Bạn đọc viết:
Thanh tra, kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm
(Dân trí) - Nguyên nhân gián tiếp làm cho tình trạng tham nhũng tràn lan là việc thanh tra kiểm tra, kiểm toán còn quá yếu kém cả về nhân lực lẫn vật lực. Kết quả còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, chưa đáp ứng được sự trông đợi của Đảng và nhân dân.
Thời gian gần đây tình trạng tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đảng ta đã nhận định đó là quốc nạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là việc buông lỏng quản lý, thể chế, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ...Tuy nhiên, nguyên nhân gián tiếp làm cho tình trạng tham nhũng tràn lan là việc thanh tra kiểm tra, kiểm toán còn quá yếu kém cả về nhân lực lẫn vật lực.
Những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều văn bản pháp luật nâng cao vai trò, vị trí cũng như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành thanh tra, kiểm tra cũng như có nhiều chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tuy vậy, kết quả công tác của các ngành này còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, chưa đáp ứng được sự trông đợi của Đảng và nhân dân. Tình trạng tham ô, tham nhũng vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, thậm chí còn có xu hướng coi thường pháp luật, “nhờn luật”.
Nhiều vụ án tham nhũng lớn, mặc dù đã qua hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thuộc nhiều cấp và các Bộ, ngành khác nhau nhưng vẫn không phát hiện ra được các sai phạm dù rất lớn. Có người nói ví von “lỗ kim voi chui lọt” mà thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra. Chỉ đến khi các vụ việc vở lỡ, người ta mới thấy hàng loạt sai phạm.
Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong các trường hợp này được quy định như thế nào? Chẳng lẽ cứ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đến cơ quan, doanh nghiệp xong rồi bỏ đó? Hậu quả sau này xảy ra thế nào thì thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại… phủi tay, hết trách nhiệm? Vậy thì thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để làm gì khi phần lớn sai phạm không phải do thanh tra, kiểm tra phát hiện. Mà chủ yếu là do báo chí, nhân dân hoặc chính trong nội bộ các tổ chức, doanh nghiệp “đấu đá” nhau, tố cáo nhau mới lộ ra sai phạm?
Tôi nghĩ, cho dù chưa nói đến các tiêu cực thì riêng việc đón tiếp, chuẩn bị tài liệu, thời gian... để làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng chiếm rất nhiều thời gian, tiền bạc của các cơ quan, doanh nghiệp, gây lãng phí rất lớn. Chưa kể nữa là mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc thì tổ chức, cá nhân bị thanh tra, kiểm tra còn bị ảnh hưởng đến uy tín, gây sự nghi ngờ của các đối tác, nhân dân trong việc quản lý điều hành, giao dịch, làm ăn. Bởi vì tâm lý chung thường suy ra là: nếu bị thanh tra, kiểm tra “sờ gáy” chắc phải có vấn đề này nọ gì đó... Điều đó gây bất bình cho các tổ chức, cá nhân trong việc giao dịch, làm ăn cũng như ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bình thường của họ.
Do đó, ngoài sự cần thiết yêu cầu quá trình thanh tra, kiểm tra phải thận trọng, khách quan thì thanh tra, kiểm tra cũng cần có trọng tâm, trọng điểm. Tránh tình trạng tiến hành thanh tra tràn lan, đồng loạt nhưng kết quả thanh tra, kiểm tra thường chỉ dừng lại là… sai phạm nhỏ, không đáng kể. Kết luận thường chung chung, nêu vài khuyết điểm, sai phạm… cho có chứ không xử lý kiên quyết đến nơi, đến chốn. Dẫn đến bao che, tiêu cực, không tuân theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét việc quy định trách nhiệm đối với các cơ quan, cá nhân khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trong trường hợp không phát hiện sai phạm thì phải chịu trách nhiệm liên đới nếu sau các đợt thanh tra, kiểm tra mà tổ chức, doanh nghiệp vẫn có sai phạm, tham nhũng.
Làm được điều này không chỉ hạn chế tham nhũng, tiêu cực đối với ngay ngành thanh tra, kiểm tra mà còn nhằm góp phần tăng cường trách nhiệm của ngành thanh tra, kiểm tra trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong toàn xã hội.
Vĩnh Linh (Kon Tum)