S.O.S đeo bám du khách, Hà Nội vẫn "không vội"...

(Dân trí) - Ngành "công nghiệp không khói" du lịch đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhiều quốc gia, bởi thế nó thường được chăm sóc kỹ lưỡng. Với du lịch VN, tiếng khen tuy cũng kha khá nhưng còn đó nhiều lời chê, nhất là về "vấn nạn" người bán hàng rong đeo bám du khách.

 
 
S.O.S đeo bám du khách, Hà Nội vẫn không vội...
Du khách nước ngoài bị người bán hàng rong đeo bám tại Sapa từ khi bước chân xuống khỏi ôtô (ảnh: Đức Giang, nguồn: Lao Động)

 

Bàn  về “dây thần kinh xấu hổ”
 

Vấn đề văn hóa du lịch đã nhiều lần được đề cập trên báo chí và bàn luận trong người dân, tới mức không ít người bực mình thở than: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” Song biết là vậy, họp bàn cũng nhiều là vậy mà tình hình xem ra vẫn không được cải thiện là bao, khiến dư luận vẫn bức xúc, các nhà quản lý vẫn "đau đầu". Còn du khách quốc tế thường… một đi hiếm khi trở lại???

 

Cũng nói về chuyện này, điều dễ nhận thấy nhất trong rất nhiều phản hồi của bạn đọc có lẽ là cách nói về một trạng thái biểu cảm “kỳ lạ” ở một bộ phận không nhỏ người dân VN hiện nay. Đó là “đứt dây thần kinh xấu hổ”, vì thế nên gần như họ sẵn sàng tỏ ra vô cảm trước những việc làm phản cảm, gây hại cho người khác…miễn sao có lợi cho mình. Trong số đó có cả những thành viên đội ngũ bán hàng rong suốt ngày đeo bám, chèo kéo du khách đã bị phản ảnh nhiều trên báo chí. Mà nói về họ, Lê Thế Nguyên nguyenmap0108@yahoo.com không dấu được nỗi ngao ngán:

 

“Không thể "đỡ" được cho những con người này. Mình đọc những bài báo kiểu như này mà thấy nổi hết cả da gà, ái ngại thay cho du khách. Theo mình, tất cả những điều không hay như thế này, đều có thể lí giải bằng 2 chữ "dân trí" ở những người thực hiện các hành vi tệ hại như thế mà thôi”.

 

Nick Bình thường thôi mà all_for_no1@yahoo.com cũng có nhận xét đầy tiêu cực:

 

“Nói chung ý thức kém, cộng với thấy Tây nghĩ là “gà” kiếm tiền dễ, nên có đuổi thì họ vẫn cứ bám trụ, làm gì cho lại? Ngày buôn bán lãi nhiều lắm cũng chỉ 200K, gặp 2 bác Tây “gà “cũng kiếm đủ mà lại không phải chạy nhiều. Chính vì vậy đội quân này sẽ ngày càng đông. Quay sang mấy bác chính quyền thì cũng vậy thôi, bảo các bác đi bắt xe máy vi phạm thì nhanh vì vừa có xiền mà lại nhanh, còn bắt hàng rong vừa khó lại không có xiền. Vẫn là cái vòng lẩn quẩn thôi”.

 

Nick Tại ai? bucxuc@gmail.com nhấn mạnh:

 

“Các đơn vị chức năng đâu rồi, trách nhiệm của các vị thế  nào về việc này?  Chúng tôi đề nghị các vị thông báo rõ chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị quản lý, để người dân thực hiện nghĩa vụ giám sát. Còn các vị nếu không làm được, hãy để người dân chúng tôi làm hộ. Nên nhớ việc của các vị là góp sức cho xã hội đẹp hơn, vì các vị được hưởng lương để thực thi chức trách đó kia mà. Nói tóm lại, ai cũng cần phải biết xấu hổ chứ!”

 

Nguyễn Đình Lộc dinhlang57@yahoo.com nhắc nhở:

 

“Thật xấu hổ! Các cơ quan chức năng như: công an, tổ trật tự dân phố, UBND phường ... nên vào cuộc quyết liệt để dẹp bỏ hoàn toàn tệ nạn này càng sớm càng tốt”.

 

Lau La  Kiko@gmail.com cùng quan điểm:

 

“... Đọc bài viết này mà xấu hổ cho ngành du lịch nước ta quá! Sao các cơ quan chức năng cứ để cho tình trạng đó xảy ra, chỉ làm xấu đi hình ảnh đất nước và nhất là gây hại cho ngành du lịch nước nhà mà thôi”.

 

Nick Văn hoá Hà Nội là thế sao?  long@gmail.com nghi ngờ:

 

“Chỉ có một việc nhỏ như vậy mà HN vẫn không làm tốt được, thì nói gì đến việc lớn hơn là nỗ lực giữ gìn những nét văn hoá truyền thống của  HN xưa và nay. Thật đáng hổ thẹn!”

 

CK cafefin@gmail.com lưu ý:

 

“Vấn đề này cần coi là nghiêm trọng để kiên quyết xóa bỏ vì ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia, chứ không đơn giản chỉ là hành vi xấu đâu!!!”
 
S.O.S đeo bám du khách, Hà Nội vẫn không vội...
Du khách này đã phải trả 50.000 đồng do trót chụp ảnh với gánh hàng rong (Ảnh: Minh Đức, nguồn: Tiền Phong)

 

Chân dung xấu xí

 

Chân dung sinh động về “đội quân” hàng rong đeo bám du khách ngay tại phố cổ Hà Nội hiện lên rõ hơn qua những “nét cọ” của “họa sĩ đường phố” Minh Kien bac0510@gmail.com:

 

 “Nhà tôi ở ngay phố cổ Hà Nội. Hàng ngày phải chứng kiến cảnh "cướp ngày" của đội quân hàng rong, móc túi, chặt chém... du khách (đặc biệt là khách nước ngoài), tôi thấy rất bức xúc và xấu hổ vô cùng cho Thủ đô. Thử hỏi mỗi ngày 1 kẻ trong đội quân "cướp ngày" đó thực hiện trót lọt bao nhiêu phi vụ, cướp được tiền của bao nhiêu du khách. Từ đó nhân lên với cả đội quân lởn vởn khắp khu phố, nhân với số ngày, tháng, năm... thì biết hậu quả lớn đến thế nào? Vậy mà quận Hoàn Kiếm có khá nhiều đội tự quản, an ninh, trật tự, công an... Nhưng họ dường như mặc kệ, không quan tâm đến vấn nạn nhức nhối này? Mong báo chí tiếp tục lên tiếng thật mạnh, để các vị quản lí cấp cao chú ý mà đốc thúc cấp dưới dẹp "cái đống lộn xộn" đó đi cho Hà Nội khỏi xấu mặt với khách nước ngoài!”

 

Nguyễn Sĩ Trường nguyensy_truong2000@yahoo.com có ngay phản hồi bằng câu hỏi về “việc cần làm ngay”: 

 

“Mang tiếng là phố cổ, là nơi gọi là văn minh nhất cả nước, là trung tâm của quốc gia mà lại như vậy sao? Tôi sống ở quê nhưng cũng không thể chấp nhận  kiểu ăn cướp giữa ban ngày như vậy được. Đó là những con người không có lương tâm. Phố cổ trong con mắt người nước ngoài chỉ vậy thôi sao, thử hỏi những du khách này có còn trở lại Việt Nam nữa  hay "người ra đi đầu không ngoảnh lại… "? Tội nghiệp cho du khách quá! Ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này của Hà Nội, cho tôi hỏi: Việc này có cần làm ngay không???”

 

Từ đó, Nguyễn Thanh Chiennttchq@yahoo.com báo động tiếp một viễn cảnh xấu xí về “ cái chợ lộm nhộm”:

 

“Hà Nội là thủ đô, là thành phố thanh lịch, sao lại để cảnh chèo kéo, móc túí, cướp cạn xảy ra với du khách nước ngoài như vậy? Chúng ta đang quảng bá cho du lịch của đất nước, sao chính quyền lại vẫn có thể để những cảnh này tiếp tục xảy ra? Nếu chính quyền phường và thành phố không có các hành động kịp thời và lâu dài, e rằng tại các khu phố cổ Hà Nội của chúng ta chỉ còn lại những hình ảnh không khác gì một cái chợ lộm nhộm và mất an ninh trật tự, làm xấu hình ảnh chung của đất nước!”

 

Nick Đáng buồn  cbkhongthela@gmail.com chất vấn:

 

“Một hình ảnh gây phản cảm cho du khách, đã, đang và sẽ mang tiếng xấu cho đất nước. Vậy các cơ quan chức năng có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề này? Cứ để tình trạng đó liệu các du khách có còn dám quay lại VN  lần nữa không????? Thủ đô cần đi trước các TP khác trong việc xử lý vấn nạn này chứ!”

 

Cathy cathy@gmail.com nhắc nhở:

 

“Tình trạng này kéo dài quá lâu và đã rất nhiều lần báo đài phản ánh, mà tôi thấy phía chính quyền HN vẫn... im lặng thì cũng lạ thật đấy! Để dẹp bỏ vấn nạn này tôi thấy quá đơn giản, chỉ có điều cơ quan chức năng có muốn làm không thôi. Thủ đô mà để vậy có phải nhếch nhác quá không???”

 

Tran Thinh  ThinhPhat@yahoo.com truy vấn quyết liệt hơn:

 

“Việc không dẹp nổi hàng rong bắt chẹt khách du lịch trong thời gian gần đây là khá bức xúc. Đề nghị các cán bộ chức năng của UBND quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung đăng đàn trả lời rõ các biện pháp dẹp bỏ vấn nạn này. Tại sao người dân đóng tiền để giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh, mà quận Hoàn Kiếm không đứng ra dẹp bỏ vấn nạn, chỉ khi báo chí vào cuộc thì các vị lại… mới biết…”
 
Lẽo đẽo đeo bám du khách trên phố cổ (Ảnh: Trường Phong, nguồn: Tiền Phong)
Lẽo đẽo đeo bám du khách trên phố cổ (Ảnh: Trường Phong, nguồn: Tiền Phong)

 

Học thầy không tày học bạn 

 

Bất kỳ cư dân Hà Nội có ý thức nào chắc cũng không thể làm ngơ, hoặc giả vờ quên đi cảm giác xấu hổ trước những câu hỏi rất thật và cũng rất dễ làm nóng mặt những ai xưa nay vẫn được coi là “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”… Các góp ý về cách thức xử lý từ phía người dân xem ra cũng đâu có quá khó, thậm chí chẳng cần đi đâu cho quá xa xôi và tốn kém:

 

“Thủ đô Hà Nội đây ư??? Hãy học Đà Nẵng!!!” - Công Lý:  blackhat8x@gmail.com

 

“Đâu cần phải ra nước ngoài học cách làm du lịch, mà chỉ cần học hỏi ngay Đà Nẵng đó thôi!”- Hanh:  bichhanhlienhoa@gmail.com

 

“Mình đi du lịch Đà Nẵng, thấy các điểm du lịch ở miền Bắc phải học tập họ nhiều” - Phạm Thị Nga:  ngahungson@gmai.com

  

“Đúng là ở TPHCM cũng có những cảnh này, nhưng không xấu xí và nhiều như ở Hà Nội” - Lê Nhị Hòa:  nhoa@vietnet.vn

 

“Các vị được giao chức trách mà làm không tốt việc của mình trong lĩnh vực này, thì người dân chúng tôi sẽ thể hiện sự bất tín nhiệm với họ bằng lá phiếu, chứ không muốn làm phiền các vị bằng lời kêu ca, phàn nàn mãi nữa đâu... Cần xóa bỏ ngay những hình ảnh này giữa Thủ đô!” - Ton:  dts1110@yahoo.com

 

“Để giải quyết chuyện ăn xin và bán hàng rong bắt chẹt khách, theo tôi, có lẽ Hà Nội cần học hỏi Đà Nẵng và Hội An. Tại Đà Nẵng và Hội An người bán hàng rong rất đông nhưng vẫn lịch sự và thân thiện chứ không chộp giật như HN. Đặc biệt là ở đó không có bóng dáng ăn mày và "đội quân" chèo kéo bắt chẹt khách du lịch. Sao thủ đô nghìn năm văn hiến lại không làm được như thế? (câu này tôi muốn được nhờ Dân trí chuyển tới các ngành chức năng của HN)”- Bá Ước:  duycole@yahoo.com

 

“Giống với Hội An 15 năm về trước. Trách nhiệm này thuộc về những người quản lý” - Tuấn Nguyễn:  tuansalem@gmail.com
 

“Ở Hội An môi trường tốt hơn nhiều. Người buôn bán rất có ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh cho thành phố du lịch của mình” - Lê Thị Tâm:  khongcgi2a@gmail.com

 

“Cần có cảnh sát du lịch, mà nước ta chưa vẫn có đội ngũ này” - Le: le@fmail.com

 

“Có vấn đề đơn giản mà không giải quyết được nhỉ? Tôi nghĩ chỉ cần Bộ Công an có chỉ thị: Nếu không dẹp được tệ nạn đó thì mời đồng chí giám đốc công an thành phố hay đồng chí trưởng quận chuyển công tác khác, hoặc về hưu sớm. Tôi tin là trật tự sẽ được lập lại ngay thôi” - Đoàn Lê: Luulyhue@hotmail.com

 

Đúng như Lê Phúc caychituphuc@gmail.com nêu rõ: “Đây là bộ mặt Hà Nội nói riêng và cũng là của cả nước nói chung. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để "sửa sang" lại gương mặt Thủ đô và cũng là một phần gương mặt Việt Nam với ‘vẻ đẹp bất tận’ trong con mắt bè bạn quốc tế”.

 

Có lẽ nào người Hà Nội bó tay để cho tình trạng đó vẫn diễn ra giống như “đúc kết” của Tùng Nguyễn h2h2hoang_vn@yahoo.com: “Hà Nội không vội được đâu :D báo chí phản ánh mãi mà có ăn thua gì đâu!!!”
 

 

Nói về tình trạng đeo bám khách du lịch, bán hàng rong, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch (cụ thể là tại Sapa, nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch phía Bắc), báo Lao Động ngày 9/8 đăng bài viết có tự đề “Nỗi hổ thẹn ở ‘thiên đường du lịch’ Sapa”. Trong đó dẫn lời TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cho rằng: Vấn đề phải giải quyết tận gốc, khi du lịch phát triển thì lợi ích phải được phân phối đồng đều. Cụ thể là cộng đồng người dân là chủ ở đây, họ phải nhận được lợi ích từ du lịch. “Không nên trách cộng đồng bà con vì bà con ít được hưởng lợi. Chúng ta phải điều tiết vĩ mô, quan trọng nhất là làm sao cho người dân có lợi ích từ du lịch" – ông Sơn nhấn mạnh.

Với thủ đô Hà Nội, báo An ninh Thủ đô ngày 7/8 cũng đăng bài viết với tựa đề là câu hỏi khá quen thuộc “Lẽ nào bất lực?” trước những hình ảnh phản cảm về người lang thang xin tiền, đội quân bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách du lịch…Mà người dân ai cũng biết, nhưng các cơ quan chức năng liên quan dường như không biết và vẫn im lặng…

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày 7/8 cũng có bài viết với biện pháp đã được nêu rõ qua tựa đề “Áp dụng biện pháp mạnh để bảo vệ du khách”. trong đó nêu những biện pháp được UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm nhằm bảo vệ an toàn cho du khách đến TP.HCM, đặc biệt là với tình trạng taxi “dù” và gian lận cước để lừa đảo, bắt chẹt du khách.

 

 
 Kiều Anh