Suy ngẫm từ kỳ tích của U23

Kỳ tích của U23 Việt Nam liệu có là dấu hiệu tốt cho sự phát triển KT- XH của Việt Nam? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi chúng ta tận dụng các cơ hội và đối phó tốt với các thách thức hiện nay.


Thành công ở giải U23 châu Á sẽ là động lực, nhưng chưa phải là lời đảm bảo cho thành tích cao tại AFF Cup 2018, của bóng đá Việt Nam

Thành công ở giải U23 châu Á sẽ là động lực, nhưng chưa phải là lời đảm bảo cho thành tích cao tại AFF Cup 2018, của bóng đá Việt Nam

Năm qua, U23 đã tạo được kỳ tích trong thể thao và để lại trong lòng người hâm mộ những ngày vui … hơn Tết. Những lý do làm nên kỳ tích này, báo chí và mạng truyền thông đã nói nhiều và rất kỹ. Với tôi, đọng lại hai điều quan trọng nhất, đó là lớp cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và đặc biệt, HLV Park Hang-seo đã tạo được sự tự tin cho các cầu thủ trẻ. Tất nhiên, những thành tích của U 23 Việt Nam chưa thể nói là đẳng cấp, mà chỉ là những kỳ tích. Nhưng vẫn rất cần đặt ra câu hỏi, vì sao VFF, VPF và các HLV nội không tạo được niềm tin cho cầu thủ, không tạo được những kỳ tích? Ngành thể thao vẫn nợ dư luận một câu trả lời.

Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhờ có lòng yêu nước và sự tự tin, chúng ta đã đánh bại những kẻ xâm lược mạnh nhất, hung bạo nhất trên thế giới. Vậy vì lẽ gì, chúng ta không tự lấy được sự tự tin trong môn thể thao vua này? Thậm chí, không ít HLV, cầu thủ có tên tuổi của chúng ta vẫn mặc nhiên coi chúng ta thi đấu quốc tế chỉ với mục đích “cọ sát”!?

Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, từ những năm 70 của thế kỷ trước, chúng ta đã đào tạo được những học sinh giỏi đoạt thứ hạng cao trên thế giới, điển hình là Lê Bá Khánh Trình (sinh năm 1963, là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia OlympicToán Quốc tế ở Luân Đôn năm 1979), đã đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40 đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo. Từ năm sau đó cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục giữ thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Nhưng vì sao các trường đại học của chúng ta vẫn xếp hạng khá khiêm tốn, trong bảng xếp hạng Webometrics công bố năm 2015, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu Việt Nam nhưng chỉ đứng thứ 1.133 thế giới; tiếp theo là Đại học Bách khoa Hà Nội xếp thứ 2.181. Trong bảng xếp hạng QS năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì là đại học Việt Nam thuộc top 200 đại học hàng đầu châu Á (kể từ năm 2014) với thứ hạng trong nhóm 191-200. Phải chăng, chúng ta có cái gì đó chưa ổn trong quan hệ giữa đào tạo “gà nòi” và đại trà? Mặt khác, vì sao phần lớn học sinh các nước tiên tiến học nhẹ nhàng hơn chúng ta, nhưng khi vào đời, họ đều thành công hơn học sinh học ở Việt Nam? Thậm chí, kể cả những học sinh giỏi quốc tế, phần lớn chỉ thành công khi đi du học và làm việc ở nước ngoài. Trả lời câu hỏi này, đã có nhiều cách diễn giải khác nhau và phần lớn đều đúng ở khía cạnh nào đó, nhưng với tôi, băn khoăn lớn nhất là, tại sao chúng ta phải liên tục thay đổi, cải cách giáo dục? Điều đó không chỉ tốn kém vô cùng cho ngân sách, mà quan trọng hơn, nó cho thấy, vẫn thiếu một đường hướng xuyên suốt cho giáo dục Việt Nam.

Và với công nghiệp nói chung, và ngành ô tô nói riêng, chúng ta đã có bao nhiêu ưu đãi, hàng rào kỹ thuật nhằm tạo điều kiện để chúng ta sớm có ngành ô tô thực sự. Nhưng thực tế cho thấy, hiện chúng ta chủ yếu là lắp ráp thuê cho các ông chủ nước ngoài, những gì được coi là nội địa hóa, không chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp mà còn, đa phần là bộ phận … không quan trọng! Hoặc với ngành du lịch, tưởng chừng là dễ thúc đẩy phát triển nhất, nhưng chúng ta không chỉ kém xa Thái Lan, mà hiện còn chậm tiến hơn cả Lào, Cămpuchia – điều nay tôi được lãnh đạo Tổng cục Du lịch tâm sự trên một chuyến công tác năm 1015. Dù rằng, chúng ta rất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, trong đó có nhiều thắng cảnh được quốc tế ghi nhận. Nhưng vì sao, phần lớn du khách vẫn không muốn quay lại lần nữa?

Dư luận vẫn mong chờ, đón đợi những kỳ tích, những đột phá nhằm tạo những bước phát triển ngoạn mục về kinh tế - xã hội. Chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi bởi, Đảng và Nhà nước đang có những động thái quyết liệt chống tham nhũng và quyết tâm đổi mới công tác tổ chức của Đảng. Thực tế đã có những biến chuyển, năm 2017, trong hoàn cảnh khó khăn chung trên thế giới, chúng ta vẫn vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng, dù chưa tạo đột phá, nhưng là tín hiệu tốt đẹp, tiền đề của những kỳ tích.

Vương Hà