Bạn đọc viết:
Tháng Bảy tri ân trên mảnh đất máu và hoa quê hương tôi…
(Dân trí) - Lòng tự hào của mỗi người con đối với nơi chôn nhau cắt rốn là lẽ tự nhiên. Riêng tôi, niềm tự hào về quê hương Quảng Trị anh hùng vừa rất thiêng liêng, vừa chất chứa những nỗi niềm khôn tả. Với quê hương, tôi luôn còn có biết bao điều muốn nói.
Quảng Trị của tôi có cây cầu dài chưa tới 200 mét mà cả dân tộc phải đi ròng rã trong suốt 21 năm dài, đi bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả tuổi thanh xuân… Quảng Trị của tôi, dân số chỉ hơn 500 nghìn người, nhưng là quê hương vĩnh viễn của hàng nghìn người khác, để thi thoảng người dân làm nhà, lại phát hiện ra những bộ hài cốt… Quảng Trị của tôi là vậy.
Quảng Trị quê tôi - nơi từng là chiến trường khốc liệt, được gọi là mảnh đất của máu và hoa - mùa tháng Bảy này dòng người đổ về rất đông. Trong số đó có những người là cán bộ cấp cao, có những người thành danh ở nhiều lĩnh vực, cũng có người chỉ là người lao động bình thường, là những nông dân quanh năm lam lũ. Tất cả trở về để thăm lại chiến trường xưa và hơn hết là để tri ân các đồng đội. Trong dòng người đó cũng có cả những người mẹ vào thăm con, người vợ thăm chồng, người con đến thăm cha, cháu thăm ông...
Dòng người ấy vào Thành Cổ, thắp hương lên nấm mồ chung, chạm tay vào từng ngọn cỏ tựa như vỗ về thân thể những người đã nằm xuống ở đâu đó bên dưới. Rồi họ ngược lên nghĩa trang Trường Sơn, đốt nén hương cho ấm lòng người đã khuất. Những bè hoa lại được thả xuống dòng Thạch Hãn…
Và đêm tháng Bảy ấy, cả dòng sông sáng rực không chỉ bởi ánh sáng hữu hình của đèn hoa đăng, mà còn bởi thứ ánh sáng vô hình đang rực cháy trong hơi thở của những người đang sống và cả trong trái tim những người đã nằm xuống mãi mãi với tuổi thanh xuân. Đêm Trường Sơn cũng ấm hơn bởi hơn mười nghìn ngọn nến thắp sáng lên từng ấy bia mộ. Hàng dương xanh ngát rì rào cùng gió, ngân lên những giai điệu chào đón dòng người.
Tháng Bảy về, tôi lại nhớ những câu chuyện của nội. Ngày trước, khi ông ra tiền tuyến, nội ở nhà lặng lẽ nuôi quân, chèo đò đưa bộ đội vượt dòng Thạch Hãn. Người nội nhỏ thó, lọt thỏm giữa con đò. Trên đầu là tiếng súng, tiếng pháo mà tay chèo vẫn chẳng ngừng nghỉ.
Nhà hết gạo, ba tôi và các chú nhiều khi phải ăn sắn trừ cơm, nhưng nội luôn để dành gạo cho các anh bộ đội. Trong câu chuyện của nội, các anh bộ đội ngày ấy đều là dân trí thức, ai cũng trắng trẻo, thư sinh chứ chẳng phải đen đúa và chắc nịch như trai tráng trong làng, khiến nội nhìn mà thương. Thương nhất là mới nhìn họ cười nói hôm nay, tiếng gọi mẹ thanh thanh mới hồi tối đây thôi, mà ngày mai đã phải vuốt mắt, đắp mộ…
Ngoại tôi thì ngày đêm xuôi Thạch Hãn cùng những câu hò địch vận. Tiếng hò quê hương man mác, da diết của ngoại đã thức tỉnh bao trái tim lạc lối trở về. Cũng tiếng hò ấy chất chứa bao niềm thương nỗi nhớ của người hậu phương, gửi gắm bao ân tình, động viên người nơi tiền tuyến. Tiếng hò của ngoại chỉ vắng trong một ngày, đó là cái ngày cậu Hai tôi hi sinh, xác bị kéo lết giữa cồn cát... Trái tim người mẹ vò xé, ruột như đứt ra từng khúc... Dì tôi kể, trong mắt ngoại lúc đó không có nước mắt mà có máu. Và hôm ấy, ngoại cất lời ru vỗ về giấc ngủ ngàn năm cho đứa con đã đi xa…
Để kể chuyện về chiến tranh, về những đau thương, mất mát ở Quảng Trị thì từ năm này sang năm khác cũng không bao giờ hết. Nếu để mô tả về nỗi đau mà bao con người từng sống, chiến đấu ở đây đã trải qua thì cũng không từ ngữ nào có thể diễn tả được cho đầy đủ.
Song, giờ đây, tất cả đã là ký ức. Cái ký ức ấy hiển hiện âm thầm, lặng lẽ qua những tấm bằng chứng nhận Huân chương kháng chiến, chứng nhận thương binh của cô chú tôi, của dì tôi. Cái ký ức ấy ẩn chứa ở tấm bằng công nhận liệt sĩ của cậu Hai, cậu Ba tôi. Ký ức ấy ẩn giấu trong đôi mắt thẳm sâu, khô khốc của ngoại đau đáu nỗi đau trong những ngày giỗ con. Ký ức ấy thấp thoáng qua niềm hi vọng của nội tôi, rằng có người còn sống trong hàng trăm người con mà nội nuôi ngày ấy… Để trước khi nhắm mắt, nội dặn ba: “Nếu các anh có về tìm, nói với các anh rằng mẹ đi trước”. Nhưng… không một ai trở về, ba ngậm ngùi nói: Nghĩa là tất cả họ đã đi trước nội tôi từ những ngày tháng ấy…
Thời đại mới dạy chúng tôi - lớp người thuộc thế hệ trẻ, rằng phải khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tôi hiểu rằng chỉ là khép, là tha thứ, chứ không bao giờ được phép quên. Tôi không thể quên dù những câu chuyện đó chỉ sống trong tôi qua những lời kể, qua những mường tượng trong tâm trí. Và tôi cứ mãi tự hỏi: nếu những người đã chứng kiến, đã trải qua thì liệu những nỗi đau ấy có phai nhạt không, lòng tiếc thương ấy có còn lưu luyến mãi không? Hay tất cả đã lắng xuống và nằm sâu trong tâm khảm của mỗi người…
Thế nên, đôi khi bạn bè, đồng nghiệp có chê cười, trêu ghẹo bởi giọng nói trầm nặng, tôi vẫn nói rằng cái trầm, cái nặng ấy đều có lý do. Là trầm, là nặng của ân tình, của quá khứ đó. Là trầm, là nặng rất riêng của đất thiêng Quảng Trị quê tôi.
Tự hào thay, tôi là một người con của Quảng Trị!
Diệu Ái
email: dieuai241287@gmail.com