Tấm thẻ ra đồng mùa Covid và nỗi lo mùa vụ cho nông dân
Hiện hệ thống tuyên truyền của chúng ta đang làm rất tốt, nhất là ở các vùng nông thôn về phòng chống dịch Covid-19. Vì thế, việc Hải Dương áp dụng việc cấp "thẻ ra đồng" liệu có hơi quá?
Ngày 21/2, lần đầu tiên xuất hiện một khái niệm mới đó là "thẻ ra đồng" ở Cẩm Giàng (Hải Dương). Đây là biện pháp mới nhất mà Hải Dương buộc phải áp dụng để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo phát triển sản xuất, thu hoạch nông sản và mùa vụ cho nông dân. Song cách này có hơi "quá tay"?
Tết rồi, tôi cũng như bao người khác có rời Hà Nội để trở về quê ăn Tết cùng gia đình. Cứ tưởng chỉ ở thành phố, câu chuyện về Covid-19 mới ra rả suốt ngày, còn ở quê thì việc đó bình thường hơn. Nhưng không. Về quê đi đến đâu cũng là những câu chuyện về Covid-19, tôi có gặp, chào hỏi ai, người được gặp cũng hỏi ngay: Cháu/anh ở khu vực nào của Hà Nội, ở ngoài đó Covid-19 phức tạp lắm phải không?Rồi ở làng mình, có người mới ở Vân Đồn (Quảng Ninh) về đấy, hình như đã bị đưa đi cách ly…
Buổi sáng. Khi con gà trống trong chuồng vừa cất tiếng gáy như chiếc đồng hồ báo thức, cũng là lúc loa truyền thông của thôn, xóm mở hết công suất để thông tin, thông báo về các văn bản chỉ đạo mới nhất về phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Tương tự buổi chiều cũng vậy.
Đến chợ quê sắm Tết, rồi ra đồng nhổ ít rau đâu đâu cũng gặp cảnh người dân nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang và giãn cách, việc chúc Tết, cỗ bàn cũng bớt hẳn đi để phục vụ việc giãn cách.
Dẫn chứng như trên để thấy, hiện hệ thống tuyên truyền của chúng ta đang làm rất tốt, nhất là ở các vùng nông thôn về phòng chống dịch Covid-19. Vì thế, việc Hải Dương áp dụng việc cấp "thẻ ra đồng" liệu có hơi quá?
Bước đầu, cũng có thể hiểu và thông cảm được với các biện pháp mà Hải Dương đang áp dụng khi toàn tỉnh đã buộc phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16/2 để phòng chống dịch Covid-19, nên biện pháp nào ban đầu cũng có thể gây phản ứng, bất tiện cho người dân. Tuy nhiên, chính lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng lưu ý: "Trong những ngày tới, tỉnh sẽ thực hiện việc ứng phó linh hoạt để bảo đảm duy trì sản xuất, do đó ở các địa phương như Đức Chính, Văn Thai, Cẩm Đông..., nông dân có nhu cầu ra đồng để làm việc tại các vùng trồng rau củ quả phục vụ cho xuất khẩu đăng ký với chính quyền xã để được cấp thẻ qua chốt kiểm soát dịch Covid-19".
Trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta cũng cần xem xét kỹ đặc thù một chút giữa biện pháp áp dụng ở khu vực đô thị với biện pháp áp dụng cho khu vực nông thôn; giữa biện pháp áp dụng cho các nhà máy sản xuất công nghiệp, xây dựng với biện pháp áp dụng cho sản xuất nông nghiệp. Ở đô thị, do mật độ dân số đông, việc đảm bảo giãn cách khó khăn hơn, nên việc áp dụng "thẻ đi chợ" có thể hiểu được nhưng ở nông thôn, người ít, dân thưa, đồng rộng, liệu nhất thiết cũng phải cấp "thẻ ra đồng".
Nông nghiệp là ngành sản xuất theo thời vụ, rau củ đến lứa thì phải thu hoạch, lúa ngô đến vụ thì phải gieo cấy, chứ không phải như một nhà máy sản xuất công nghiệp, xây dựng có thể dừng ngay được (tuy cũng khó khăn) và có thể mở lại sản xuất lúc nào cũng được. Trong nông nghiệp, nếu bỏ quá thời vụ thì người nông dân sẽ mất nguyên gần nửa năm không có kế sinh nhai.
Tuy nhiên, có vẻ Hải Dương áp dụng biện pháp cấp "thẻ ra đồng" hơi mạnh quá chăng? Theo ông Lưu Văn Bản- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, không cấp thẻ tùy tiện. Địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trên thẻ ra vào của các nông dân vùng cấp thiết như Tân Trường, Đức Chính phải ghi rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể, giờ ra đồng và giờ về nhà. Lộ trình cho phép của họ là từ nhà ra thẳng đồng sản xuất, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…, hết giờ trên thẻ quy định phải lập tức quay về.
Như đã dẫn chứng ở trên, ý thức phòng chống dịch của người dân ở các vùng nông thôn khá tốt, vì thế nên chăng chính quyền địa phương cần linh hoạt hơn, khuyến khích người nông dân ra đồng thu hoạch nông sản và sản xuất kịp thời vụ nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch, mà nói như các chuyên gia dịch tễ, virus SARS- CoV- 2 có khả năng lây lan ở môi trường kín hơn, chứ còn ngoài đồng "gió mát trăng thanh", nếu có virus đi chăng nữa, thì suy ra khả năng lây nhiễm cũng là không cao.
Theo ông Vũ Việt Anh- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh còn 90.000 tấn rau củ chưa thu hoạch được, cộng với diện tích gieo cấy vụ xuân mới đạt trên 65%, ngoài yếu tố khó khăn do lưu thông, còn có vấn đề về nhân công thu hoạch, ở nhiều nơi, Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang đã phải xuống đồng thu hoạch rau củ giúp nông dân.
Vì thế, việc áp dụng biện pháp cấp "thẻ ra đồng" cũng nên linh hoạt hơn để đảm bảo mục tiêu kép như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý, đó là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, ở đây là sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.