Tản mạn vùng bờ biển miền Trung
Vừa qua có dịp đi dọc vùng ven biển miền Trung, chúng tôi được thấy, được nghe và từ đó nghĩ đến nhiều điều… Muốn ghi lại để chia sẻ cùng bạn đọc. Nghe, thấy và nghĩ thế nào xin ghi lại thế ấy. Không lớp lang và không có bố cục từng phần. Rất mong bạn đọc thông cảm.
1. Nước ta trải dài từ Bắc vào Nam. Miền Trung ở giữa, chậm phát triển hơn hai đầu đất nước. Có người nói, đòn gánh bị oằn đoạn giữa, không chạy được. Nếu miền Trung phát triển vượt lên, có nguồn lực mạnh hơn để liên kết hai đầu đất nước, sẽ tạo ra một thế mới trong chiến lược phát triển của quốc gia. Trong thời kinh tế thị trường phát triển ở trình độ cao và hội nhập toàn cầu, việc lựa chọn chiến lược phát triển không nên và cũng không cần “thứ gì cũng có” như thời tự cung tự cấp, mà nên tập trung một số ngành và lĩnh vực nào đó mang lại hiệu quả nhất.
Có hai căn cứ quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định, để lựa chọn chiến lược phát triển: Thứ nhất, là lợi thế so sánh của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.; thứ hai, là tình hình và xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế.
Lợi thế so sánh quan trọng nhất của miền Trung là một bờ biển dài và đẹp. Dài khoảng một nghìn hai trăm cây số. Đẹp vào bậc nhất hành tinh. Thời tiết có thể nghỉ dưỡng tắm biển quanh năm. Thế giới không nhiều quốc gia có lợi thế như vậy. Lợi thế này nếu biết phát huy tốt có thể giúp ta phát triển vượt lên. Với lợi thế về bờ biển, sông hồ, núi đồi, hang động, khu sinh quyển, rừng nguyên sinh, nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên như miền Trung, lại nằm trên hành lang của đường hàng hải quốc tế và dưới đường bay quốc tế đông-tây và bắc-nam, với 8 sân bay ven biển, tốt nhất là tập trung phát triển du lịch. Tất nhiên còn một số việc khác nữa sẽ nói sau, nhưng chủ yếu là du lịch, đột phá từ du lịch.
Trên thế giới, du lịch đã và đang trở thành một ngành kinh tế lớn nhất, hơn cả dầu khí và công nghiệp sản xuất ô tô, đạt 10% giá trị GDP toàn cầu, mà chắc chắn còn tăng lên; sử dụng lao động nhiều, gấp 3 lần ngành tài chính-ngân hàng, gấp 4 lần ngành khai thác khoáng sản, 6 lần ngành sản xuất ô tô (1); giá trị gia tăng khá, tạo thu nhập xã hội cao gấp bội so với doanh thu, thúc đẩy nhiều ngành dịch vụ khác phát triển theo, kể cả ẩm thực, thời trang, thương mại, vận tải, văn hóa dân tộc… Cứ một việc làm trong ngành du lịch thì tạo ra thêm 2 việc làm ở các ngành khác. Nhu cầu thị trường đối với du lịch còn tiếp tục tăng lên nhiều nữa, không bị ô nhiễm môi trường như nhiều ngành công nghiệp. Du lịch không bị cạnh tranh kiểu như công nghiệp. Du lịch ở nước này phát triển thì cũng góp phần thúc đẩy du lịch ở nước kia phát triển để nhận và đón khách của nhau. Trên thế giới và ngay trong nước ta, các trung tâm du lịch đều có mức sống cao hơn hẳn các vùng lân cận.
Theo nghiên cứu của chuyên gia Trần Đức Cảnh ở Hoa Kỳ, đối với các dự án FDI 100% vốn nước ngoài, thì du lịch để lại ở nước sở tại 78% thu nhập, trong khi công nghiệp chỉ để lại 30%. So với một số ngành công nghiệp, thì du lịch nộp ngân sách ít hơn, nhưng lại ít tốn chi phí để giải quyết vấn đề môi trường - chuyện lớn nhất đối với loài người trong thế kỷ 21 này. Khi công nghiệp nộp cho ngân sách một khoản thu lớn thì đồng thời cũng để lại một vấn đề lớn của môi trường mà sau đó phải giải quyết lâu dài và rất tốn kém. Chưa giải quyết thì còn đó, chuyển giao món nợ ấy cho tương lai, giống như hôm nay “bán” môi trường trong sạch để lấy tiền chi tiêu, hậu quả thì con cháu sẽ giải quyết. Cũng giống như hiện tại chi tiêu một phần giá trị tài chính mà con cháu sẽ phải làm ra để bù lại trong tương lai. Ngoài lợi ích về kinh tế ra, do hằng ngày tiếp xúc với con người đến từ các quốc gia phát triển và đang phát triển, du lịch còn giúp ta tiếp biến thường xuyên với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Nếu chịu khó tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại thì người Việt Nam ta sẽ giỏi và hoàn thiện hơn. Đó là giá trị to lớn không tính được bằng tiền. Chứ không phải như nhiều ngành công nghiệp, con người chủ yếu tiếp xúc với máy móc cơ khí. Mặt khác, khách du lịch chủ yếu là cần nhu cầu văn hóa. Ngay cả đối với cái ăn, khách du lịch cũng có nhu cầu tiếp cận văn hóa ẩm thực của xứ và người sở tại. Phải thường xuyên đáp ứng nhu cầu văn hóa của du khách thì ngành kinh doanh du lịch mới bền vững, chứ không phải là các kiểu bán mua, chụp giật. Để đáp ứng nhu cầu văn hóa của du khách thì tất cả những con người hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đồng thời là hoạt động văn hóa. Từ đó dẫn đến sự tốt hơn trong lĩnh vực văn hóa, làm cho các giá trị nhân văn được bảo tồn, phát huy, sáng tạo thêm và lan tỏa rộng.
Vừa qua, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có nghị quyết và chương trình đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này rất đúng đắn. Hy vọng sẽ có nhiều giải pháp cụ thể tiếp theo. Miền Trung Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của thế giới. Từ du lịch kéo theo nhiều ngành dịch vụ khác. Tin chắc là sẽ hiệu quả nhiều. Hồng Kông (Trung Quốc) bé nhỏ như vậy, và chẳng có lợi thế gì đáng kể về du lịch so với Việt Nam, vậy mà lĩnh vực đó đã tạo ra 80 tỷ USD thu nhập mỗi năm. Nước Ý, một trung tâm du lịch bậc nhất thế giới, mỗi năm du khách đến đó với số lượt người xấp xỉ bằng dân số, doanh thu 136 tỷ Euro, cộng với thu nhập xã hội từ các ngành dịch vụ liên quan khác tạo ra 63% GDP với giá trị 1000 tỷ Euro mỗi năm (công nghiệp còn 33% và nông nghiệp 4%). Vì sao nước ta lại không thể nghĩ đến “chuyện lớn” ở lĩnh vực này? Mà không xa lạ gì, ngay cả ở nước ta, ở miền Trung, thực tế cũng đã có những mô hình thành công rất tốt. Tại Hội An, khách du lịch quốc tế đã đến đây với số lượt người gấp mấy chục lần dân số, có người đi rồi đã trở lại vài chục lần.
2. Muốn tập trung làm du lịch thì đừng tính chuyện đưa nhiều dự án công nghiệp vào khu vực này, nhất là công nghiệp nặng. Du lịch và công nghiệp không thể đứng cạnh nhau trong một không gian. Nếu để cạnh nhau thì đồng nghĩa với việc loại bỏ, “giết chết” ngành du lịch. Cũng tức là không lựa chọn du lịch nữa, không sử dụng lợi thế so sánh lớn nhất của nước ta để phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu. Công nghiệp thì nói chung, dù có cố gắng bao nhiêu chúng ta vẫn sẽ luôn đi sau thiên hạ, rất khó mà vượt lên. Thực tế mấy chục năm qua đã cho thấy điều đó: Chưa tạo ra được sản phẩm nào của Việt Nam có “tên tuổi” đối với thị trường quốc tế; nhiều dự án thực chất là cho nhà đầu tư nước ngoài thuê mặt bằng, lao động giá rẻ và gia công. Tất nhiên, sự yếu kém đó không chỉ do sai lầm trong lựa chọn chiến lược phát triển, mà còn có các lý do khác nữa... Khi môi trường biển bị ô nhiễm do chất thải từ Formosa, một loạt khu du lịch ven biển gần khu vực ấy đìu hiu, vắng lặng. Một số nhà đầu tư du lịch rất lo ngại không biết ít năm tới đây có nhà máy nào đó vào xây dựng gần chỗ mình không. Nếu vậy thì “chết” mất. Du lịch là ngành lưỡng tính, vừa kinh tế vừa văn hóa, rất nhạy cảm. Đó là sự nhạy cảm của cái đẹp. Cái đẹp thì hấp dẫn, nhưng thường mong manh dễ vỡ.
Cần sớm có một quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Trong đó, nên ưu tiên tất cả các vị trí có thể làm du lịch để phát triển du lịch. Chưa phát triển được ngay thì cũng để đó, đừng sốt ruột. Phải khắc phục tâm lý và tư duy nhiệm kỳ. Nếu không thì sẽ nát và chắp vá, đánh mất cái lợi thế quý hơn vàng. Trong trường hợp này thì chưa làm gì còn tốt hơn là làm nát. Chưa làm thì còn có cơ hội. Làm hỏng thì không còn cơ hội. Một vị lãnh đạo địa phương nào đó, trong nhiệm kỳ của mình, nếu chỉ để lại được một bản quy hoạch tốt và một quy chế có hiệu lực về quản lý quy hoạch ấy, chứ chưa có được một dự án đầu tư cụ thể nào thì vẫn giá trị hơn nhiều so với việc phát triển được 5 - 7 dự án không có quy hoạch hoặc theo một quy hoạch tồi.
Nghe tôi nói vậy, có người bạn cười và bảo rằng, không làm thế được đâu, làm vậy thì lấy đâu ra “lợi ích”!?. Tôi hiểu ý anh ấy muốn phản ánh một thực tế ở một số dự án. Nhưng tôi tin và hy vọng vẫn còn nhiều người tâm huyết và vô tư, cho dù tỉ lệ trong một số cơ quan nào đó có thể không nhiều. Thật tiếc khi thấy có những vị trí đẹp và ưu thế nhiều cho phát triển du lịch nhưng tại đó, người ta đã xây các nhà máy rồi, mà hoạt động thì cũng chẳng hiệu quả gì và còn gây ra ô nhiểm môi trường. Thiệt đơn, thiệt kép, vừa mất lợi thế, mất cơ hội, mất tiền và mất cả lòng tin.
Đồng thời với công việc quy hoạch sớm các vị trí dành cho du lịch với tinh thần ưu tiên nhất, thì còn phải xác định các dự án công nghiệp chỉ được bố trí ở đâu và không bố trí ở đâu, trong đó có yêu cầu hàng đầu là phải bảo vệ du lịch, không để công nghiệp “đánh” du lịch. Tất cả các dự án công nghiệp phải có phương án tối ưu về xử lí chất thải, tốt nhất là xử lý khép kín trong nhà máy hoặc trong khu công nghiệp, không để ra môi trường bên ngoài (chuyện rác xin nói sau).
3. Việc quy hoạch các dự án du lịch và đô thị đang còn nhiều bất ổn, bị vụn nát và chắp vá. Phần lớn không có quy hoạch định hướng chung và không có quy hoạch 1/2000 trước khi thỏa thuận địa điểm. Nhiều dự án “bất chợt” được chọn địa điểm ở đâu đó là do nhà đầu tư và cán bộ quản lý ở địa phương hoặc ở trung ương “nghĩ ra”. Có chỗ cũng có quy hoạch, nhưng nhìn chung, công tác quy hoạch rất hình thức, chất lượng không tốt, giống như chủ yếu là để cho đủ thủ tục. Phần nhiều là giao các khu nhỏ theo từng dự án để nhà đầu tư làm quy hoạch mặt bằng trước khi lập dự án. Với cách đó, thường thiếu tầm nhìn tổng thể, không đồng bộ, mâu thuẫn hoặc bất cập, vênh nhau, không khớp nối được với các khu vực khác ngoài dự án. Có những công trình lấn ra sông, hồ và kể cả quảng trường đến mức không thể hiểu nổi về mặt chuyên môn trong quy hoạch không gian kiến trúc. Khi chúng tôi hỏi xem đơn vị nào tư vấn, ai và tại sao lại quy hoạch, thỏa thuận địa điểm như vậy thì một số anh chị em làm kiến trúc cười – nụ cười rất “ý tứ”. Họ trả lời là “tiền” và “lợi ích nhóm” nó quy hoạch và thỏa thuận địa điểm như vậy đó.
Tôi nhớ lại, tại đô thị lớn cũng có chuyện này, nhà cao tầng mọc lên “tùy hứng”, bất kể hợp lý hay không hợp lý về mặt quy hoạch. Có thể cũng có kiến trúc sư vì tiền mà đánh mất lương tâm nghề nghiệp, nhưng nhiều trường hợp thì họ cũng bị động với ai đó, tuy không phải là kiến trúc sư nhưng lại có quyền lực, bảo họ phải làm thế. Tất nhiên cũng có những trường hợp do thiếu kiến thức nữa, chứ không phải hoàn toàn là do tiêu cực gây nên. Nhưng có lẽ cái điều đáng nói, đáng lo nhất ở đây là sự chủ quan và vô cảm, chuyện lớn mà cứ xem như không lớn, chẳng thấy và chẳng xót trước hậu quả do mình gây ra và để lại.
4. Mấy thế kỷ qua, khi nói đến mặt tiền, ai cũng hiểu là thuận lợi cho việc buôn bán, làm ăn và thường được hiểu đó là mặt tiền đường, mặt tiền chợ. Nhưng thế kỷ 21 này trở đi, mặt tiền quan trọng nhất là mặt tiền biển và sông hồ. Mặt tiền biển là tài nguyên rất quý của quốc gia. Nó có giới hạn, chỉ vậy thôi, không sinh ra thêm được nữa. Rất đáng tiếc là một số dự án du lịch đã được các địa phương hoặc các ngành thỏa thuận địa điểm và cho thuê đất không hợp lý, gây thiệt hại mặt này và mặt kia. Chuyện đã qua cũng có một phần bởi lý do khách quan, muốn khuyến khích một số dự án đầu tiên vào làm “con chim mồi” và mặt khác cũng chưa có kinh nghiệm. Nêu ra đây tôi chưa có ý định phê phán cụ thể ai, nhưng muốn trao đổi, thậm chí nếu cần thì tranh luận thẳng thắn để làm rõ vấn đề, với mong muốn sao cho các dự án tiếp theo sẽ không như thế nữa, mà phải tốt hơn, tránh các bất hợp lý như các dự án đi trước đã gặp phải.
Việc thỏa thuận địa điểm và cho thuê đất dự án không nên trải dài dọc theo bờ biển còn chiều ngang vào phía trong thì rất ít, rất mỏng, mà nên thỏa thuận nghiên cứu dự án với một diện tích có chiều dài vuông góc với bờ biển, còn chiều rộng thì ít hơn, ngắn hơn, dọc theo bờ biển. Làm vậy để xử lý hạ tầng liên hoàn từ phía trong ra, không để đứt gẫy, chắp vá và cũng tiết kiệm mặt tiền rất quý này. Không nên để cho một số nhà đầu tư chiếm hết mặt tiền, không còn cho các nhà đầu tư khác và cũng đề phòng những dự án chiếm nhiều mặt tiền để sau đó chuyển nhượng cho người khác lấy chênh lệch.
Giá đất ở mặt tiền biển giao hoặc cho thuê thấp lắm. Việc đó được giải thích rằng, vì để khuyến khích đầu tư ở nơi còn hoang sơ, chưa có mặt bằng. Mới nghe thấy cũng có lý, nhưng đó là việc của những năm về trước. Còn mới đây và từ nay trở đi thì rất không hợp lý. Hạ tầng khu vực ven biển ngày nay đã khá hơn nhiều so với trước đây, nhờ có sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Mặt tiền là tài nguyên quý hiếm của đất nước, không nên bán rẻ, càng không được tính “như cho không”. Thực ra thì một số nhà đầu tư vẫn phải chi phí cho việc này, việc khác, nhưng ngân sách nhà nước thì thất thu. Cần nâng giá đất mặt tiền biển lên, công khai và minh bạch, không để thất thoát tiêu cực, “lợi ích nhóm”, để có tiền đầu tư cho hạ tầng công cộng, kể cả hạ tầng ở phía sau lưng mặt tiền ấy.
Biển và không gian sát biển, các bãi tắm là của cộng đồng nhân dân, không giao riêng cho một dự án ra sát biển, rồi họ rào lại, mà cần quản lý để sử dụng chung, phải coi bờ biển là một “đường biên giới” trên đất liền. Khi có tình hình gì phức tạp ở phía biển Đông thì đây còn là tuyến phòng thủ, cho nên việc giao đất thế nào còn có yêu cầu quốc phòng nữa. Việc nói trên cần áp dụng cho tất cả các dự án, dự án càng lớn và của nhà đầu tư nước ngoài càng phải vậy, bình đẳng như mọi người, không có ưu tiên, ngoại lệ trong chuyện này.
5.Rất nhiều nơi có hệ thống sông, hồ, đầm, phá gần biển. Đặc điểm này tạo điều kiện để có thể tạo nên những đô thị sinh thái hiện đại và có cảnh quan xinh đẹp, đặc thù. Ở các nơi đó, công tác quy hoạch nên bắt đầu từ việc nghiên cứu các dòng sông và hồ đập ấy. Vừa là chuyện thoát nước, chống nhiễm mặn, vừa là những điểm nhấn trong không gian đô thị. Chưa có tiền thì đầu tư dần dần, để lại chỗ đó, khi nào có nguồn tài chính thì sẽ đầu tư sau, đời con cháu sẽ tiếp tục. Nhưng quy hoạch thì nên từ đầu, từ bây giờ, càng sớm càng tốt, tất nhiên là phải bảo đảm chất lượng, với một tầm nhìn xa, có dự báo các xu hướng của tương lai. Rất đáng lo là hiện tại nhiều dòng sông đã và đang chết, hồ đầm đang hấp hối. Sự bồi lấp và xói lở, sự lấn chiếm các sông hồ và đổ chất thải tràn ra chúng. Và từ các dòng sông ấy, sẽ chảy chất thải gây ô nhiễm ra biển. Rất nguy cơ và báo động khẩn cấp. Đáng lo hơn nữa, là sự thờ ơ vô cảm của con người, của các cấp các ngành hữu quan. Nhiều nơi lấy cát để bán lấy tiền gây xói lở bờ sông. Tiền cũng quý, nhưng nguồn tài nguyên này còn quý hơn tiền. Nhiều dòng sông rất cần nạo vét, không thể để cho nó chết, nhưng không được dựa vào cái cớ ấy để lấy cát đi bán, gây hậu quả cho quê nhà. Đó là chưa kể: tiền bán cát được bao nhiêu, bỏ vào đâu và sử dụng làm gì, có ngầm chia nhau trong đó không, giá bán cát thực tế “ngầm” và giá công khai có khác nhau không và khác bao nhiêu…Tình hình lấy cát đi bán, khá phổ biến từ bắc chí nam, bất kể tai họa thế nào, bất kể pháp luật và phép tắc của nhà nước, không loại trừ những “lợi ích nhóm”, có người “chống lưng” đứng phía sau. Coi chừng lại mất thêm thứ khác quan trọng hơn nữa là lòng tin của nhân dân. Phải có nghiên cứu đầy đủ về mặt khoa học, vì sao phải cứu và định cứu các dòng sông, hồ đập đang chết ấy bằng cách nào, có dự án được thẩm định cẩn thận rồi mới lấy cát theo phương án, có quy trình. Nạo chỗ này để bồi vào chỗ kia, chứ không mang cát đi bán, nhất là xuất khẩu thì tuyệt đối không nên. Xúc cát đi bán sẽ làm cho độ ngập nước sẽ nhiều hơn, không gian thu hẹp lại, cũng gần giống như “nhận nước” quê hương và "bán bớt một phần đất nước". Trong khi đó, có những quốc gia và vùng lãnh thổ thì họ lại biết đi mua cát và đá về để củng cố và mở rộng không gian sống cho con người của họ. Trong thế kỷ này, do biến đổi khí hậu mà nước biển sẽ dâng lên. Không gian không bị ngập nước để con người có thể sống được sẽ giảm đi, hẹp lại. Đừng nên góp thêm vào tai họa ấy.
6.Chuyện ô nhiễm môi trường sống do chất thải rắn và lỏng, chất thải công nghiệp và sinh hoạt, kể cả chất thải y tế, càng nghe, càng tìm hiểu càng thấy đáng sợ. Trước đây, chưa biết thật rõ tình hình và nguy cơ, thỉnh thoảng nghe thoáng qua, chưa thấy gì ghê gớm lắm. Thật là điếc không sợ súng. Nếu cứ cái kiểu thế này thì không bao lâu nữa chúng ta sẽ đánh mất tiềm năng và lợi thế quý giá bậc nhất của đất nước, đồng thời cũng làm hỏng môi trường sống của dân ta. Chất thải của các nhà máy công nghiệp, có không ít hóa chất độc hại, kim loại nặng, chất vô cơ và chất hữu cơ khó phân hủy đều thải ra môi trường. Kim loại nặng đã thải ra thì tồn tại rất lâu dài trong môi trường, gần như chưa có cách nào khắc phục, thế giới cũng thế, Việt Nam càng thế. Hóa chất ra môi trường cũng gây nhiều tai họa. Hầu hết các nhà máy chưa có phương án và công nghệ xử lý tốt và bảo đảm an toàn. Đầu tư để xử lý đạt yêu cầu thì tất nhiên chi phí tốn kém lớn, lợi nhuận giảm nhiều, mà doanh nghiệp nào thì cũng muốn lợi nhuận cao. Điều đó cũng là dễ hiểu. Nhưng điều khác rất đáng lo và muốn nói: Đó là nhận thức của các cấp, các ngành chưa thấy môi trường là chuyện cực lớn, chuyện “sinh tử”, chuyện “chính trị”, từ đó mà chưa quan tâm đúng mức; cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, cũng như các cơ quan quản lý môi trường có ai và nơi nào “sơ hở” hoặc bị hối lộ?, các doanh nghiệp và doanh nhân có ai đã biết, đã hiểu rõ, nhưng vẫn lờ đi để tăng lợi nhuận bằng mọi giá mà vô cảm, thiếu trách nhiệm và lương tâm với cộng đồng xã hội? Tôi nghĩ là đều có, không phải tất cả nhưng không ít.
Hiện tại, nhìn chung việc xử lý chất thải rắn, về mặt công nghệ, đang sử dụng hai phương pháp: chôn hoặc đốt. Trước đó, rác được tập trung lại thành đống, bốc mùi hôi thối rất khó chịu, có nơi dân chúng phải bịt khẩu trang đi ngủ cho đỡ hôi. Khi chôn rác thì chôn kể cả chất vô cơ và hữu cơ khó phân hủy. Chôn rác trong một lớp bọc không bền chắc. Sau một thời gian ngắn thì rác phân hủy ra, các chất độc hại thấm vào lòng đất, xâm nhập vô mạch nước ngầm, lan tỏa ra các nơi mà cư dân đang sử dụng nước để làm nước uống. Còn đốt rác thì hầu hết là thải ra đi-ô-xin, trong đó có loại đi-ô-xin rất độc hại, hơn cả chất độc hóa học mà quân Mỹ đã rãi xuống miền Nam Việt Nam thời chiến tranh. Các cơ sở đốt rác không đủ điều kiện về nhiên liệu và tài chính để có thể đốt ở nhiệt độ rất cao nhằm khử hết chất thải đi-ô-xin. Xử lý chất thải lỏng bằng hóa chất thì lại làm phát sinh các chất độc hại mới lan ra môi trường. Cũng là chuyện xử lý rác, với công nghệ tương tự nhau, chi phí từ ngân sách nhà nước, nhưng nơi này và nơi kia có suất đầu tư rất khác nhau, cao thấp gấp nhiều lần, không giải thích được vì sao. Có người bảo với tôi phải coi chừng trong chuyện xử lý rác (theo nghĩa đen) đang có nhiều “rác” (theo nghĩa bóng). Tình trạng xử lý chất thải như thế này không chỉ ở miền Trung, mà cả nước ta cũng tương tự vậy. Không thể kéo dài tình trạng này mà phải sớm ứng dụng các công nghệ mới. Tôi được biết gần đây đã có công nghệ ứng dụng Platma để đốt rác, không còn đi-ô-xin và xử dụng điện hóa để làm sạch nước bẩn không gây hậu quả như dùng hóa chất. Đây là thông tin đáng quan tâm cần theo dõi và nghiên cứu sử dụng.
7. Tại vùng ven biển miền Trung đang sinh sống một bộ phận dân cư. Không ít, và cũng không đông lắm. Nhiều chỗ vẫn còn rất thưa thớt dân cư. Có cư dân người tại chỗ sinh sống là có lợi cho việc xây dựng văn hóa mang đặc điểm của cộng đồng địa phương, cái mà phần lớn khách du lịch quốc tế thích tiếp cận, đồng thời cũng có lợi cho an ninh quốc phòng, vì có dân tham gia bảo vệ bờ biển. Không nên giải tỏa đưa hết dân vào bên trong, để tất cả diện tích phía bên ngoài (mặt tiền biển) cho các nhà đầu tư đến xây khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh. Nhà đầu tư thường muốn giải tỏa hết dân. Họ muốn như vậy cũng là dễ hiểu, nhưng không phù hợp cho việc chung.
Phát triển vùng ven biển để làm gì? Câu hỏi rất xưa cũ, tưởng như không cần đặt ra, nhưng cũng nên nói lại. Phát triển vùng ven biển trước tiên là vì cuộc sống của nhân dân ở đó. Họ là chủ nhân của vùng đất này, đã lao động và đấu tranh gian khổ để khai phá và gìn giữ vùng đất ấy qua nhiều đời, từ cha ông để lại. Nay có kế hoạch phát triển khu vực ấy, trước tiên phải vì họ, bảo đảm lợi ích cho họ, giúp họ phát triển lên từ đó, không phải lấy đất và xua họ đi nơi khác. Lợi ích của dân sở tại phải được đặt lên hàng đầu. Còn tất nhiên, lợi ích của nhà đầu tư và của Nhà nước thì cũng cần được quan tâm hài hòa, nhưng phải trên cơ sở của việc bảo đảm lợi ích cho nhân dân tại chỗ - là vấn đề có tính nguyên tắc. Thế mới là một chương trình có ý nghĩa nhân văn.
Nói chung nên ổn định các làng và các cụm cư dân đã có, giúp cho các làng ấy nâng cấp dần lên, cải thiện đời sống nhân dân tại đó, bằng cách chuyển đổi nghề nghiệp hoặc áp dụng công nghệ và cách quản trị mới, có chính sách hỗ trợ, chứ không phải “đẩy dân” đi hết. Càng không được dùng quyền lực ép dân giải tỏa nhà cửa để lấy đất giao cho nhà đầu tư khi dân không đồng ý. Kinh nghiệm thực tế tại Hội An ở Quảng Nam, các khách sạn và cơ sở kinh doanh của nhà đầu tư xen lẫn với cư dân, và các hộ dân cũng trực tiếp tham gia làm các loại dịch vụ cho du lịch, tạo ra cả một đô thị du lịch, vừa có đặc điểm văn hóa từ cộng đồng, vừa mang lại hiệu quả xã hội cao. Tất nhiên, đối với những công trình hạ tầng dùng chung cho cộng đồng, khi xây dựng nếu bắt buộc đụng đến nhà dân thì cũng phải thảo luận kỹ với bà con để thực hiện giải tỏa, sau khi đã đền bù thỏa đáng và có chính sánh trợ giúp rõ ràng. Còn nói chung, nên khuyến khích nhân dân ở lại, kể cả khi họ tự nguyện dời đi (tức là cần họ ở lại). Hiện tại, nhiều nơi vẫn đang canh tác nông nghiệp vài vụ/năm. Đối với các nơi ấy, những năm trước mắt nên giữ nguyên cho việc tiếp tục làm nông nghiệp, để ổn định cuộc sống của nhân dân khi chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp và mặt khác, cũng cần có không gian dự phòng trong quy hoạch phát triển.
Song song với việc quy hoạch một không gian phát triển ở vùng ven biển thì cần phải điều tra nghiên cứu kỹ các vấn đề về văn hóa xã hội ở vùng này để có giải pháp ngay từ đầu đối với lĩnh vực đó. Theo đó, cần làm rõ vấn đề cư dân (đời sống, công việc và chỗ ở), văn hóa vật thể và phi vật thể (bảo tồn, phát huy và bổ sung, xây dựng mới), coi đó là bộ phận hợp thành quan trọng bậc nhất của chương trình phát triển chung. Quy hoạch phát triển phải đồng thời là quy hoạch để tổ chức không gian sống, mà con người sống thì chủ yếu liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, kể cả giáo dục, y tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; kể cả đối với những người còn sống và những người đã mất… Đi theo từng nội dung ấy, có cả vật thể và phi vật thể; có không gian, địa điểm, hình thức và “linh hồn” (văn hóa chiều sâu, phi vật thể) của cuộc sống.
Thông thường, các phương án quy hoạch không để ý nhiều đến việc tổ chức đời sống văn hóa-xã hội, mặc dù thỉnh thoảng cũng có ghi chỗ này, chỗ kia dự kiến sẽ có mấy công trình giáo dục và y tế. Rất chưa đủ! Phải đầu tư nhiều công sức cho lĩnh vực văn hóa-xã hội này, nhằm tạo ra một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, có kế thừa, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa, trước tiên đối với những con người và cộng đồng cư dân tại chỗ, tiếp theo là đối với thành phần cư dân mới từ các nơi chuyển đến theo di chuyển cơ học, họ cùng hợp nhau lại sống chung trong một cộng đồng mới, lớn và đa dạng hơn. Gần đây, được biết Viện Nghiên cứu mang tên Phan Châu Trinh có dự định và đang tiếp cận để nghiên cứu vấn đề này. Tôi nghĩ rất đáng hoan nghênh và khuyến khích./.
Quảng Nam tháng 4/2017
Vũ Ngọc Hoàng
(Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)