Thông điệp từ Doanh nghiệp và nhân dân gửi Thống đốc Nguyễn Văn Bình

(Dân trí) - Thông tin về việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói; NHNN biết rõ tình trạng vi phạm vượt trần lãi suất huy động quay trở lại sau một thời gian tạm lắng, nhưng lại không nói về việc xử lý sai phạm… đã nhận được ngay phản hồi của nhiều người quan tâm.

Thông điệp từ Doanh nghiệp và nhân dân gửi Thống đốc Nguyễn Văn Bình - 1
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
 

Nhấn mạnh tới nhu cần cần “thanh lọc” các NHTM để khơi thông hơn nữa dòng tiền đổ về cho các doanh nghiệp, Nguyễn Hùng:  anton_hungnguyen@yahoo.com nêu:

 

“Trong điều kiện hiện nay nếu không thanh lọc hàng ngũ NHTM thì việc bơm vốn vào sẽ làm khốn khổ cho nền kinh tế hơn, bởi lẽ hệ thống NHTM của ta đã rệu rạo lại không có kỷ cương giống như "hội buôn tiền, luôn rình rập sơ hở của NHNN để xé rào và vùi dập lẫn nhau, cứ nhìn vào thị trường liên NH thì sẽ thấy. Như thế thì dòng tiền làm sao đổ về cho các DN được? Tôi rất hy vọng vào quyết sách của NHNN mà cụ thể là TĐ Bình vì phải đả thông được huyết mạch tài chính, mới nói đến giảm lạm phát và tăng trưởng”.

 

Thông điệp được Thống đốc Nguyễn Văn Bình gửi đi, theo nhận xét của bạn đọc là rất rõ ràng. Nhưng vấn đề là cần có sự phối kết hợp ra sao để có những điều chỉnh cần thiết dẫn tới một chính sách tốt nhất cho lĩnh vực tiền tệ này. Nguyen Chien:  chien5919@gmail.com bày tỏ:

 

“Đọc bài phỏng vấn, tôi thấy Thống đốc đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng về chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2012. Tôi rất thích cách làm việc như vậy của Thống đốc. Tôi cũng mong là các chuyên gia kinh tế khi nhận được thông điệp này sẽ có những phản biện khoa học, để từ đó có nhữnng điều chỉnh cần thiết và cuối cùng có được một chính sách tốt nhất. Tuy nhiên tôi không đồng tình với câu nói của Thống đốc là: "..năm nay bà con ăn tết sẽ rất khiêm tốn, chứ không còn tính chất hoang phí như mọi năm...", vì nhìn chung bà con ta thu nhập còn thấp lắm và luôn có ý thức tiết kiệm”.

 

Ngược lại,Phong phonglhnhct@yahoo.com nêu thắc mắc:

 

“… Quý 3/2011 đã nói nào là phải làm mạnh tay với những ngân hàng vượt trần lãi xuất như cắt chức 1 số giám đốc, cắt chức phó tổng giám đốc... 1 số Ngân hàng để làm gương. Bây giờ khi có tình trạng vượt trần lãi suất, Thống đốc lại trả lời "NHNN đều biết, thậm chí là biết rất rõ ngân hàng nào đang làm và huy động vượt trần bao nhiêu. Vì vậy, trong 3 tháng đầu năm 2012, NHNN sẽ tập trung để xử lý các ngân hàng yếu kém, để không quấy đảo thị trường" – Liệu có phải NHNN hết cán bộ để xử lý, để làm triệt để rồi? Và khi không tái cấu trúc được, chắc Thống đốc lại nói" Để tập trung làm việc ...đã, sang năm 2013 lại tái cấu trúc sau?”

 

Đồng thời, câu hỏi về việc sự dụng cụ thể tiền vốn lại một lần nữa được gửi tới Thống đốc:

 

“… Sáp nhập 5-8 ngân hàng ư? Phải chăng thông tin đã bị bưng bít quá lâu rồi? Như Thủ tướng đã nói: Các đồng chí có 1 đồng, nhà nước cho phép huy động 10 đồng. Tiền đó về cơ bản phải được sử dụng cho mục đích sản xuất, nhưng các đồng vốn đó đã được sử dụng vào mục đích gì ?? câu hỏi này có lẽ không ít người có thể trả lời được. Chúng ta đưa cho họ quả táo với mục đích các vị ăn táo, giữ lại hạt để nhân giống và làm ra nhiều quả nữa. Nhưng họ lại nghĩ quả táo đó là của trời ban, ăn xong… mặc bay, đến lúc hỏi còn quả nào không thì… ôi thôi !!!!!! còn hạt nữa đâu mà trồng và cuối cùng tái cấu trúc để mong có mầm xanh mới?” Đỗ Đinh Chung:  dinhchungk53@yahoo.com.

 

Song song với đó, những kiến nghị, đề xuất khá cụ thể đã được nhiều ý kiến nêu ra nhằm làm sao cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ, kinh doanh hiệu quả và góp phần thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển. Trước hết, đó là cần siết chặt  quy chế tín dụngvà xóa bỏ nghịch lý: các doanh nghiệp thì làm ăn khó khăn, trong khi các ngân hàng thương mại lãi cao.

 

“Thống đốc nên rà soát để lượng hóa dòng tiền gửi của công chúng có thể đạt được trong năm, để giao chỉ tiêu huy động theo tỷ lệ vốn tín dụng. Ví dụ: lượng tiền gửi năm tới chiếm tỷ lệ là bao nhiêu trong tổng vốn tín dụng, thì chỉ tiêu huy động cũng tương ứng. Mặt khác, căn cứ vào các dòng tiền với mức lãi suất khác nhau thì lãi suất của nguồn vốn tín dụng là bao nhiêu % năm; các ngân hàng được lãi khoảng bao nhiêu % để xây dựng trần lãi suất tín dụng. Không cần xây dựng trần lãi suất huy động vì huy động cao sẽ bị lỗ. Cần thắt chặt quy chế cho vay hơn là quy chế huy động. Làm được điều này thì các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn rẻ để kinh doanh có hiệu quả và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

 

Thực tế hiện nay các ngân hàng thương mại tranh thủ được nhiều nguồn vốn lãi suất thấp từ các dự án của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế v.v... Nhưng lại dựa vào cái "bình phong" lãi suất huy động để nâng lãi suất tín dụng để trục lợi. Đây là hình thức các ngân hàng thương mại thu lợi trên lưng các doanh nghiệp và rút ruột nền kinh tế. Nhìn lại những năm qua có biết bao nhiêu doanh nghiệp phá sản, sản xuất kinh doanh đình đốn hoặc lâm vào tình trạng bất ổn v.v... cũng vì lãi suất tín dụng quá cao. Trong khi các ngân hàng thương mại lại lãi cao. Thật là nghịch lý! Cơ chế này đã vô tình tạo điều kiện cho một nhóm người kinh doanh tiền tệ giàu lên nhưng lại làm các doanh nghiệp khốn đốn và đất nước lại nghèo đi! Cứ như thế này thì tiến trình phát triển của đất nước ta sẽ như thế nào?  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần siết chặt  quy chế tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn để đất nước phát triển bền vững” -  Thành Tâm:  hosovpdalat@yahoo.com.

 

Congnv  congnv123@yahoo.com bày tỏ lạc quan hơn trước những tín hiệu tích cực đang được người dân và các doanh nghiệp chờ đợi từ phía hệ thống ngân hàng trong năm mới:  

 

“Sang năm 2012 này, tôi biết Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ thoải mái hơn trong công việc, là do sẽ có chừng 10 ngân hàng thương mại, nhất là cổ phần nhỏ sẽ được phá sản và sát nhập vào các NHTM lớn hơn. Và như thế, quy mô ngân hàng sẽ bỗng dưng lớn hơn. Theo tôi, đây là tín hiệu tốt cho thấy hoạt động ngân hàng sẽ không còn manh mún, nhỏ lẻ nữa mà dần đi vào chuyên môn ngày càng cao và có tầm mức chi phối chủ lực và lớn hơn trước đây. Mà như thế, năng lực cạnh tranh càng được khẳng định để tiện ích hoạt động của ngân hàng sẽ phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn. Tôi rất mừng về những động thái mới này cho các tổ chức tín dụng Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Đó là điều tốt”.

 

Ngược lại, Nguyễn Đoan Trang trang1966@yahoo.com  vẫn bày tỏ lo ngại trước thực tế là lãi suất chưa thể giảm:

 

“Nhà nước cho thành lập quá nhiều ngân hàng trong khi không ít ngân hàng năng lực không có, nên dẫn đến đua tranh lãi suất, khiến người chịu thiệt là các doanh nghiệp và người dân… Chính phủ khẳng định mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát rồi mới đến giảm lãi suất. Nhưng bây giờ lạm phát đã giảm tháng thứ năm, thì quay ra lại bảo là thiếu thanh khoản. Lỗi này do ai? Bây giờ NHNN có bơm tiền vào mà không triệt để loại các ngân hàng yếu kém thì cũng như ‘Gió vào nhà trống’ mà thôi” -  

 

Phó TĐ P@gmail.com cho rằng vẫn còn “khe hở”: 

 

“Tại sao không ép các ngân hàng cho vay ở mức 16%? Như vậy lãi suất huy động sẽ tự trở về mức 14% mà không ngân hàng nào dám lách luật cả . Chứng tỏ vẫn để khe hở cho các ngân hàng yếu làm ăn đây. Ôi.....”

 

Bạn đọc có email hathanhhai78@vietcombank.com.vn nhận xét cụ thể:

 

“Tôi rất thích câu nói tiền bơm ra cần tập trung cho sản xuất và cần cơ cấu lại trong 5 -10 năm của Thống đốc. Cần trả về thực chất của thị trường, các khoản cho vay cần phản ánh đúng nguồn vốn các ngân hàng huy động được và phải đầu tư vào lĩnh vực tạo ra hàng hóa, thúc đẩy được sản xuất hiệu quả thì kinh tế mới phát triển được, tài chính tiền tệ ổn định, lạm phát được kiềm chế. Mong Thống đốc có nhiều sức khỏe, trí tuệ và đủ quyền hành để giúp hệ thống Ngân hàng VN vượt qua thời kỳ khó khăn này”.

 

Hoàng Thuấn:  Hoangthuancn@gmail.com cảnh báo:

 

“Làm sao để chính sách của Nhà nước mà trực tiếp là chính sách của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thực sự hiệu quả, thì lúc đó mới mong vực dậy được tình hình tài chính ngân hàng hiện nay. Tôi nghĩ, Ngân hàng Nhà nước nên tiến hành làm mạnh tay hơn nữa để đảm bảo tính mạnh mẽ của pháp luật Việt Nam. Chứ nếu ta cứ nhường một bước thì có thể sẽ phải nhường thêm nhiều bước nữa, lúc đầu còn bé thì còn giải quyết nhanh gọn được nhưng nếu để lâu thì "bệnh" sẽ ngày trở nên trầm trọng và khó chữa trị”.

 
Thông điệp từ Doanh nghiệp và nhân dân gửi Thống đốc Nguyễn Văn Bình - 2
Làm sao để dòng tiền lưu thông đúng hướng (ảnh minh họa)
 

Manh Huan htda_quyetthang@yahoo.com.vn thay mặt các doanh nghiệp nhắn gửi tới Thống đốc NHNN:

 

“Thưa Thống đốc, rất mong TĐ hết sức thông cảm cho chúng tôi là những DN vừa và nhỏ để DN chúng tôi có thể vượt qua được thời kỳ khó khăn này. TĐ cần kiểm tra các NH, vì thực tế là DN tôi vẫn đang phải vay với mức lãi suất là 21%/năm. Tôi nghe TĐ nói giữ mức lãi suất ở 15-18%/năm, nếu được như vậy thì các DN vừa và nhỏ chúng tôi đây còn có thể tồn tại được. Rất mong TĐ giúp đỡ chúng tôi”.

 

Đồng thời, nhiều lời bộc bạch cùng nhận xét, phân tích từng khía cạnh khác cũng được bạn đọc nêu ra:

 

“Nói chung căn bệnh này đã bị nhờn thuốc. Nếu NHNN không triệt để thì...”-  PHS  famhs2003@yahoo.com.

 

“Kỷ cương của nhà nước ta chưa được xử lý nghiêm minh. NHNN cần phải mạnh tay nhiều hơn nước để đảm bảo lợi ích chung của đất nước. Hạnh phúc nhất là đồng tiền VN được ổn định, lãi suất các loại vừa phải và hợp lý để góp phần phát triển kinh tế. Hiện nay lợi ích của các ngân hàng đang được lợi dụng triệt để. Thực chất họ chỉ ăn chênh lệch lãi suất giữa Gửi và Vay mà thôi. Cần cấm và xử lý triệt để các hình thức khuyến mại lách luật. Theo tôi có thể cho áp dụng quay xỏ số là hợp lý, không ai phản đối” - Pham Hai Duong:  haiduong201217@yahoo.com.vn

 

“Việc  hạ lãi suất là rất cấp thiết, hay áp dụng trần lãi suất cho vay. Trong thời gian qua, chúng ta cho quá nhiều ngân hàng thành lập, họ không có tiền hoặc chỉ là tiền ảo, cho nên ra sức huy động bằng mọi cách, làm rối loạn thị trường” - Delecong:  dethaobn@gmail.com

 

“Từ đầu năm tôi đã phải trả lãi suất cho ngân hàng Công Thương 22%. Đến giữa năm lại lên 24%, Ngân hàng Nông nghiệp giữa năm là 21%, nay là 22%. Vậy 2 ngân hàng này có vi phạm quy định của Thống đốc Ngân hàng hay ko. Nếu có thì xử lý như thế nào?” - Đinh Quang Hợp:  quanghop_1958@yahoo.com.

 

“Kể từ ngày lên Làm Thống đốc đến nay, chúng tôi thấy TĐ Bình đã làm được nhiều vấn đề trong công tác tiền tệ ngân hàng. Qua bài phỏng vấn trên cho ta thấy thông điệp của NHNN về cơ chế chính sách tiền tệ năm 2012 là đã rõ. Năm 2012 này chúng tôi mong mọi cơ chế của nhà nước cần được minh bạch hơn, để toàn dân cùng giám sát. Và trước hết mong Thống đốc tăng cường hơn nữa hệ thống thanh tra, giám sát các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các NHTM và tính tuân thủ các quy định pháp luật về lãi suất, tỷ giá về quản lý ngoại hối, tạo sự bình đẳng, minh bạch trong hoạt động của hệ thống. Đặc biệt là hoạt động khuyến mại trong huy động vốn, thu phí .....; đối phó hiệu quả với những tin đồn xấu gây xáo trộn tâm lý thị trường, xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm.

 

Trường hợp cấp bách NHNN chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành có liên quan trình Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt với quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tối ưu, khi thực hiện kiểm tra, giám sát trực tiếp các đơn vị có hành vi vi phạm quy định pháp luật hiện hành, thì được toàn quyền xử lý kịp thời và triệt để (với những chế tài mạnh, tịch thu tang vật, tước giấy phép, xử phạt nặng…) Làm vậy nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước và đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển đúng hướng, đúng mục tiêu của nghị quyết” - Nguyễn Xuân Toàn:  Xuantoan898@gmail.com nhấn mạnh…

 

Khánh Tùng