Dâu ta, dâu Tây

(Dân trí) - Là bạn học thân nhau từ thủa cấp ba, tưởng đâu chúng mình sẽ là một cặp trời sinh thanh mai trúc mã (như trong nhiều bộ phim Hàn Quốc vẫn chiếu trên TV đó). Nhưng… em đã ở trong tầm tay rồi mà anh dại khờ vẫn để hạnh phúc vuột trôi đi mất…

Warsaw tháng 12 (ảnh từ internet)
Warsaw tháng 12 (ảnh từ internet)

C
Chợ Giáng sinh ở Warsaw

 

Cùng là con nhà cán bộ công nhân nòng cốt, nhưng gia cảnh nhà em khó khăn hơn nhiều vì con đông, ba mẹ đều là con trưởng, gánh gia đình hai bên nội ngoại đều rất nặng vào cái thời bao cấp người khôn nhưng của rất khó đó.

 

Anh sướng hơn vì là con một, là cháu đích tôn nên dù đồng lương cha mẹ cũng eo hẹp, nhưng được cả dòng họ xúm vào chăm sóc với đủ mọi chính sách ưu tiên. Ngay cả vào những ngày tháng khó khăn nhất, dù chạn thức ăn cũng trống trơn như nhà em thì mẹ vẫn vắt óc nghĩ ra được một giải pháp bồi dưỡng riêng cho cậu quý tử. Đó là mỗi khi nấu cơm cho thêm lưng bát nước, cơm sôi chắt ra pha chút đường ép anh uống “lấy sức mà học cho giỏi”…

 

Thi thoảng có khoản bồi dưỡng trực đêm mẹ dúi cho, anh đều bấm bụng… không thèm liếc qua hàng xôi sáng, hàng chè đỗ đen tối, hàng quẩy nóng, bánh bao đêm để dành tiền mua vé mời em đi xem. Nhưng dù nào học nhóm chung, nào cùng em đi vớt bèo nuôi lợn, nuôi gà đỡ mẹ kiếm thêm tiền bỏ ống, đạp xe hàng mấy chục cây số chở em về quê nội quê ngoại…mà mãi tới khi xem bộ phim cuối cùng thời học sinh bên nhau có tựa đề “Tháng nóng nhất”,  anh vẫn chưa dám… cầm tay cô bạn xinh nhất lớp.
 
Một trung tâm thương mại của người VN ở Warsaw (ảnh: Thethaohcm.com.vn)
Một trung tâm thương mại của người VN ở Warsaw (ảnh: Thethaohcm.com.vn)

 

Em nhận giấy báo trúng tuyển đi học nước ngoài trước, anh hân hoan được ba mẹ em tín nhiệm giao trọng trách tiễn con gái tới địa điểm tập kết (để từ đó có xe đón đi tiếp tới biên giới, rồi mới đi tàu qua nước bạn). Người đi học, người tiễn đông như kiến cỏ, chỉ kịp nắm vội tay em dặn dò: - Cậu nhớ giữ gìn sức khỏe,  tới nơi viết thư ngay cho tớ.

 

Không muốn nói cho em biết anh đã tình nguyện nhập ngũ vì chưa có gì chắc chắn dù đang tổng động viên. Y như rằng, anh lẻn đi được vài hôm thì cha mẹ biết, tróc nã lôi về cho bằng được để rồi anh cũng rời VN nhưng  là đến một đất nước khác có “mùa tuyết tan” và “đường bạch dương sương trắng nắng tràn”…

 

Từ nơi xa xôi không còn âm vang tiếng bom đạn nữa, anh mới đủ can đảm ngỏ lời với em qua những dòng chữ run rẩy. Thư đi từ lại, cũng hứa hẹn rồi giận dỗi rồi làm lành… chẳng còn nhớ nổi là bao nhiêu lần nữa. Có điều ngày trở về chúng mình lại đôi ngả đôi đường, mà thật ra cũng chẳng ai hiểu rõ sự xa cách bắt đầu từ đâu…

 

Tới dự đám cưới người xưa mà lòng anh tan nát, giận mình, giận em tới mức cũng đã thầm nguyền rủa… Rồi em sẽ phải ân hận vì đã rời bỏ anh. Gia đình tưởng đâu hạnh phúc của em ai dè lại nửa đường đứt gánh, em biến mất tăm âm thầm chịu đựng cảnh một mình  nuôi con. Anh thì cứ hết mối tình trước chưa kịp đậm đà đã tới mối tình sau…vẫn nhạt đều như thế.

 

Rồi anh cũng cưới được một cô nàng xinh đẹp trẻ hơn mình cả chục tuổi và cũng vì cơm áo gạo tiền mà trôi dạt trở lại chốn xưa. Với vốn ngoại ngữ và vốn đường đời đã dày hơn nhiều sau những năm tháng lăn lộn kiếm sống vất vả nơi quê nhà, anh hùng hục như con thiêu thân lao vào thương trường. Cũng từng vài ba lần trắng tay, thậm chí còn suýt tù tội… rồi anh cũng làm được cái gì đó cho tương lai vợ con, để rồi trở lại gặp em với một tư thế hoàn toàn khác.

 

- Nghe danh anh đã lâu, nghe nói đã là một trong những “tướng” hoặc “soái” đi đâu đều có vệ sĩ Tây tiền hô hậu ủng? – Em khum tay vờ làm micro phỏng vấn một trong những đại biểu Việt kiều về nước ăn Tết.

 

- Còn mẹ con em giờ ra sao? Em sống có hạnh phúc không?

 

- Cháu đã lớn và đi du học, em vẫn… phòng không… Cũng có người này người kia, hoặc được giới thiệu, hoặc tự mình gặp gỡ… Nhưng thương mẹ chồng em quá, cụ đã hy sinh tất cả để một mình nuôi con. Con trai mất rồi, chỉ còn con dâu và cháu nội là nơi nương tựa…

 

Vợ anh giờ đang sống cùng con du học bên Mỹ. Cô ấy tự nhận mình là “dâu Tây” chỉ có thể bày tỏ tình cảm với cha mẹ chồng bằng những khoản tiền được gọi là “kiều hối” chuyển về nước mỗi năm. Thi thoảng có bay về Việt Nam dăm bữa nửa tháng lại đi suốt từ sáng đến tối lo chuyện hàng họ, đối tác làm ăn, du lịch. Hiếm khi ăn được với các cụ bữa cơm nói gì tới chuyện trò, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người mà tiền của đã chẳng còn ý nghĩa. 
 
(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Khi đã lại lênh đênh trên những tầng mây trắng xốp, anh chợt thấy lòng mình chua xót. Nếu như chồng em không đi trên chuyến máy bay định mệnh rơi ở gần Bangkok ngày nào, anh ấy chắc chắn đã hạnh phúc hơn anh rất rất nhiều… Nhưng hạnh phúc chẳng  phải chỉ như chiếc chăn hẹp đó sao, người này kéo được nhiều hơn thì người kia ắt phải chịu lạnh. Mà em của anh bao giờ chẳng sẵn lòng nhường may mắn hơn cho người khác…

 

Hoàng (từ Warsaw)