Tết bây giờ thừa mà thiếu?

Hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, cái tết bây giờ khác trước rất nhiều. Khác nhiều lắm, ai thuộc thế hệ 7X về trước đều thấy rõ, còn thế hệ 8X cũng có thể hình dung được. Trong sự khác biệt đó, xin được kể ra một số thứ “thừa mà thiếu” của tết nay so với xưa.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tết bây giờ về mặt vật chất không thiếu, nếu không muốn nói là khá đầy đủ. Ngày tết lương thực, thực phẩm không thiếu, kể cả người nghèo, Nhà nước cũng nỗ lực để ai cũng có tết. Hàng hóa phục vụ tết la liệt khắp nơi, không thiếu một thứ gì, nhà sản xuất và nhà phân phối đưa hàng hóa phục vụ “thượng đế” đến “tận chân răng”.

Trước tết độ nửa tháng, đường phố đã được trang hoàng quang tráng, về đêm lấp lánh, lung linh ánh điện màu rất đẹp. Trung tâm các tỉnh lỵ, huyện lỵ, thị trấn, thị tứ rực rỡ những chợ hoa tết. Các chương trình vui tết đón xuân thì đủ mọi loại hình, sẵn sàng phục vụ tết cho người dân.

Giờ giao thừa điểm là tin nhắn điện thoại, tin nhắn online rộn ràng, thật là vui... Giờ giao thừa, ánh sáng pháo hoa rực sáng nơi nơi, tỉnh nào cũng có. Nhưng hơi đáng tiếc, sáng hôm sau, ở những điểm đón giao thừa, rác “thừa” vứt không ít.

Sáng mồng một đi chùa hái lộc lấy hên, thay vì ngắm lộc, ngắt vài cái lộc non tượng trưng thì nhiều người bẻ cành phá cây, cầu lộc cho mình mà quên giữ lộc cho môi trường.

Xưa đi lễ chùa bằng sự thành tâm, sâu lắng, chậm rãi. Nay đi lễ chùa ta thấy không ít cảnh chen lấn như “vỡ trận”, tranh nhau cúng bái, dâng lễ ồn ào, bát nháo. Không ít người “sờ tượng”, nhét tiền vào tai tượng, dâng lễ linh đình, khác gì “hối lộ” thần thánh.

Tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ, người già có nơi có lúc được thay cho quan hệ “trên mức tình cảm” của người lớn. Chút quà tết mừng xuân thể hiện sự quan tâm, yêu quý lẫn nhau đôi khi đã bị biến tướng thành quan hệ làm ăn hoặc đút lót, biếu xén, “lại quả”... và đã thành cái “lệ” trong xã hội.

Xưa chơi bài ngày xuân cốt để vui, lấy may mắn, giải trí, còn nay chơi bài biến tướng thành nạn cờ bạc, sát phạt bằng tiền, làm cho không ít gia đình “tan nhà nát cửa”, nợ nần. Nạn trộm cắp cũng một phần từ đó sinh ra.

Tết xưa trẻ chơi đu, chơi cù, ném cồn, thả diều, đánh đáo... Tết nay trẻ lúc nào dán mắt vào điện thoại chơi game, “bắt con Pokemon”. Xưa trẻ miễn được lì xì là vui, thích cái bao lỳ xì có hình nhành mai vàng, đào đỏ hơn là thích tiền. Trẻ xưa rất hồn nhiên và vô tư. Còn nay, khách vừa mừng tuổi, trẻ đã mở ra xem số tiền bao nhiêu, nhiều trẻ “vô tư” chê ít trước mặt khách.

Tết xưa cũng bánh chưng, bánh tét, thịt lợn, dưa hành nhưng ngon và “lành”, còn nay thì vừa ăn vừa “sợ”, thiếu yên tâm. Bánh chưng luộc bằng pin cho mau chín, thịt lợn thiếu an toàn vì dư lượng thuốc tăng trọng, tạo nạc; chất “hô biến” thịt lợn ươn bốc mùi thành thịt lợn tươi; rau, củ, quả cũng chả biết lấy cơ sở gì để tin là “sạch”.

Xưa “ngày xuân nâng chén ta chúc cho nhau” với chén rượu “mắt trâu”, uống nhiều cũng không quá 3 lượt mỗi người, còn bây giờ rượu chè bét nhè, bí tỉ, say khướt. Tai nạn giao thông vì rượu bia, tết nào cũng hiện lên những con số đáng sợ.

Tết nay dù vắng tiếng pháo nhưng cũng ồn ã, tấp nập, rộn ràng. Trừ sáng mồng một, các con đường đều đông đúc, xe cộ giăng như mắc cửi. Ô tô con ngày càng tăng, xuất hiện trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn - một tín hiệu thật đáng mừng cho một bộ phận người dân nước mình.

Những ai từng trải, bôn ba làm ăn xa xứ trở về thôn quê chắc chắn thấy thiếu một thứ: không gian yên tĩnh ngày xuân. Sự rộn ràng, náo nhiệt ngày xuân không thể thiếu nhưng cũng cần lắm những phút giây lắng đọng trong không gian thanh tĩnh để nghe trời đất giao hòa, để tĩnh tâm, lấy lại thăng bằng tinh thần sau một năm lo toan vất vả làm ăn.

Xe máy, đường bê-tông khắp cùng thôn ngõ xóm, bức tranh nông thôn sáng lên. Những thanh niên mới lớn quần áo đẹp, tóc “nhuộm đỏ nhuộm vàng” xôm tụ, rộn ràng, trẻ trung lắm. Nhưng đường xuân không đẹp khi đi đâu cũng gặp hình ảnh những thanh niên chạy xe máy chất 3, chất 4 người, không đội ngũ bảo hiểm, chạy xe vèo vèo, lạng lách, nẹt pô inh ỏi... Chúng làm cho người đi đường “tử tế” không ít phen giật mình, hãi người. Cảm giác yên vui ngày xuân bây giờ giảm đi phần nào khi người ta ra đường, kể cả ở nông thôn.

Cảm ơn đời cho con cháu chúng ta ngày nay những cái tết sung túc, tiện nghi, sum vầy. Hàng hóa, dịch vụ, phương tiện liên lạc, phương tiện đi lại rất thuận tiện, “kết nối” không giới hạn... Chỉ e một điều, một số người trong lớp trẻ không biết đến hoặc không cảm nhận được, đó là không khí ngày tết - không khí giao hòa giữa thiên nhiên đất trời và con người; đó là không khí tâm linh ngày tết - luồng khí thiêng vô hình liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa ông bà tổ tiên đã khuất và con cháu hôm nay. Và còn ngại thay, , một số người trong lớp trẻ bây giờ “kết bạn” trên facebook, trong thế giới ảo rất nhanh, rất nhiều nhưng quên mất sợi dây liên kết vô hình mà bền chặt giữa cá nhân và cộng đồng được đề cao hơn bao giờ hết trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Có lo xa quá không khi nghĩ rằng đối với một số người trong lớp trẻ này, chúng ta sẽ là những thế hệ “ông đồ” tiếp theo, “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ ?”, nói như Vũ Đình Liên trong bài thơ “Ông đồ” ?

Lê Xuân Chiến