Thời của những cuộc chia ly màu đỏ

(Dân trí) - “Thời hoa đỏ đẹp thế. Giá thời gian quay trở lại...Những ngày này cách đây 40 năm (vừa đấy mà đã 14.600 ngày), anh ở 1 đơn vị Phòng không thuộc Sư đoàn 363 QCPKKQ bảo vệ Hải Phòng và cả vùng Đông Bắc. Mới mặc áo lính 7 tháng đã làm Khẩu đội trưởng…”

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

“… Dũng mãnh, kiên cường lắm. Không quân Mỹ, từ hạm đội 7 bao giờ cũng phải qua "cửa ải HP" rồi vào HN.

 

12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 năm ấy rét lắm. Càng rét hơn vì bọn anh luôn ở giữa trời đất, trống trơn...trên mình chỉ 1 chiếc áo sợi mỏng...Suốt 12 ngày đêm không ngủ dù 1 phút. Đồng đội nhiều người hy sinh….

 

Những người may mắn còn sống, còn sống đến tận hôm nay, thỉnh thoảng ngồi với nhau, bọn anh thầm nhủ thế là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ buồn, hình như chúng ta đã phải đánh đổi quá đắt để có ngày hôm nay mà những điều bao người VN chúng ta trong đó có cả những cựu chiến binh như bọn anh hằng mong ước, hình như vẫn còn xa vời quá…

 

40 năm đã qua. 37 năm "non sông đã về một mối" nhưng trong lòng thế hệ "một thời Điện Biên Phủ trên không" chúng ta vẫn bộn bề trăm mối. Sự thảnh thơi nếu có, chỉ ở những ai đó xa xôi…”

 

Đọc mấy dòng tâm sự ngắn ngủi xuyên không gian và thời gian từ người anh - người bạn cũ nơi quê nhà yêu dấu, trong tôi như hiện lại những thước phim về cái thời của những Cuộc chia ly màu đỏ. Màu đỏ được cánh trẻ chúng tôi ngày ấy yêu thích ngoài ý nghĩa là màu cờ, màu cách mạng, màu chiến thắng,  cũng có phần đóng góp đáng kể từ những vần thơ cháy bỏng của Nguyễn Mỹ thật sống động về tuổi trẻ - tình yêu thời chiến tranh…

 

Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng

Trưa một ngày sắp ngả sang đông

Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

 

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

 

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.

 

Không che được nước mắt cô đã chảy…
 
(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Chúng tôi cũng chia tay vào những ngày tháng không xa trước 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, nhưng là em tiễn đưa tôi – con trai duy nhất của một liệt sĩ từ quê hương Bác – lên đường du học. Đường đời trăm ngả, lấy được tấm bằng Đỏ về ngoại ngữ tại nước Nga, tôi trở về trường đại học để rồi đành xếp xó vốn tiếng Pháp (bị thất sủng nặng nề trước sự lên ngôi của tiếng Anh), chỉ tập trung dạy tiếng Nga.

 

Chúng mình đã hẹn nhau khi nào mua nổi “một túp lều tranh” đủ chỗ cho “hai trái tim vàng” sẽ làm đám cưới. Nhưng chiếc khăn voan trắng tôi mang về định chỉ trao tặng cô dâu trong mơ của mình trước ngày rước nàng về “dinh” (để tránh xui xẻo) vẫn ngủ yên trong đáy valy, sau một lần nép bên cửa nhà nàng tôi tình cờ nghe được lời mẹ em khuyên nhủ: “Mẹ cũng là người miền Trung, mẹ biết gánh họ hàng, làng xóm, gia đình nặng lắm. Chỉ lo con gái mẹ người Thủ đô chân yếu tay mềm, kham không nổi cảnh làm dâu cả dòng họ…”

 

Tôi bỏ đi không một lần quay lại, dù em hết lần này tới lần khác tìm gặp, giải thích…Trước khi một cô sinh viên đồng hương của tôi sang Nga, em  chết lặng cầm tấm thiệp hồng tôi trao…Để rồi không lâu sau đó, tôi nhận được tấm thiệp báo hỉ có 2 cái tên đều rất quen: 1 là em, 2 là anh - người bạn thân thần tượng "một thời đạn bom, một thời hòa bình" của cả tôi và em. Rời quân ngũ, anh trở lại mái trường xưa và đứng trên bục giảng...

 
Có một nỗi đau nào đó vẫn âm ỉ trong sâu thẳm con tim, tôi cứ đi, đi mãi lấy hết bằng nọ bằng kia mà vẫn chẳng đủ can đảm gặp lại người xưa…Cho tới một ngày vừa nhận tấm bằng tiến sĩ tại chính nơi được cho là bối cảnh để nhà văn Nga nổi tiếng Tchinguiz Aïtmatov viết  cuốn tiểu thuyết “Cây phong non trùm khăn đỏ”, tôi lặng người nhận hung tin em đã lặng lẽ ra đi…

 

Dịp kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không này, chúng tôi đã hẹn nhau sum họp. Nhưng liệu tôi có cầm nổi nước mắt khi nhìn lại di ảnh người xưa….Càng xót lòng hơn khi đối diện với anh – người cựu chiến binh, người thầy, người bạn một thời hoa đỏ… Tưởng rằng đã trọn vẹn tình yêu và hạnh phúc, mà vẫn mãi còn đó "nỗi buồn chiến tranh"...

 

Nam (từ Kyrgyzstan)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm