Thấy gì từ những vụ lừa đảo kinh hoàng

(Dân trí) - Nếu người dân bị lóa mắt vì lãi suất cao, vậy các cơ quan chức năng đã làm gì mà không sớm phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu lừa đảo này?


Vào ngày 8/4, dân bức xúc tố cáo công ty Modern Tex chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 nghìn tỷ đồng từ tiền ảo tại TP. HCM

Vào ngày 8/4, dân bức xúc tố cáo công ty Modern Tex chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo tại TP. HCM

Vụ Tổng giám đốc công ty đào tiền ảo 'lớn nhất Việt Nam' biến mất, một lần nữa là hồi chuông cảnh báo cho tất cả những người nhẹ dạ cả tin và các cơ quan chức năng.

Điểm chung nhất từ trước tới nay, những đối tượng lừa đảo thường vẽ ra những khoản lãi suất cao tới mức phi lý. Vì hám lợi, những nạn nhân dễ dàng bị rơi vào vòng xoáy ma thuật của những lời thuyết giảng về các con số. Dù rằng, nếu chỉ cần bình tĩnh chút thôi và phân tích, không khó gì nhận ra sự bịp bợm khá thô thiển: Lãi suất không tưởng.

Chẳng hạn, Cty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ) khi kêu gọi đầu tư đã không ngại ngần quảng cáo: Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư. Đóng tiền xong, Cty sẽ xuất máy cho nhà đầu tư và họ ký gửi lại để tiến hành đào tiền ảo. Và, yêu cầu nhà đầu tư với số tiền từ 100 – 5.000 USD. Như vậy, từ những người nghèo cho tới người có tiền đều có thể bị dụ … vào tròng lãi suất. Một số người đã đầu tư từ 5- 10 tỉ đồng.

Trong khi, ai cũng biết, lãi suất tới 300% - điều mà các đối tượng buôn bán ma túy cũng chỉ có … nằm mơ.

Đáng nói là, trước đó, một số vụ án gây rúng động dư luận cũng liên quan đến các loại tiền ảo. Như vụ AOC tại những huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang hay vụ Cty cổ phần Modern Tech bị tố cáo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan. Thậm chí, công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng!?...

Hoặc không phải dùng đến chiêu thức tiền ảo, nhưng cũng với chiêu lãi suất rất cao, dù rất mơ hồ về cách làm gì để sinh lãi, Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) vẫn dễ dàng lừa đảo được hàng vạn bà con nông dân nghèo.

Theo kết luận điều tra vừa công bố, nguyên Chủ tịch và nguyên Tổng giám đốc của Trung tâm này cùng 4 đối tượng khác bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị can này lợi dụng danh nghĩa Trung tâm hỗ trợ người nghèo tổ chức nhiều chương trình khác nhau để huy động hơn 100 tỉ đồng của khoảng 40.000 người ở hơn 20 tỉnh thành.

Trong đó, riêng chương trình "Trái tim Việt Nam", để mồi chài nông dân, Trung tâm này không chỉ trả lãi suất cao mà đưa ra những con số rất dễ hình dung: Nông dân nộp 1,2 triệu đồng sau 6 tháng sẽ được hỗ trợ 5,2 triệu đồng, nếu nộp 1,9 triệu đồng sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng, nếu nộp 7,5 triệu đồng sẽ nhận hỗ trợ 50 triệu đồng... Số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Vì vậy, không cần biết các đối tượng lừa đảo kêu gọi đầu tư làm ăn kiểu gì để có lãi suất cao không tưởng như vậy, nhiều người vẫn nhắm mắt đưa tiền cho ... quái thú.

Nhưng, dư luận có quyền hỏi: Nếu người dân bị lóa mắt vì ham lãi suất cao, vậy các cơ quan chức năng đã làm gì mà không sớm phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu lừa đảo này?

Chẳng hạn, bị can Trần Đức Trung (nguyên Chủ tịch HĐTV Trung tâm hỗ trợ người nghèo) cùng thuộc hạ có thể rao giảng lãi suất không tưởng ấy một thời gian dài và trên nhiều địa bàn.

Thậm chí, khi bị báo chí lên tiếng những dấu hiệu lừa đảo, bị can Trung còn dám đe dọa và kiện họ.

Hoặc như, những kẻ lừa đảo vô tư kêu gọi đầu tư tiền ảo trong các vụ án nêu trên, dù rằng, với Việt Nam, hiện những đồng tiền ảo hiện không được chấp nhận sử dụng.

Vậy nhưng, tại sao các đối tượng này có thể rao giảng một cách công khai những lợi ích việc đầu tư tiền ảo trong thời gian dài và ở nhiều địa điểm? Phải chăng, chính những cán bộ có trách nhiệm cũng ù ù cạc cạc về đồng tiền ảo nên “nằm im” cho lành hay còn những lý do tế nhị gì khác?

Và vì sao hầu hết các vụ án kiểu này chỉ được khui ra khi có nhiều đơn thư tố cáo và báo chí phản ánh?

Vương Hà