Tầm nhìn... uống thì khỏi ăn!

Chúng ta đã không có một tầm nhìn, ứng xử với vấn nạn thiếu nước ngọt của khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đúng với thực tế, nhu cầu, khoa học.

Đến hẹn lại lên, cả dãy các địa phương khúc ruột bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã, đang trong tình trạng nắng hạn dữ dội, thiếu nước ngọt cho ăn uống của con người, gia súc, gia cầm, thiếu nước tưới cho lúa và hoa màu... Cùng với đó, mặn xâm nhập ngày càng sâu và nhanh lên dần thượng nguồn các con sông, càng làm cho tình trạng khan hiếm, thiếu nước ngọt trở nên nghiêm trọng, rất đáng báo động.

Các địa phương, cùng với sự trợ lực từ Trung ương, trong vài tuần qua, đã đồng loạt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung nước ngọt, trước mắt và ưu tiên số 1 là cho việc ăn uống của người, gia súc.

Một số địa phương, trong đó, mở đầu là tỉnh Quảng Trị, đã khẩn trương lấy nước từ hồ chứa thủy lợi để xả vào sông, cung nước cho Nhà máy sản xuất nước sạch, đáp ứng nước sinh hoạt cho cư dân thành phố tỉnh lỵ Đông Hà và vùng phụ cận. Nhưng, từ giải pháp có tính cấp bách, kiểu nóng tay bắt lỗ tai này đã cho thấy, bộc lộ rất nhiều lỗ hổng, khoảng trống trong chiến lược quản lý, sử dụng, đặc biệt là việc dự trữ tài nguyên nước.

Tầm nhìn... uống thì khỏi ăn! - 1

Thực trạng nước ngọt ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ hiện tại là nếu chọn phục vụ uống, thì khỏi ăn (hy sinh việc trồng lúa).

Trước hết, đó là sự lựa chọn rất khắc nghiệt: Để có nước cho người thành phố ăn uống thì hàng ngàn héc ta lúa của nông dân phải đối diện với nguy cơ chết hạn, vì không đủ nước tưới.

Một số nhà quản trị cho rằng, thực trạng nước ngọt ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ hiện tại là nếu chọn phục vụ uống, thì khỏi ăn (hy sinh việc trồng lúa).

Vấn đề là, tình hình nắng hạn, thiếu nước ngọt cho ăn uống, tưới tiêu như năm nay không phải là cá biệt, nó đã lặp đi lặp lại nhiều năm. Đây là hậu quả của việc chúng ta đã không có một tầm nhìn, ứng xử với vấn nạn thiếu nước ngọt của khu vực này đúng với thực tế, nhu cầu, khoa học.

Hệ thống đập ngăn, hồ chứa nước ngọt ở khu vực này lẽ ra phải được đầu tư xây dựng nhiều hơn nhiều lần so với hiện tại, đủ để đáp ứng nhu cầu dự trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống của người, gia súc và tưới lúa, hoa màu trong các điều kiện ngày nắng đang ngày càng tăng cao nhiều hơn so với ngày mưa trong năm so với trước đây. Tình trạng phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã làm cho khả năng dự trữ nước trong đất ngày càng xấu đi.

Trong khi đó, vào những ngày mưa lớn, một lượng rất lớn nước mưa đã phải "thả trôi" ra biển. Cần có giải pháp đồng bộ, khoa học để khắc phục tình trạng lãng phí nước ngọt như vậy gắn với chiến lược dự trữ nước ngọt ở quy mô khu vực, quốc gia. Khi đã có một nguồn lực dự trữ nước đủ mạnh thì việc điều phối, sử dụng nước để phục vụ chống hạn, khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt không chỉ trong phạm vi một địa phương, mà ngay đối với liên tỉnh, liên vùng vẫn hoàn toàn có thể chủ động điều phối, cung cấp... "trong một nốt nhạc".

Thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi cần sớm có những quyết sách ở tầm chiến lược, để khắc phục và tiến tới chấm dứt ứng xử về tài nguyên nước ngọt kiểu "uống thì khỏi ăn" tại các tỉnh Bắc Trung Bộ như hiện nay.