“Thành phố đáng sống”, “thông minh”… và còn gì nữa?

Nhiều đô thị hiện đang phát “sốt” với mục tiêu xây dựng “thành phố thông minh”. Trước đó là “thành phố đáng sống”, “đô thị thân thiện với môi rường”… Liệu chúng ta có đang mải miết chạy theo các trào lưu thời thượng?


TP HCM đang xây dựng đề án đô thị thông minh. Ảnh: Giang Hồng

TP HCM đang xây dựng đề án đô thị thông minh. Ảnh: Giang Hồng

Các đô thị như Đà Nẵng, Hà Nội TP Hồ Chí Minh, và cả Vinh (Nghệ An)… đều tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu xây dựng “thành phố thông minh”, hay “đô thị thông minh”, mặc dù chưa có văn bản pháp quy nào định nghĩa về khái niệm đó.

Theo giải thích của một số cán bộ, chính khách trên báo chí, thì đô thị thông minh có nghĩa là ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý xe buýt công cộng, hệ thống điều khiển giao thông và camera thông minh, hệ thống giám sát nước uống nhà máy nước, điều khiển máy bơm thoát nước tự động... hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn….

Hiện chúng ta chưa có “đô thị thông minh” trong thực tế, mỗi địa phương tự xây dựng nên một mô hình đô thị thông minh, theo các ý tưởng của họ nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất, các giải pháp nói trên không có gì mới, đã được nêu ra nhiều, nhưng kết quả thì chưa được bao nhiêu.

Trước đây, Đà Nẵng nổi tiếng với danh hiệu “Thành phố đáng sống”. Sau đó, một số địa phương khác cũng đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố tương tự Đà Nẵng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, tiêu chí được nêu ra một cách chung chung, không có gì đặc biệt hay đột phá; chủ yếu khác ở cái tên đề án.

Trở lại mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, thiết nghĩ điều kiện cần là một đội ngũ cán bộ công chức, viên chức… thông minh. Điều này, không hề đơn giản, thậm chí là vô cùng khó, với cơ chế, nguồn lực hiện tại. Rồi nữa, người dân đô thị cũng phải… thông minh, lại càng khó bội phần.

Người Việt vốn nhạy cảm với cái mới và thích sử dụng các khái niệm mới, thời thượng, tuy nhiên ít quan tâm đến bản chất sâu xa của vấn đề.

Dù là thành phố thông minh hay… bình thường thì chúng ta cũng phải tập trung giải quyết các vấn đề muôn thuở, là nâng cao mức sống, điều kiện sống của người dân như văn hóa – giáo dục – y tế, bảo đảm tốt các khâu thủ tục hành chính, an ninh trật tự, an sinh xã hội, các thiết chế công cộng, kiến trúc, vệ sinh môi trường, con người sống hài hòa, nhân ái, thân thiện…

Vậy có cần thiết phải đề ra và theo đuổi các đề án, nghe qua có vẻ thời thượng, với sức hấp dẫn của hình thức ngôn từ, nhưng thực chất “bình mới rượu cũ”?

Thay vì các ngôn từ bóng bẩy, thiết nghĩ, chỉ cần đặt ra mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, là đúng và đầy đủ, cũng như không bao giờ “lỗi mốt”.

Theo Trần Quang Đại

Báo Lao động