Sửa hay bỏ ‘Cánh Diều’?

Cuối cùng thì Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm TP HCM cũng đã công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, để xin ý kiến góp ý.

Tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính, bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp; hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Sửa hay bỏ ‘Cánh Diều’? - 1
11 bài đọc dự kiến được bổ sung, thay thế trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều. (Ảnh: T. Nguyễn).

Cụ thể, trong tài liệu điều chỉnh đưa ra 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị cho là không phù hợp, được Bộ GDĐT yêu cầu chỉnh sửa bổ sung cùng nhiều điều chỉnh liên quan đến từ ngữ trong các bài học. Ví dụ, với bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá”, nhóm biên soạn sách đã thêm 2 bài đọc khác để bổ sung là “Kết bạn” và “Hồ sen”. Bài “Quạ và chó” được bổ sung thêm bài “Phố Thợ Nhuộm”...

Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp được loại bỏ, thay thế. Ví dụ, từ “cuỗm” được thay bằng từ “tha” trong câu “có kẻ đã cuỗm gà nhép”. Các từ “thở hí hóp”, “bê be be”... được loại bỏ. Theo kế hoạch, Hội đồng Thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11 sau khi có ý kiến của các giáo viên gửi về. Trước ngày 30/11, Nhà xuất bản có trách nhiệm hoàn thiện và gửi miễn phí về địa phương để bổ sung tài liệu này cho học sinh.

Sửa hay bỏ ‘Cánh Diều’? - 2
Các từ ngữ sẽ được điều chỉnh. (Ảnh: T. Nguyễn).

Cũng cần phải nhắc lại, sau rất nhiều ý kiến bức xúc thì Bộ trưởng Bộ GDĐT, Hội đồng Thẩm định và tác giả cũng đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều (sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm THCM phát hành).

Nhưng đáng chú ý nhất là tại cuộc họp chiều 12/10 về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GDĐT tiếp thu các ý kiến, giải quyết ngay các vấn đề chuyên môn; qua đó xem xét việc điều chỉnh, bổ sung các quy định biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn bộ SGK những năm tới.

Sau đó, nói như ông Nguyễn Hữu Độ (Thứ trưởng Bộ GDĐT) thì Bộ đã lường trước vấn đề này. Vì thế đã đề nghị Hội đồng Thẩm định SGK rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu; báo cáo của Hội đồng Thẩm định gửi về Bộ trước ngày 17/10.

Dẫu thế thì ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn đề nghị Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu ý kiến để thẩm định, điều chỉnh ở lần tái bản và là kinh nghiệm thẩm định bộ SGK khác đồng thời hướng dẫn giáo viên truyền tải tốt kiến thức chương trình mới và chủ động phản hồi nội dung chưa phù hợp.

Trở lại với việc ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng Bộ đã “lường trước”, có thể thấy rằng đó cũng chỉ là cách nói thông thường, vì khi lật lại vấn đề nếu như không có phản ứng của dư luận thì liệu Bộ GDĐT có phát hiện ra sai sót trong bộ SGK Tiếng Việt 1 để sửa chữa hay không; hay là cứ thể để nó trôi đi?

Rất đáng chú ý (và cần lắng nghe) khi nhiều ý kiến cho rằng dù việc tiếp thu để chỉnh sửa là đáng hoan nghênh nhưng chỉnh sửa có tốt hơn không, nếu so với việc bỏ hẳn cuốn SGK ấy để chọn cuốn mới.

Chủ trương có nhiều bộ SGK để tránh độc quyền, tăng tính cạnh tranh nhằm tốt nhất cho giáo viên và học sinh là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế thời đại. Điều này nhắm thẳng vào việc từ trước tới nay khi biên soạn SGK là độc quyền của một nhóm người khi vẫn quan niệm cho rằng SGK là pháp lệnh. Tuy nhiên, khi “trăm hoa đua nở” thì không phải bông hoa nào, cụm hoa nào duy nhất tốt đẹp cho dù nhìn qua là khá quyến rũ. Đặc biệt, khi nhóm biên soạn lại “nhờ” một vị giáo sư uy quyền nào đó cùng đứng tên (tất nhiên là có bổng lộc).

Nhân câu chuyện này, người viết xin được nói câu chuyện đã cũ. Ấy là quan niệm thế nào về lớp 1 cũng như bậc Tiểu học.

Cách đây chừng 40 năm, ông Hồ Ngọc Đại từ Nga về, xây dựng Trường Thực nghiệm. Lúc đó ông Đại đã nói luôn là sẽ chỉ dạy lớp 1. Nhiều người cười mỉm, cho rằng Tiến sĩ Đại cũng chỉ dừng lại ở trình độ Tiểu học nên sống chết gì cũng bảo vệ cấp học thấp nhất. Với lại, ông Đại là con rể của Tổng Bí thư (ông Lê Duẩn) thì muốn làm gì mà chẳng được (ý muốn nói là chọn bậc Tiểu học cho nhàn thân vì không ai biết đấy là đâu). Nhưng hóa ra ông Đại đúng khi đắm đuối với bậc học “thấp nhất” vì nó chính là nền móng tri thức cho bất cứ người nào. Nền móng không sâu, không chắc thì không thể xây được “tòa lâu đài”. Nhiều khi kiến thức ở bậc đại học (kể cả trên đại học) chúng ta quên nhưng những gì học học ở tiểu học, ở phổ thông thì lại in hằn trong não. Đó chính là xuất phát điểm tri thức, kiến thức của mỗi một con người.

… Hôm 14/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều (1950 - 2020). Đây là ngôi trường ông đã học tập trong những năm tháng chiến tranh, đất nước vô cùng khó khăn. Tâm sự với thầy trò nhà trường, ông nhớ như in thầy nào, bạn nào dù hơn nửa thế kỉ đã trôi qua. Nói vậy để thấy trong độ tuổi ấu thơ, tuổi hoa niên của mỗi một con người tiếp thu đúng sẽ vô cùng tốt đẹp, và đương nhiên tiếp thu sai sẽ là tai họa.

Cho nên, chí ít đối với SGK Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) phải được xem là hệ trọng. Sửa chữa hay bỏ đi thì Bộ GDĐT phải quyết vì nó không chỉ tác động tới một niên khóa mà là nhiều thế hệ.

Với tôi, người viết bài này, thì nên bỏ. Tất nhiên năm học này thì chịu rồi.

Theo Nam Việt

Daidoanket