn Mường Thanh tại Hà Nội, ông Lê Đại Hải cho hay, việc giải quyết, trả lời vướng mắc liên quan đến thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất của người mua nhà tại dự án Mường Thanh thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thu hồi sổ hồng ở dự án Mường Thanh: Bộ Tư pháp nói gì? - 1
Họp báo Quý II của Bộ Tư pháp. Ảnh: TH

Theo ông Hải, về mặt pháp lý, Điều 106 Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ việc thu hồi phải có căn cứ. Cụ thể, giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền, sai đối tượng sử dụng đất, diện tích đất, điều kiện được cấp, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định thì bị thu hồi. Theo đó, cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi.

“Đi vào trường hợp cụ thể ở các dự án chung cư sai phạm, chúng tôi cho rằng cần phân biệt, tách bạch quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm”, ông Hải phân tích.

Đặt giả thiết trong trường hợp chủ đầu tư dự án có sai phạm, ông Hải cho rằng: “Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp người mua nhà đất của chủ dự án đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án và bán cho người dân; sau khi quyết định đó có vấn đề, bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ thì không ảnh hưởng đến quyền của người mua nhà, đất đã được cấp phép”.

 “Việc thu hồi sổ đỏ phải có quyết định hành chính, nếu việc ban hành quyết định đó không đúng thì người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện, phải trả lại sổ, thậm chí có thể phải bồi thường trong trường hợp gây ra thiệt hại cho người dân”, ông Hải nói.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Toàn ngành tư pháp đã thẩm định 2.853 dự thảo văn bản quy hạm pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp trực tiếp thẩm định 105 dự thảo.

Việc triển khai các luật, nghị quyết do Quốc hội mới ban hành được các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Qua đó có phản ứng chính sách kịp thời với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Tư pháp tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá…/.

Theo Thu Hằng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam