Ý kiến Luật sư:

Thiếu tiếng nói của các tổ chức xã hội trong vụ án “bầu” Kiên

(Dân trí) - Phần lớn câu hỏi nảy sinh từ dư luận về vụ án “bầu” Kiên lẽ ra có thể được viện dẫn, giải thích, phản biện từ những tổ chức của doanh nghiệp như Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Hiệp hội Ngân hàng VN (VNBA)… Nhưng sao vẫn im hơi lặng tiếng?

Vụ án ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về 04 tội danh đang được xét xử tại TAND Hà Nội thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Cũng về vụ án này, Luật sư (LS) Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng LS Trương Anh Tú - Đoàn LS Hà Nội) tiếp tục chia sẻ ý kiến về vai trò của những tổ chức, hội đoàn của các doanh nghiệp, doanh nhân như sau:
 

Vụ án khiến giới doanh nhân lo ngại, LS và nhiều người dân cùng quan ngại bởi nhiều lẽ...

 
Thiếu tiếng nói của các tổ chức xã hội trong vụ án “bầu” Kiên
 
 
Trước toà, “bầu” Kiên đã đọc nội dung của lá đơn kêu cứu của mình gửi đến Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan công quyền liên quan (ảnh). Còn LS bào chữa cho “bầu” Kiên thì cầu cứu đến Quốc hội để giải thích luật.
 
Không chỉ vậy, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, các LS và doanh nhân còn nêu nhiều ý kiến thể hiện quan điểm đa chiều về vụ án này. Đa số bày tỏ quan ngại về các cơ sở pháp luật được viện dẫn để buộc tội “bầu” Kiên cũng như với các bị cáo còn lại.

 

Không giống những vụ án kinh tế khác, nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng trong vụ “bầu” Kiên những chứng cứ cũng như cơ sở viện dẫn pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng là còn “mù mờ”, thiếu thuyết phục.

 

Từ vụ án này, một loạt các câu hỏi lại nảy sinh mà vẫn chưa có được lời giải thoả đáng như: Tài chính, kinh doanh tài chính là gì? Kinh doanh tài chính (khi đã thành lập doanh nghiệp - DN) có cần phải xin “Giấy phép con”? Nguyên lý kinh doanh những gì pháp luật không cấm hay kinh doanh những gì pháp luật cho phép? Hợp đồng giữa DN với cá nhân có phù hợp pháp luật? Thế nào là hợp đồng trá hình? Thế chấp cổ phần có làm chấm dứt quyền sở hữu? Thế nào là cố ý làm trái quy định của Nhà nước? Nhân dân, dân doanh có nghĩa vụ thực hiện chính sách quản lý kinh tế vĩ mô? Quyền tự do kinh doanh là gì?...

 

Phần lớn các câu hỏi này có thể được viện dẫn, giải thích, phản biện từ những tổ chức của doanh nghiệp như VCCI, VNBA… Nhưng kể từ khi xảy ra vụ án cho đến khi các bên có những tranh luận “nảy lửa” tại trong cũng như ngoài phiên toà, chúng ta không thấy bất cứ thông điệp nào được phát đi từ các hiệp hội này. Vậy họ đi đâu cả rồi?

 

Xin thưa: Sáng nay tôi nhận được mail của họ mời tôi tham gia khoá đào tạo (về đấu thầu và có thu phí), từ phía mời, "ông" còn lại do không dám quá tin tưởng vào trí nhớ của mình nên tôi phải hỏi “ông Google” xem có cái hiệp hội này (trên đời) không (có thể vì hoạt động của họ quá mờ nhạt với công chúng).
 
Trong khi tôi đã được biết rằng VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng DN …ở VN nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các DN và “tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của DN”.  Còn VNBA là tổ chức nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức tín dụng VN…hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên… góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”.

 

Công bằng mà nói trách nhiệm viện dẫn, giải thích, phản biện trong vụ án này không chỉ riêng của VCCI, VNBA mà là trách nhiệm chung của rất nhiều cơ quan tổ chức (Quốc hội, Liên đoàn LS, Hội Luật gia, Viện Khoa học xã hội…) nhưng không thể phủ nhận được trách nhiệm, vai trò chính, trực tiếp là của hai tổ chức này.

 

Cũng không chỉ có vụ án (kinh tế) này, thực tế tất cả những vụ án kinh tế hiện nay chúng ta đều tuyệt nhiên không thấy “bóng dáng” các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Mà theo tôi, điều đó đã làm hạn chế một chức năng cơ bản của các hiệp hội, đó là: bảo vệ, tham mưu và phản biện”. Vậy còn chờ gì nữa, đây là thời điểm thích hợp đề những tổ chức xã hội này “bước ra khỏi phòng lạnh” và tham gia đóng góp cho xã hội, cho hội viên của mình!

 

LS Trương Anh Tú

 

VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng DN, nơi sử dụng lao động và các hiệp hội DN ở VN nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa VN với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. VCCI à tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính (Nguồn: http://www.vcci.com.vn0
 
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh “Vietnam Banks’ Association”, (viết tắt là VNBA) được thành lập theo Quyết định số 247/TTg, ngày 14 tháng 5 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quyết định 131/TCCP, ngày 5 tháng 10 năm 1994 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) công nhận Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) Việt Nam; Quyết định số 43/2003/QĐ-BNV, ngày 1 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của HHNH Việt Nam (Nguồn http://www.vnba.org.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm