Tham nhũng thì minh mẫn, đi tù thì “điên”?

Dư luận đặt ra nhiều nghi ngờ về những vụ án khi bị khởi tố, kẻ tham nhũng đi giám định “bỗng nhiên” lại mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là những vụ án lớn, khiến người dân vô cùng bức xúc. <br><a href='http://dantri.com.vn/dien-dan/dien-kia-moi-that-tai-tinh-945319.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Điên kia mới thật tài tình!!!</b></a>

Mới đây, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đánh giá về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2014. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu phản ánh và tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhiều vụ án tham nhũng, sau khi khởi tố điều tra thì bị can lại bị bệnh tâm thần, dẫn đến không phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đình chỉ vụ án. 
 

Xung quanh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng tỏ ra băn khoăn: “Tình hình này có vấn đề gì không, tâm thần thật hay là đối phó?. Dư luận rất bức xúc khi giám định là tâm thần nhưng giải quyết việc gia đình, bàn chuyện lại rất tỉnh táo?”

 

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 

 

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay vẫn có một số vụ án tham nhũng lớn ở các địa phương kéo dài, chưa xử lý được vì các “quan tham nhũng ”đang bị “điên” và “an tọa" trong bệnh viện.

 

Báo cáo của Chính phủ về công tác này trong năm 2014 cũng thừa nhận công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, thời gian giám định dài, kết luận giám định chưa thực sự rõ ràng, phải trưng cầu giám định nhiều lần, năng lực chuyên môn của giám định viên hạn chế ... Điều này cũng là một trong những nguyên nhân tiếp tay cho những kẻ tham nhũng lợi dụng trốn tội.

 

Trở lại quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự, người không phải truy cứu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự) là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

 

Tuy nhiên, ở đây cần làm rõ, khi thực hiện hành vi phạm tội, kẻ tham nhũng đã mắc bệnh tâm thần hay chưa? Chỉ khi nào người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Trong trường hợp này, thử hỏi đối với các đối tượng tham nhũng thường là có hành vi rất tinh vi, xảo quyệt thì một kẻ mắc bệnh tâm thần có thể thực hiện được không và nếu bị tâm thần trong một thời gian dài, tại sao cơ quan quản lý không phát hiện?. Ai, cơ quan nào đã tiếp tay cho hành động trốn tránh pháp luật này?.

 

Tham nhũng chính là “giặc nội xâm”. Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm”.

 

Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc cần nghiên cứu sửa đổi Luật Giám định tư pháp, thì giải pháp quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người. Bởi các quy định pháp luật dù hoàn hảo đến đâu nhưng người thực thi pháp luật tâm không trong sáng, không có tinh thần, ý thức, trách nhiệm, thì vẫn cố tìm cách lợi dụng để vi phạm pháp luật và trục lợi.

 

Trong tình hình hiện nay, việc phát hiện và xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu, có tác dụng tích cực để răn đe, phòng ngừa và đẩy lùi tham nhũng, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

 

Không thể có chuyện tham nhũng thì minh mẫn, đi tù thì “điên”!

 

theo Thu Hằng
báo điện tử ĐCSVN